Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành xây dựng mô hình và quy trình canh tác sầu riêng cho 72 hộ, với diện tích 27,5ha. Kết quả, sầu riêng có tỷ lệ sượng trái thấp, dưới 5% đối với giống Monthong và dưới 4% đối với sầu riêng sữa hạt lép. Đến nay, toàn tỉnh có trên 90% diện tích trồng cây ăn trái sử dụng giống mới, năng suất chất lượng cao...
Từ nhu cầu thực tế địa phương, nhiều hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được nâng cao, sát hợp với tình hình thực tế của tỉnh nhà. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, sản lượng các mặt hàng nông sản, giúp vươn xa ra các thị trường trong và ngoài nước.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, trong thời gian qua, đã quản lý và tổ chức triển khai 48 đề tài, dự án, trong đó năm 2012 là 29 và trong năm 2013 triển khai 19 đề tài, dự án. Ngoài việc tập trung thực hiện 4 chương trình khoa học công nghệ trọng điểm của tỉnh liên quan đến phát triển ngành dừa, bưởi da xanh, cây ca cao và nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, Sở đã tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Anh Nguyễn Văn Vũ - Trưởng Phòng Quản lý dự án (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết: Trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, Sở nghiên cứu, khảo nghiệm, lựa chọn nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, biện pháp thâm canh mới vào sản xuất. Mục tiêu của các đề tài, dự án tập trung vào việc ứng dụng công nghệ sinh học, các chế phẩm vi sinh kết hợp với các giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng và sản xuất nông sản an toàn, đảm bảo an ninh lương thực, cũng như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hiệu quả bền vững. Ngoài ra, Sở còn nghiên cứu về sâu bệnh hại cây trồng, dịch bệnh hại gia súc, gia cầm và thủy sản, giúp nông dân khắc phục, chống chọi với dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, một số đề tài, dự án tập trung vào nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về thâm canh, giống mới. Đối với cây lúa, Sở đã khảo nghiệm 815 giống và chọn 133 giống có năng suất, chất lượng cao. Trong điều kiện tác động của biến đối khí hậu, Sở đã tuyển chọn được 4 giống lúa (OM 9915, OM 9916, OM 9918, OM 9921) có khả năng chịu mặn đến 4%o, năng suất khoảng 4-5 tấn/ha trồng trên vùng đất các huyện ven biển tỉnh Bến Tre. Để hạn chế sâu rầy hại lúa, Sở đã nghiên cứu và đề ra dự án “Chuyển giao quy trình sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Metarhizium anisopliae ở quy mô nông hộ và xây dựng mô hình ứng dụng nấm xanh Metarhizium anisopliae trừ rầy nâu hại lúa tại 4 huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, Giồng Trôm”. Mô hình này đã được tổ chức tập huấn cho cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện; đồng thời, chuyển giao quy trình nhân nhanh chế phẩm nấm xanh ở quy mô nông hộ tại 4 huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và Giồng Trôm. Hoạt động này đã thu hút được hơn 800 nông dân tham gia, với diện tích hơn 100ha.
Để khẳng định thương hiệu đặc sản trái cây Bến Tre ở các thị trường với nhiều chủng loại phong phú và chất lượng sản phẩm cao, Sở đã khảo nghiệm, bình tuyển nhiều loại cây trái chủ lực, như: sầu riêng, bưởi da xanh, dừa… Qua nghiên cứu, khảo nghiệm và bình tuyển, Sở đã cơ bản xác định được nhóm cây đầu dòng, chất lượng cao với 13 giống sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hóa và bưởi da xanh, được công nhận là cây giống quốc gia.
Có thể nói, việc nghiên cứu, ứng dụng đề tài, dự án khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của địa phương. Điều này đã thể hiện sự đúng đắn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.