“Do lịch sử cách mạng của tỉnh nên khi nói Bến Tre người
ta nhớ ngay đến quê hương Đồng Khởi anh hùng. Một biểu trưng về phong trào Đồng
khởi là cấp thiết” - một vị lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch) lúc bấy giờ nói. Tên gọi tượng đài Đồng Khởi ra đời cùng
lúc với ý tưởng. Khi đó, cả tập thể dồn suy nghĩ vào hướng làm tượng đài như thế
nào, nhưng dù thế nào thì tượng đài ấy phải có bà mẹ; tay mẹ cầm đuốc với ý
nghĩa ngọn lửa Đồng khởi dẫn dắt, đưa phong trào cách mạng tỉnh nhà đến thành
công. Ở Liên Xô có tượng đài bà mẹ cầm gươm. Không biết rằng trong suy nghĩ có
sự tương đồng ra sao nhưng cũng có ý kiến đồng cảm, muốn bà mẹ của Bến Tre cũng
phải như thế. Qua nhiều lần phác thảo của tác giả, cuối cùng tượng đài mẹ uy
nghi với ngọn đuốc trên tay cùng song hành với sự phát triển của xứ Dừa.
Đây là một tác phẩm điêu khắc tiêu biểu, một công trình
nghệ thuật có quy mô lớn về hình thức là khái quát cao về cuộc Đồng khởi năm
1960 và cả quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Bến Tre. Lãnh đạo
tỉnh gợi ý để các anh em văn nghệ sĩ trong tỉnh thực hiện. Một tập thể gồm họa
sĩ Lê Dân, điêu khắc gia Trần Thị Chúc, nghệ nhân điêu khắc Lương Xuân Ba, kiến
trúc sư Đoàn Thiên Lương bắt tay trải ý tưởng ra trang giấy. Giáo sư Nguyễn Phước
Sanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh làm cố vấn.
Mọi người chia nhau từng phần việc. Trong đó, chị Chúc đảm
nhiệm tượng bà mẹ; họa sĩ Lê Dân, Xuân Ba phụ trách quần thể tượng còn lại, phù
điêu và Đoàn Thiên Lương phụ trách phần lá dừa. Kỷ niệm 35 năm ngày Đồng khởi
cũng là thời gian khánh thành tượng đài Đồng Khởi sau khoảng 6 tháng thi công.
Tượng được đặt trên nền là một hồ nước lớn hình tròn có
đường kính 30m; hồ nước tượng trưng cho sông nước Bến Tre. Trên hồ nước là 3 mảng
bê-tông được bố cục hình xoáy trôn ốc đồng tâm, tượng trưng cho 3 cù lao Bảo,
Minh và An Hóa. Biểu tượng chính là lá dừa cao 15,6m. Dù mang nhiều thương
tích, nhưng tàu lá dừa vẫn đứng thẳng, tượng trưng cho lòng bất khuất, ý chí
kiên cường của nhân dân Bến Tre.
Trong lịch sử, Đội quân tóc dài đã làm khiếp đảm quân
thù. Hình tượng bà mẹ Bến Tre được lấy làm tượng chính trong quần thể tượng đài
Đồng Khởi. Tượng bà mẹ cao 7,3m, với tư thế tiến lên, tay cầm ngọn đuốc lá dừa
giơ cao soi đường, tay vẫy về phía sau như phát hiệu lệnh tiến lên.
Nhóm tượng 5 người cao 4,5m thể hiện nội dung các tầng lớp
nhân dân tham gia kháng chiến, từ cụ già đến em nhỏ, người sống và người chết
cùng nhau ra trận. Đó là ông lão nông đánh mõ - hình ảnh của nông dân Bến Tre nổi
trống đánh mõ trong đêm Đồng khởi; anh bộ đội tay cầm cây súng ngựa trời - một
loại vũ khí thô sơ nhưng làm kẻ thù khiếp vía vào những ngày đầu Đồng khởi; một
em nhỏ ôm bó chông và người phụ nữ bồng xác một em bé đi đấu tranh.
Bức phù điêu (2 mặt, dài 20m, cao 4m) thể hiện các sự kiện
những ngày đầu Đồng khởi, như trận diệt đội Tý, binh vận lấy đồn bót, kéo nhau
ra quận Mỏ Cày tản cư ngược để phản đối càn quét dân…
Tượng đài Đồng Khởi hoàn thành, tỉnh chọn điểm đặt tượng ở
trung tâm thị xã lúc bấy giờ là ngã ba Tháp. Nơi ấy, mẹ và các anh đã chứng kiến
sự vươn mình đi lên của quê hương Đồng Khởi. Từ tên gọi truyền miệng đến chính
thức là công viên Đồng Khởi năm 2016, không biết chính xác từ bao giờ, nơi đây
trở thành địa điểm sinh hoạt lý tưởng của hệ thống chính trị và quần chúng nhân
dân. Từ những buổi văn nghệ, mít-tinh, lễ ra quân giải thể thao đến rèn luyện sức
khỏe của mọi giới, mọi lứa tuổi… đều được tổ chức dưới chân tượng đài.
Nếu như phong trào Đồng khởi 1960 đã đi vào lịch sử dân tộc
thì tượng đài về phong trào này là biểu trưng của vùng đất anh hùng. Trải qua
nhiều ngày tháng, giờ nhắc lại những người trong cuộc dường như đã quên hết mọi
vất vả, những giọt mồ hôi đã đổ xuống thay vào đó là niềm hân hoan vì đã đóng
góp công sức vào việc giúp tác phẩm hoàn thành.