Nhân tố con người được lưu tâm nhiều hơn

03/05/2010 - 10:56
4 tập thể và 22 cá nhân vinh dự nhận Giấy khen của UBND huyện.

Hội Khuyến học huyện Thạnh Phú được thành lập vào tháng 11-2004, với 300 hội viên; đến nay, phát triển lên 2.402 hội viên. Ngày 28-4-2010, Hội Khuyến học huyện tổ chức Đại hội thi đua khuyến học, có 22 tập thể, cá nhân đóng góp gây quỹ cho hội hơn 28 triệu đồng. 10 học sinh THPT được nhận học bổng (mỗi suất 500.000 đồng). Dịp này, UBND huyện Thạnh Phú tặng giấy khen cho 4 tập thể và 22 cá nhân (trong và ngoài tỉnh) vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến học từ năm 2004 đến 2009.

Năm năm qua, Hội Khuyến học huyện Thạnh Phú đã bình chọn được 3.280 gia đình hiếu học tiêu biểu, 86 gia đình hiếu học được tuyên dương cấp huyện, trong đó có 5 gia đình hiếu học được dự hội nghị Khuyến học cấp tỉnh. Từ đó, dấy lên tinh thần thi đua sôi nổi, được sự đồng thuận cao trong dân về khuyến học, khuyến tài. Một trong những tấm gương gia đình vượt khó hiếu học được tuyên dương như: Hộ ông Phạm Văn Hoài, ấp Xương Hòa II (Thới Thạnh) ông có 10 người con tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Tại hội nghị biểu dương gia đình hiếu học tổ chức ở thủ đô Hà Nội, trong 7 điển hình tiêu biểu của Bến Tre đó có hộ ông Phạm Văn Hoài.

Trong bối cảnh nước ta nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài, đáp ứng cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; 5 năm qua các ngành, các cấp trong huyện ra sức vận động các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng thi đua khuyến học, khuyến tài. Các cấp ngành như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Huyện Đoàn, Hội Nông dân, Ủy ban đoàn kết công giáo, Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện… đã vận động tặng học phẩm, học bổng trị giá gần 12 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học đang học ở trong và ngoài tỉnh.

Phong trào chăm lo giúp đỡ học sinh nghèo, hỗ trợ nhà trường, lo cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, hiến đất xây trường học… đã hình thành trước khi Hội Khuyến học huyện ra đời. Từ năm 1995 đến nay, toàn huyện có hơn 10 hộ hiến gần 10.000m2 đất để xây trường học. Hiện nay, việc xây dựng xã hội học tập, xã hội hóa công tác giáo dục được nhiều người dân nhận thức khá sâu sắc; xem đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của nước nhà. Chính vì nhận thức được tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục, trong 5 năm qua, Hội Khuyến học huyện đã vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh giúp đỡ học sinh nghèo học giỏi, học sinh có nguy cơ bỏ học, học sinh mồ côi khuyết tật… đã vượt qua khó khăn để tiếp tục đến trường.

Từ khi thành lập Hội Khuyến học đến nay, phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài của huyện nhận được rất nhiều sự đóng góp của các tổ chức cá nhân: Ông Trương Văn Thắng (ở xã An Thạnh) hiến 5.000m2 đất cho xã Thạnh Phong xây trường học. Sư cô Thích nữ Diệu Linh (Tịnh xá Ngọc Linh – Tân Phong), Linh mục Phạm Hữu Diện rất quan tâm đến ngành giáo dục, chăm sóc giúp đỡ học sinh nghèo. Song song đó, nhiều hội viên khuyến học rất nhiệt tình với công tác hội như: Bà Lê Thị Ru (Giao Thạnh), ông Võ Minh Sơn (Phú Khánh), ông Trần Văn Truyện (Thạnh Phong), bà Lê Thị Cẩm Hồng (Tân Phong)… ; đặc biệt ông Huỳnh Ngọc Chánh (Đại Điền), trong 5 năm qua ông vận động các mạnh thường quân trong, ngoài tỉnh tặng: 850 ghế ngồi cho học sinh, 15.000 quyển tập, 5.000 cây viết, 2 phòng học mẫu giáo ở ấp Vĩnh (Đại Điền), 2 phòng học mẫu giáo ở ấp Bình Khánh (Phú Khánh), 1 nhà tình thương cho 1 học sinh nghèo ở ấp Vĩnh (Đại Điền).

Bên cạnh đó, Hội Khuyến học huyện Thạnh Phú còn nhận được sự hỗ trợ của những người con quê hương đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh như: Ông Võ Ái Dân (Mỹ Hưng), Bà Huỳnh Thị Tuyết Minh (Phú Khánh), Hội cựu sinh viên Đà Lạt, Tổ chức Việt – Hàn, Báo Sài Gòn tiếp thị… Trong 5 năm qua các tổ chức, cá nhân này rất quan tâm giúp đỡ các em học sinh nghèo của huyện bằng những suất học bổng, học phẩm, xe đạp, nhà tình thương. Riêng tại địa phương còn có những tấm gương hy sinh vì sự nghiệp giáo dục, một cách thầm lặng, tạo điều kiện cho các em đến trường để nâng cao kiến thức như thầy Nguyễn Văn Hé (Mỹ Hưng), gần 20 năm đưa đón các học trò tiểu học đến trường bằng chiếc xuồng máy cũ kỹ; cô Nguyễn Thị Chung (Mỹ Hưng), 5 năm qua lấy nhà mình làm lớp học tình thương.

Theo Bí thư Huyện ủy Lê Văn Gặp, 5 năm qua, Hội Khuyến học huyện đã vận động gần 12 tỷ đồng để giúp cho học sinh nghèo, đây là việc làm rất đáng biểu dương. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của hội trong thời gian tới, Bí thư đề nghị các cấp hội trong huyện nhanh chóng củng cố, kiện toàn, phát triển mạng lưới tổ chức hội, để có điều kiện giúp đỡ học sinh nghèo từ nay đến năm 2015 (đây cũng là nhiệm kỳ II của Hội). Hội phải tiếp tục vận động sâu rộng hơn nữa để công tác khuyến học, khuyến tài trở thành phong trào lan tỏa mạnh mẽ đến từng hộ gia đình trong toàn huyện; xây dựng, đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, ấp - xã khuyến học, cơ quan đơn vị khuyến học, kịp thời khen thưởng, biểu dương, nhân rộng các mô hình tiên tiến, cá nhân tiêu biểu trong công tác khuyến học, khuyến tài.

Bài, ảnh: HOÀNG VŨ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN