Hàng tháng vào buổi sinh hoạt tổ hội, chị em đem sổ ghi tiền điện của gia đình để đối chiếu với mức đăng ký. Kết quả, số hộ giảm tiền điện ngày càng tăng, mỗi hộ đều đạt tiêu chí tiết kiệm 10% (tiết kiệm từ 40 ngàn đến 200 ngàn đồng/tháng).
Thời gian qua, Công ty Điện lực Bến Tre tập trung thực hiện cuộc vận động tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh; đã thực hiện quy chế phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
Hiểu được tầm quan trọng đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai cuộc vận động tiết kiệm đến Hội các cấp, trong đó Hội LHPN xã Thành Thới A (Mỏ Cày Nam) hoạt động nổi bật nhất. Chị Phạm Thị Đẹt - Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Ban đầu, Hội vận động tiết kiệm điện qua hình thức tuyên truyền lồng ghép với các chuyên đề khác, sau đó chị em phân công Chi hội trưởng đến trực tiếp từng nhà. Trong quá trình vận động, chị em đã gặp không ít rào cản phải vượt qua, như có nhiều hộ kinh tế khá giả cho rằng có tiền là dùng điện thoải mái, thậm chí nấu bằng điện rẻ hơn gas. Hơn nữa, trong thời gian gần đây, nắng nóng bất thường, mùa thi cử của các cháu, mùa bóng đá World Cup thì làm sao tiết kiệm được...
Với lòng kiên nhẫn giải thích rõ cho chị em hiểu tiết kiệm điện chính là tiết kiệm chi tiêu gia đình và góp phần tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước, Hội đã vận động được hàng trăm hội viên ở khắp 7 chi hội đăng ký tham gia, trong đó ấp Thới Đức được chị em đồng tình rất cao, 270/377 hộ có phụ nữ tham gia. Chị Phạm Thị Đẹt trình bày: “Sau khi vận động chị em tham gia, tôi thường xuyên cùng các chị trong các chi hội nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện các biện pháp tiết kiệm như: hướng dẫn chị em sử dụng bóng đèn huỳnh quang, đèn compact, hoàn toàn không dùng đèn sợi đốt; tắt đèn, tắt các thiết bị không cần thiết khi ra khỏi nhà”. Trong những ngày đầu thực hiện tiết kiệm, nhiều hội viên đã bày tỏ sự khó chịu và bực bội của các thành viên trong gia đình, nhưng việc đó cũng dần dần trở thành thói quen chung của gia đình.
Tuy số tiền tiết kiệm hàng tháng không nhiều nhưng đã hình thành ý thức từ gia đình đến xã hội. Đây cũng là hình thức giáo dục trực quan cho trẻ em có ý thức tiết kiệm ngay từ khi còn nhỏ. Phong trào tiết kiệm điện đã tạo cho chị em thực hiện tốt các mô hình tiết kiệm khác như tổ hụi không lời, nuôi heo đất để mua sắm vật dụng trong gia đình và trích một phần để giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học.
Để duy trì các mô hình tiết kiệm, Hội LHPN xã đã tổ chức nhiều lớp đan đát để chị em có thêm việc làm tại nhà, vừa có thêm thu nhập cho gia đình, vừa có nguồn tiền góp vào các mô hình tiết kiệm. Mô hình tiết kiệm điện ngày càng có thêm nhiều chị em trong xã tham gia.