“Nhiều người vẫn hay quan niệm việc học chính trị thường khô khan, không hấp dẫn. Điều này hiện nay không đúng nữa” - thầy Võ Thành Công - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Bến Tre khẳng định với chúng tôi như vậy.
Các học viên Trường Chính trị Bến Tre tham dự lớp học vi tính tại cơ sở đào tạo của trường. Ảnh: T.Long
Những năm gần đây, nhà trường thực hiện nhiều đổi mới trong công tác đào tạo và bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ ở cơ sở, góp phần chuẩn hóa trình độ lý luận chính trị cho lực lượng này. Những đổi mới đó tập trung ở ba nội dung: phương pháp giảng dạy, giáo trình và quản lý học viên. Từ đó, đã rút ngắn thời gian đào tạo, gắn lý luận truyền đạt với thực tiễn công việc của học viên và tình hình công tác tại địa phương. Nếu lấy mốc năm 2005, mỗi khóa đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị có thời gian 18 tháng, sau đó giảm còn 14 tháng thì từ năm 2009 đến nay là 8 tháng/khóa (dù có thêm phần hành chính). Làm cách nào để giảm phần lớn thời gian học tại trường mà vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức cho học viên? Thầy Võ Thành Công cho biết, đó là do nhà trường thực hiện đúng theo chương trình, giáo trình chuẩn của Học viện Chính trị quốc gia về đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (hệ trung cấp lý luận chính trị - hành chính). Các tiết giảng cung cấp kiến thức lý luận kết hợp với kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác thực tiễn của đối tượng được đào tạo. Để đạt kết quả như mong muốn, trước tiên, nhà trường đã thực hiện các bước nâng chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp giảng dạy. Giảng viên của trường không chỉ nghiên cứu, xây dựng giáo án theo chương trình chuẩn, mà còn đăng ký và thực hiện những đề tài khoa học có liên quan đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đề tài mang tính nghiên cứu thực tiễn, việc vận dụng lý luận vào thực tiễn ở các địa phương… Bên cạnh đó, 100% giảng viên của trường còn được tập huấn về phương pháp giảng dạy tích cực để đưa thông tin về lý luận lẫn thực tiễn vào tiết học ngày càng nhiều, làm cho tiết học đạt hiệu quả hơn.
Cô Võ Thị Thúy Liễu (giảng viên Khoa Lý luận cơ sở) cho biết, khi vận dụng những phương pháp giáo dục tích cực vào giảng dạy, không khí lớp học sinh động hẳn. Thay vì giảng viên chỉ thuyết trình thì nay, với giáo án điện tử, đèn chiếu, nhiều thông tin, hình ảnh minh họa, bài giảng trở nên thú vị hơn với học viên. Hay như khi giảng viên phỏng vấn ngắn, đặt tình huống để học viên cùng trao đổi, cùng tư duy, đã tạo thế chủ động học tập cho học viên.
Cũng về đổi mới phương pháp giảng dạy, cô Nguyễn Thị Nga (giảng viên Khoa Xây dựng Đảng) cho biết thêm, những bài giảng ở môn này thường khô khan, khiến học viên dễ chán, nay áp dụng phương pháp mới như đóng vai, hỏi - đáp giờ học trở nên sôi động, kiến thức và thực tế công việc gần gũi hơn đối với người học. Như ở môn Xây dựng Đảng, có thể cử một học viên lên đóng vai là người tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới - học viên sẽ xây dựng kịch bản buổi lễ đó, người đóng vai và cả lớp như được thao dượt về quy trình tổ chức buổi lễ.
Giáo trình mới do Học viện Chính trị - Hành chính biên soạn tuy cô đọng, sát với thực tiễn và tình hình công tác của đối tượng, nhưng do đa số thông tin của giáo trình này hiện đã lạc hậu, chậm được bổ sung đang là cái khó đối với giảng viên và cả học viên trong việc nghiên cứu, dạy và học của nhà trường hiện nay. Nhằm khắc phục hạn chế trên, ngoài việc tổ chức tọa đàm, nhà trường còn bổ sung thêm các thông tin, số liệu mới của địa phương để minh họa cho từng bài giảng…
Hiện, nhà trường có tổng số nhân sự là 52, trong đó có 26 giảng viên. Hầu hết giảng viên của trường là giảng viên chính, giảng viên cao cấp; phần lớn có học vị thạc sĩ. Hàng năm, trường có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ giảng viên, như đưa đi đào tạo sau đại học, đại học và tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn… Theo thầy Võ Thành Công, việc làm này nhằm nâng chất lượng đội ngũ giảng viên, góp phần quan trọng nâng chất lượng đào tạo của trường. Tính đến nay, nhà trường có 7 giảng viên đạt danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp toàn quốc.
Đối với học viên, Trường Chính trị đã xây dựng hệ thống nội quy, quy chế sát hợp nhằm quản lý việc lên lớp cũng như thi cử của học viên. Trong đó, quy định cụ thể giờ học, số tiết được vắng, điều kiện để vắng học, liên hệ và có thông tin về tình hình học tập của học viên nhà trường với ban tổ chức các huyện ủy (nơi cử cán bộ đi học)… Quản lý chặt chẽ, sâu sát là một trong những biện pháp nhằm nâng cao tính tự giác học tập của học viên, đồng thời để đánh giá khách quan kết quả học tập của từng cá nhân. Một số phòng thi của Trường được trang bị camera, tạo điều kiện thuận lợi và khách quan cho giảng viên trong việc giám sát. Trường cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng lịch học tập, lịch thi, quản lý học viên… Đó là những việc làm thiết thực trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hoạt động của trường.
Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của trường thể hiện cụ thể qua tỷ lệ học viên đạt kết quả học tập khá tăng lên qua từng năm ở hệ tập trung chính quy. Điển hình như lớp A25 (năm học 2009-2010) có tỷ lệ tốt nghiệp 100%, trong đó có 35,4% khá, 64,6% trung bình; lớp A26 (năm học 2010-2011) có tỷ lệ tốt nghiệp là 98,9%, trong đó có 50,5% khá, 48,4% trung bình. Ở các lớp đào tạo hệ tại chức, tỷ lệ học viên khá, giỏi đạt cao.