Dàn nhạc sống có mặt từ thành thị đến nông thôn.
Vai trò chính quyền xã, phường
Theo báo cáo của 2 ngành chức năng trực tiếp chịu trách nhiệm về quản lý nhạc sống, cụ thể là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, văn bản chỉ đạo, quy định về quản lý nhạc sống cũng như sự phối hợp thực hiện giữa các bên, nhất là trong hoạt động của đội kiểm tra liên ngành 814-178 cấp tỉnh thì rất bài bản. Theo đó, về tổ chức thực hiện, các ngành văn hóa, tài nguyên môi trường và công an đều có cử cán bộ tham gia đội kiểm tra liên ngành xuyên suốt, liên tục, có kế hoạch. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2017 đến nay, đội kiểm tra liên ngành 814-178 đã kiểm tra về tình trạng tiếng ồn 38 cuộc, xử lý vi phạm 17 trường hợp, tổng số tiền trên 70 triệu đồng. Ngành văn hóa cũng đã thực hiện chức năng tuyên truyền thông qua các hình thức như cung cấp tài liệu, xây dựng các kịch bản thông tin tuyên truyền có gắn với vấn đề xây dựng tình làng nghĩa xóm…
Bà Trần Thị Kiều Tôn - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, không phải lúc nào đội kiểm tra liên ngành cấp tỉnh đi kiểm tra bất chợt cũng gặp phải các trường hợp hát nhạc sống gây ồn ào để nhắc nhở, xử lý. Và, vì là cấp tỉnh nên rất nhiều vụ việc xảy ra ở cấp xã, phường, đội không thể có mặt ngay lập tức để xử lý.
Thực tế cho thấy, mặc dù các vụ việc xảy ra ở cấp xã, phường, trong khi vai trò của chính quyền cũng như các đơn vị cấp xã, phường vẫn còn bỏ ngỏ. Như đã thông tin, dư luận người dân cho rằng họ cảm thấy vô ích khi phản ánh vụ việc với chính quyền địa phương. Ông L.P.K bức xúc: “Chịu đựng không nổi thì phản ánh lên công an phường, các anh ấy bảo nhạc sống do bên ngành văn hóa quản lý, hỏi văn hóa phường thì lại kẹt không có thiết bị đo cường độ âm thanh. Cuối cùng, dân không biết kêu ai”. Ông Lê Phước Dũng - Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản số 3, Khu phố 6, phường Phú Khương, TP. Bến Tre cho biết: “Ở góc độ tổ trưởng, mình không có thẩm quyền xử lý, chỉ có thể nhắc nhở mà thôi. Nhưng chòm xóm với nhau, làm căng quá mích lòng không hay”.
Theo phản ánh từ địa phương, cái khó chủ yếu mà cấp xã, phường gặp phải là do chưa được trang bị thiết bị đo cường độ âm thanh để tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm tại chỗ. Ngoài ra, một số ý kiến dư luận cho rằng, trên thực tế có xảy ra tình trạng e ngại, sợ đụng chạm, sợ trả thù, cả nể người quen, bà con… ngay tại chính địa bàn quản lý nên còn “nương tay”.
“Đường dây nóng cấp tỉnh đến nay đã từng tiếp nhận 2 lần phản ánh của người dân về các vụ việc. Sau khi cấp tỉnh liên hệ xuống địa phương và kiểm tra lại thì sự việc được xử lý. Điều này chứng tỏ khi địa phương “ra tay” quyết liệt thì đạt hiệu quả ngay. Vấn đề quản lý ngay tại địa phương rất quan trọng”, bà Trần Thị Kiều Tôn nhận xét.
Bất cập chuyện quản lý
Một điểm bất cập nữa là về thẩm quyền sử dụng thiết bị đo cường độ âm thanh để xử lý vi phạm tại chỗ. Thực tế, để đo biết cường độ âm thanh có vượt quá mức quy định hay không thì ai cũng có thể làm được, trên điện thoại thông minh có các ứng dụng có thể hỗ trợ đo cường độ âm thanh. Tuy nhiên, muốn có cơ sở tiến hành đo tiếng ồn và lập biên bản xử lý, người sử dụng thiết bị đo âm thanh phải có đủ thẩm quyền. “Theo Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì mức xử lý vi phạm về tiếng ồn đang vượt quá thẩm quyền xử phạt của cấp xã, phường nên cũng khó để cho cấp xã trực tiếp xử lý”, bà Trần Thị Kiều Tôn nhận định.
Theo quy định, các trường hợp kinh doanh các dịch vụ văn hóa công cộng có sử dụng phương tiện phát âm thanh (bao gồm cho thuê thiết bị, dàn nhạc sống) ngoài việc đăng ký kinh doanh thì phải ký cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động về giới hạn tiếng ồn (theo QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn), độ rung (theo QCVN 27:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về độ rung) và giờ giấc hoạt động. Cụ thể, cường độ âm thanh không được vượt quá 55dbA (từ 6 - 21 giờ) và 45dbA (từ 21 - 6 giờ hôm sau) tại khu vực đặc biệt (khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác) và không vượt quá 70dbA (từ 6 - 21 giờ) và 55dbA (từ 21 - 6 giờ hôm sau) tại các khu vực thông thường. Đồng thời “phải đảm bảo sự yên tĩnh chung tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, trừ trường hợp di quan lễ tang”.
Thế nhưng, thực tế gần đây đang nổi lên và ngày càng phổ biến loại hình hát karaoke với thùng loa di động, gây ồn không thua kém loa thùng công suất lớn. Nhiều gia đình có điều kiện đã tự trang bị, đầu tư thùng loa công suất lớn, hay dàn karaoke để hát tại nhà. Rất nhiều trường hợp hát bất kể giờ giấc, càng không quan tâm về âm thanh gây ồn ào, ảnh hưởng đến lối xóm.
Bà H.T.H ở ấp Tân Đông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành ý kiến: “Họ hát trong nhà họ, mình đâu thể nói được”. Mặt khác, có ý kiến cho rằng, tuy đã có quy định về giờ giấc và giới hạn tiếng ồn, độ rung nhưng đó là đối với đơn vị cho thuê thiết bị phát âm thanh. Vậy đối với người thuê dàn nhạc sống, trực tiếp chơi nhạc sống gây ồn ào và các trường hợp hát karaoke, chơi nhạc tại hộ gia đình tự trang bị thì như thế nào? Nên chăng cũng cần có quy định quản lý, xử lý cụ thể cho các trường hợp này?
Tất cả những tình huống này đang làm lộ ra những điểm bất cập trong quản lý nhà nước cũng như cách làm của ngành chức năng hiện tại. Đồng thời, cũng đặt ra vấn đề cấp thiết trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Ngày 12-3-2019, UBND huyện Giồng Trôm tổ chức hội nghị triển khai các văn bản quy định việc quản lý, sử dụng phương tiện phát âm thanh trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng và kinh doanh trên địa bàn huyện với sự tham dự của đầy đủ các xã. Tại hội nghị, UBND huyện đã nghiêm túc đánh giá lại những hạn chế trong công tác quản lý về lĩnh vực này trong thời gian qua.
Ghi nhận ý kiến của các xã trên địa bàn huyện Giồng Trôm cho rằng, hiện tại công tác quản lý về nhạc sống chủ yếu vẫn là xử lý những vi phạm về giờ giấc sử dụng các thiết bị phát âm thanh. Đại diện lãnh đạo UBND xã Lương Hòa cho biết, mặc dù có triển khai Quyết định số 51/2016 của UBND tỉnh ban hành kèm theo Quy chế quản lý việc sử dụng phương tiện phát âm thanh trong sinh hoạt văn hóa và kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre nhưng khó thực hiện dẫn đến vướng trong công tác quản lý. Trong khi đó, theo lãnh đạo xã Châu Bình, cái khó là chưa có xã nào trên địa bàn huyện có máy đo tiếng ồn, cũng chưa có chế tài để xử lý trường hợp các hộ gia đình chơi nhạc gây ồn.
Cẩm Trúc
|
Bài, ảnh: Thanh Đồng