Nhạc sĩ Thanh Sử chắp cánh cho thơ hòa nhạc

28/10/2022 - 05:41

BDK - Với 65 năm tuổi đời, ông đã có hơn 50 năm gắn bó với âm nhạc, bởi ông đã “bén duyên” cùng tiếng đờn lời ca từ nhỏ, “thừa kế” niềm đam mê âm nhạc từ người cha của mình. Suốt hành trình lao động, sáng tạo nghệ thuật, Nhạc sĩ (NS) Thanh Sử đã cho ra đời hơn 1 ngàn tác phẩm âm nhạc, xuất bản nhiều tuyển tập ca khúc và nhiều tác phẩm đã đi vào lòng công chúng. Đặc biệt, ngoài sáng tác, ông còn phổ thơ thành nhạc, nâng tầm giá trị nghệ thuật cho các tác phẩm thơ và nhạc.

Nhạc sĩ Thanh Sử dành nhiều thời gian cho sáng tác âm nhạc.

Nhạc sĩ Thanh Sử dành nhiều thời gian cho sáng tác âm nhạc.

Trưởng thành từ hoạt động nghệ thuật

NS Thanh Sử tên thật là Nguyễn Văn Sử, là người con của xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng và yêu thích nghệ thuật. Khi còn tuổi học trò, ông tham gia đội văn nghệ trường trung học Chợ Lách và đội văn nghệ xã Hòa Nghĩa. Với niềm đam mê âm nhạc, ông quyết định theo học nhạc tại Trường Lý Luận nghiệp vụ II - TP. Hồ Chí Minh (1978 - 1981). Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Phòng Văn nghệ, Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Trong quá trình công tác, ông tiếp tục học tập, nâng cao trình độ, như: theo học Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (khoa Văn hóa quần chúng), Đại học Sư phạm âm nhạc - Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Ông đã trải qua nhiều đơn vị công tác như: Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chợ Lách, Nhà Văn hóa người cao tuổi tỉnh Bến Tre, Hội Văn học - Nghệ thuật (VH-NT) Nguyễn Đình Chiểu và về hưu từ năm 2017. Ông từng giữ vị trí Phân hội trưởng Phân hội Âm nhạc thuộc Hội VH-NT Nguyễn Đình Chiểu, hiện là hội viên Chi hội NS Việt Nam tỉnh Bến Tre, hội viên Hội VH-NT Nguyễn Đình Chiểu.

NS Thanh Sử chia sẻ, ông “tập tành” sáng tác từ khi còn là học sinh, với các tác phẩm về thầy cô, trường lớp. Sau đó, ông tiếp tục sáng tác theo năm tháng, nhất  là giai đoạn về công tác tại Hội VH-NT Nguyễn Đình Chiểu. Tính đến nay, ông cho ra đời hơn 1 ngàn tác phẩm, trong đó có nhiều tuyển tập, sản phẩm âm nhạc như: Tuyển tập NS Thanh Sử (2004), CD Thanh Sử - Trở về (2005), CD Thanh Sử và Những người bạn (2007), CD Thanh Sử và Bình Thường (2016), CD Mãi gọi dấu yêu (Thanh Sử - Ngô Hằng, 2018), CD Tình em Chợ Lách (2018)…

Chấp cánh cho thơ

Nhắc đến NS Thanh Sử, NS Võ Đăng Tín - người con của quê hương Bến Tre, nguyên Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP. Hồ Chí Minh nhận định: “NS Thanh Sử là người viết không biết mệt mỏi, sáng tác âm nhạc với nhiều ý tưởng mới và đặc biệt là phổ nhạc thành công nhiều bài thơ (của nhiều tác giả). Bằng chất liệu âm nhạc gắn với vốn dân ca Bến Tre và mọi miền đất nước, NS Thanh Sử đã tạo nên dòng nhạc của riêng mình, tạo nên phong các âm nhạc quý, riêng mang tên Thanh Sử”.

Nhà thơ Dạ Yên (người con của Bến Tre, hiện sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Người NS tài hoa này đã đưa thơ và nhạc đến một đỉnh cao tuyệt vời, âm thanh trầm bổng, nhịp phách rộn ràng, anh đã đem tiếng vọng âm nhạc vào mọi cảm xúc, chắp cánh cho những bài thơ bay bổng. Anh đã thổi hồn thêm vào bài nhạc, luôn làm rung động tình cảm sâu lắng trong tâm hồn của người nghe nhạc”.

Một trong những tác phẩm nhạc phổ từ thơ đã được in vào tuyển tập và được các ca sĩ trình diễn trong các hoạt đông nghệ thuật, để lại nhiều cảm xúc cho người nghe như: tác phẩm “Đêm và tôi”, Giấc mơ của bé (thơ Phan Văn Mãi, nhạc Thanh Sử), tác phẩm “Công cha nghĩa mẹ (thơ Tống Thu Ngân, nhạc Thanh Sử), tác phẩm “Câu hò quê hương” (thơ Nắng Mùa Đông, nhạc Thanh Sử), tác phẩm “Ký ức vẫn còn vang vọng mãi” (thơ Đình Thu, nhạc Thanh Sử)…

NS Thanh Sử bày tỏ, việc phổ thơ hòa nhạc phải có “cái duyên”, khi bài thơ chạm đến cảm xúc mới có thể đưa vào thành nhạc, chứ không phải bài thơ nào cũng đưa vào nhạc được. Hầu hết các tác giả có tác phẩm thơ khi được phổ thành nhạc đều bày tỏ niềm vui, hạnh phúc, vì bài thơ của mình được nâng tầm giá trị. Nhiều bài thơ khi được phổ nhạc được công chúng biết đến và yêu mến, đón nhận.

Những câu thơ thấm đẫm tình người, tình yêu gia đình, trường lớp, quê hương xứ sở hòa quyện cùng những nốt nhạc bổng trầm tha thiết, đong đầy cảm xúc đã kết nối những tâm hồn đồng điệu, hướng về những điều tốt đẹp cho cuộc đời: “Mẹ dạy con, bập bẹ tiếng đời. Những điều tử tế giản đơn. Cô dạy con, ráp vần, nét chữ. Nét chữ - nết người. Tổ quốc - Nhân sinh. Cuộc sống dạy ta bao điều hay dở. Từng phút từng giờ bổn phận thiên dân…” (Trích tác phẩm “Thầy”, thơ Phan Văn Mãi, nhạc Thanh Sử).

NS Thanh Sử cho biết, ông sẽ tiếp tục sáng tác, phổ thơ hòa nhạc, cũng như tham gia các hoạt động nghệ thuật khác khi có điều kiện. Bởi với ông, âm nhạc không chỉ là đam mê, là hơi thở cuộc sống, mà còn tô thêm màu sắc tươi vui, cùng với lực lượng sáng tác tỉnh nhà đưa hình ảnh, con người quê hương Bến Tre đi xa.

Nhạc sĩ Thanh Sử đã từng tham gia và đạt giải cuộc thi sáng tác âm nhạc trong và ngoài tỉnh, trong đó có tác phẩm “Nhịp cầu quê hương” đạt giải ba cuộc thi Sáng tác ca khúc và bài ca vọng cổ năm 2015, do Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang tổ chức; tác phẩm “Đất chín rồng” đạt giải khuyến khích cuộc thi Sáng tác ca khúc khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2018, do tỉnh Sóc Trăng đăng cai…

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN