Nhân chứng còn lại sau cuộc thảm sát kinh hoàng

11/01/2012 - 07:40

  lần, tôi đọc tập Ký sự “Trường hận - Bến Tre trong nước mắt” của nhà văn, nhà sử học Nguyễn Duy Oanh kể về trận thảm sát ở ấp Cầu Hòa, Phong Nẫm, Giồng Trôm. Tác phẩm lên tiếng tố cáo tội ác dã man của bọn lính lê dương mà đứng đầu là tên thiếu úy Tây lai Léon Leroy. Họng súng và lưỡi lê của chúng đã cướp đi sinh mạng của hơn hai trăm người dân vô tội. Lời văn của ông như nghẹn ngào, uất hận gợi cho tôi bao nỗi xót xa, thương cảm. Chính sự xúc động ấy đã thôi thúc tôi tìm về nơi đây để gặp mặt hai nhân chứng còn lại sau cuộc thảm sát kinh hoàng.

Ngày 10-1-1947 (19 tháng Chạp năm Bính Tuất), dưới sự chỉ huy của tên thiếu úy Tây lai Léon Leroy, hai trung đội lính lê dương theo hướng sông An Hóa theo kênh Chẹt Sậy đổ lên ấp Cầu Hòa và ấp Nhì nhằm tàn sát Việt Minh ẩn trú tại nhà dân. Nhưng lùng sục mãi mà không tìm ra chứng tích nào của Việt Minh, chúng quay ngược họng súng tấn công vào thường dân vô tội với dã tâm “giết sạch, đốt sạch, phá sạch”, gieo rắc bao nỗi kinh hoàng và tội ác man rợ. Đây có lẽ là cuộc thảm sát có quy mô lớn nhất và độc ác nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở miền Nam.

Nạn nhân của vụ thảm sát là 286 người (trên 65 hộ gia đình bị thảm sát, có gia đình bị giết đến 17 người, có gia đình bị “giết sạch”). Trâu bò, gà vịt bị bắn, phơi thây cùng với hơn 100 ngôi nhà cháy rụi. Dân Cầu Hòa kêu gào thảm thiết, ai oán. Những người may mắn còn sống sót như bà Huỳnh Thị Hai, bà Võ Thị Đời, Nguyễn Thị Sanh, Huỳnh Văn Bạn, Diệp Thị Hoặc, Huỳnh Thị Bé… đã đau đớn kể lại với bà con về nỗi kinh khiếp khi chứng kiến cảnh người thân lần lượt bị bắn, bị đâm, bị đốt dưới con mắt thản nhiên, lạnh lùng, tàn bạo của giặc.

Khi tôi tìm đến nơi, mới biết hiện chỉ còn bà Diệp Thị Hoặc và ông Phạm Văn Mãnh, ở ấp Cầu Hòa, là hai trong số ít người thoát chết trong sự kiện tang thương năm đó. Theo ký sự của Nguyễn Duy Oanh thì gia đình bà Hoặc có bốn người bị sát hại, còn cả nhà ông Mãnh đều bị giết, ngoại trừ ông đi kháng chiến. Đây không phải là hai gia đình bị tàn sát nhiều nhất, nhưng họ là hai nhân chứng sống có thể kể lại tường tận cuộc thảm sát năm ấy.

Theo lời giới thiệu của anh Phạm Hoàng Em (Ba Hoàng), nhân viên bảo vệ Khu di tích thảm sát Cầu Hòa, đồng thời là cán bộ Đài Truyền thanh xã Phong Nẫm, tôi đến gặp bà Diệp Thị Hoặc. Bà Hoặc (Ba Hoặc) năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi (sinh ngày 10-4-1938). Bà sống trong một căn nhà ba gian với người con trai, con dâu và đứa cháu nội. Cuộc sống êm ấm phần nào xoa dịu cuộc đời bất hạnh của người con gái mồ côi mẹ quá sớm. Năm đó, bà là đứa bé chín tuổi run sợ khi chứng kiến mẹ và ba người em trai (Diệp Văn Khấn, Diệp Văn Tẩy, Diệp Văn Phùng) bị giặc bắn chết tại chỗ. Sau khi chôn cất người thân, bà cùng cha và người anh hai (Diệp Văn Phé) dắt díu nhau về xã Phú Ngãi (Ba Tri) sinh sống với người bà con để nguôi ngoai chuyện cũ. Giọng trầm uất, bà kể lại: “Hồi đó, tụi lính lê dương xồng xộc vác súng vô, chúng bắt cả nhà ra sân không kể lớn nhỏ. Sau đó là một loạt súng đinh tai nhức óc. Lúc đó, bác mất cả hồn vía, bất tỉnh. Sau đó, không biết chuyện gì xảy ra và không hiểu tại sao mình còn sống. Có lẽ chúng bắn hụt hay có ai đó che chở”. Thật không thể tưởng tượng hết được nỗi đau mà bà Hoặc phải chịu đựng trong hơn sáu mươi năm qua. “Bây giờ nhắc tới, buồn lắm, tủi lắm. Nhớ người thân lắm cháu à!”. Bà nói thêm: “Bác còn nhớ rất rõ, hồi đó, gia đình bác trồng cây lấy bông dệt vải, khi bác tỉnh lại thì nhìn thấy mẹ và ba người em trai oằn oại trên những bông vải thấm rõ máu tươi. Lúc đó, bác không khóc, cũng không cười được, chỉ đi lòng vòng rồi ngã quỵ tại chỗ. Ở nhà kế bên, cô Tư (Diệp Thị Chảnh) và hai người con cũng bị bắn chết. Rồi bác nghe tiếng rên la, gào thét khắp xóm, không nơi đâu không nghe tiếng la, tiếng khóc”. Bà Hoặc nói, giọng run run, đôi mắt đã ứa những giọt lệ. Nói về hai ngôi mộ chôn chung tất cả 21 người thân (một mộ chôn 10 người, một mộ chôn 11 người), bà Hoặc cho biết được hài táng những người bên nội và ngoại, hiện ở gần mé sông Chẹt Sậy…

Câu chuyện bà kể lại trong tiếng nấc nghẹn, đến nỗi anh Ba Hoàng thú thật: “Chú em mày hay lắm đó, mấy người trước anh giới thiệu không ai làm cho bà Hoặc khóc dữ đến như vậy”. Hình như bà Ba có rất nhiều điều muốn tâm sự để thoát nỗi lòng và trút đi gánh nặng ở tâm hồn. Nhưng chúng tôi có quá ít thời gian nên đành hẹn lại một dịp khác.

Rời nhà bà Ba Hoặc, chúng tôi tìm đến nhà ông Chín Mãnh cách chừng non cây số. Ông Chín năm nay đã gần 90 tuổi (sinh ngày 5-10-1925) nhưng thân hình còn tráng kiện, gân guốc. Ông tiếp chúng tôi như người thân trong gia đình. Ông có sức khỏe, nhưng hay quên và bị lãng tai. Tôi phải hỏi lớn tiếng và nhiều lần ông mới nghe rõ. Kể về nỗi đau mất người thân trong cuộc thảm sát Cầu Hòa, ông tâm sự: “Nhà tui có 9 người, trong cuộc thảm sát đó, chỉ có tôi là còn sống. Còn lại tám người kia bị đốt, bị đâm chết hết. Lúc đó, tôi đi theo giải phóng quân, khi về đến nhà nghe tin dữ, đau lòng không muốn ở thêm giờ phút nào nữa. Tôi lại tiếp tục tham gia giải phóng quân. Quyết trả thù cho người thân đã chết dưới họng súng và lưỡi lê của kẻ thù”. Giọng ông sang sảng lấn át tiếng radio mở cũng khá lớn ở nhà kế bên. Ông cho biết, tám người anh em của ông đã chết được chôn vào một huyệt. Không những người thân của ông được chôn qua quýt, cả gia đình bà Ba Hoặc và nạn nhân trong cuộc thảm sát đó cũng được chôn như vậy. “Cháu biết không, tối đến, mấy con chó đánh hơi tử thi, bới đất tìm kiếm, chúng tha về những khúc xương người nham nhở, máu khô và thịt. Lũ quạ thì kêu inh ỏi khắp xóm. Đó đây, tiếng cú kêu ghê rợn. Ấp Cầu Hòa đã trở thành bãi tha ma. Thật không sao tưởng tượng hết được cháu à. Tui không hiểu tại sao tụi nó ác với đồng bào mình đến như vậy” - ông Chín nói và dồn căm thù vào đôi bàn tay còn khá rắn chắc. Hồi đó, cám cảnh ông, Trung tướng Đồng Văn Cống thường đến thăm và an ủi gia đình, động viên rất nhiều. Những lời an ủi, sẻ chia đó đã tiếp thêm cho ông nghị lực, biến đau thương thành sức mạnh chiến đấu với giặc, giành lại bình yên cho quê hương. Ông Chín Mãnh vừa nói vừa chỉ cho tôi tấm ảnh và bằng khen đã ố vàng treo trước cửa buồng như một niềm tự hào là bộ đội Đồng Văn Cống vẻ vang, anh dũng…

Ông Chín kể chuyện đến đâu, tôi ghi âm lại đến đó để phân tích những chi tiết và viết lại trong bài báo này. Cũng bởi ông lãng tai nên tôi không hỏi được nhiều, nên gần như ông tự thuật lại sau khi được tôi và anh Ba Hoàng gợi ý. Khi chào ông ra về, cái siết tay rất chặt làm tôi nhớ mãi: “Nhớ ghé lại khi có dịp nghen”. Tôi gật đầu nhưng không biết tuổi tác ông có chờ được tôi trở lại. Chúng tôi trở về trên con đường nhỏ dẫn ra Khu di tích thảm sát Cầu Hòa. Tạm biệt anh Ba Hoàng để trở về Châu Thành, tôi bắt đầu trầm tư về cuộc trò chuyện với hai nhân chứng còn lại sau cuộc thảm sát mà khi tôi đọc tập ký của ông Nguyễn Duy Oanh so ra còn kinh khiếp hơn.

Và tôi biết, dẫu quá khứ đã lùi xa, nhưng nỗi đau kia hãy còn đó. Bây giờ, họ ắt sẽ ngậm ngùi khi nghe câu ca dao: Dù ai buôn bán đâu xa/19 tháng Chạp Cầu Hòa giỗ chung.

Trần Đức Hiền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN