Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển.
Theo Báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, thực hiện nhiệm vụ năm 2008, những thuận lợi to lớn như vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, bộ máy nhà nước được kiện toàn, ổn định tổ chức… sẽ tạo đà phát triển của năm 2008 và những năm tiếp theo.
Như tin đã đưa, tiếp tục chương trình làm việc trong ngày đầu tiên của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XII, chiều nay (22/10), Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2007; phương án dự toán ngân sách nhà nước năm 2008, phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2008 và Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân.
Trong báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2007, về cơ bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với Báo cáo của Chính phủ. Mặc dù có những tác động bất lợi của kinh tế thế giới và thiên tai, dịch bệnh ở trong nước, các chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI đạt được khá toàn diện, với21/23 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Trong năm 2007, năm đầu tiên Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) tiếp tục được duy trì ở mức độ cao, dự kiến đạt 8,5%; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 16%; dự trữ ngoại tệ tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,7%... Mặc dù mới là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010, nhưng đã có một số chỉ tiêu ngành đạt kế hoạch 5 năm. Việc đạt được các chỉ tiêu như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ đồng thời còn thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết về Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ do Liên Hiệp Quốc khởi xướng. Công tác điều hành của Chính phủ đã có nhiều đổi mới, quyết liệt hơn, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc về kinh tế-xã hội; đã phân cấp mạnh hơn cho các Bộ, ngành, địa phương. Công tác thực hiện Luật phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được tập trung triển khai, bước đầu đã có kết quả. Những tiến bộ đạt được về kinh tế-xã hội đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.