Nhiều giải pháp trong thực hiện Nghị quyết Tỉnh uỷ năm 2023

31/03/2023 - 18:31

BDK.VN - Ngày 31-3-2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre khoá XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tổ chức hội nghị lần thứ 12 sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết (NQ) Tỉnh ủy quý I-2023 và một số nội dung khác. Tại hội nghị, đại biểu tập trung đánh giá thành tựu, nguyên nhân, hạn chế trong thực hiện NQ, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp cho những tháng cuối năm.

Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Văn Thiêm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: P. Tuyết

Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Văn Thiêm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: P. Tuyết

Công tác xây dựng Đảng được tập trung

Trong quý I-2023, công tác triển khai, quán triệt, tuyên truyền chủ đề “Dân chủ - Kỷ cương - Đồng thuận - Sáng tạo - Phát triển nội dung Nghị quyết Tỉnh uỷ năm 2023 được tập trung thực hiện ngay từ dầu năm. Việc truyền thông điệp của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã góp phần tạo nên sự quyết tâm, đồng lòng trong cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Văn Thiêm cho rằng: Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy cũng như Đảng ủy các xã, phường, thị trấn rất quan tâm triển khai thực hiện Kế hoạch số 21-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện (TSVMTD). Đến ngày 29-3-2023, toàn tỉnh có 29/100 chi bộ ấp, khu phố (đạt 29% so với  NQ), tăng 24,78% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 289 ấp, khu phố được công nhận đạt chi bộ TSVMTD.

Hiện nay có 193/565 chi bộ ấp, khu phố các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh được công nhận. Theo Kế hoạch số 21-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phấn đấu từ nay đến hết nhiệm kỳ có 100% chi bộ ấp, khu phố các xã NTM, đô thị văn minh đạt chi bộ TSVMTD.

Tuy nhiên, theo Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Trần Văn Thiêm, một số nơi tiến độ xây dựng còn chậm, số lượng chi bộ được công nhận chưa đều khắp. Đến nay, còn 15 đảng ủy xã, phường chưa có chi bộ được công nhận TSVMTD. Trong 15 xã, phường chưa được công nhận có 4 xã, phường đã công nhận đạt chuẩn NTM.

Để đạt theo chỉ tiêu Kế hoạch 21-KH/TU, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đề nghị, các địa phương tiếp tục làm tốt công tác triển khai, quán triệt Kế hoạch số 21-KH/TU, Công văn số 2899-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các huyện ủy, thành ủy quán triệt tốt Hướng dẫn số 02; Công văn số 1878 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về hướng dẫn thu hồi danh hiệu chi bộ TSVMTD. Mỗi cấp phải xây dựng kế hoạch, trên cơ sở chi bộ nào được đánh giá 2 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để đưa vào kế hoạch nhằm xem xét, đánh giá những tiêu chí còn thiếu, quyết tâm xây dựng đạt chi bộ TSVMTD.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Ban tổ chức các huyện ủy, thành ủy tăng cường hướng dẫn, kiểm tra. Cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện được phân công theo Phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình”, quan tâm nâng cao trách nhiệm thực hiện “4 nắm, 4 góp, 3 kiểm” để giúp cấp ủy, chi bộ.

Tình hình kết nạp đảng viên, nhìn chung trong quý I-2023, các cấp uỷ đã tập trung nhiều cho công tác này. Đến cuối quý I-2023, toàn tỉnh đã kết nạp 340/1.100 đảng viên mới, chiếm 30,91%, cao hơn cùng kỳ 1,72%. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã kết nạp 3.117/4.500, chiếm 69,27%. Tuy nhiên, còn một số đảng bộ thực hiện chậm, đạt dưới 25%. Giải pháp thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt tốt Chỉ thị số 28, Chương trình số 25 thực hiện NQ số 21, các địa phương quan tâm tạo nguồn, quản lý nguồn.

Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Văn Thiêm cũng đề nghị các địa phương tập trung công tác quy hoạch. Trong năm 2023 tiếp tục bổ sung quy hoạch hiện tại nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng thời bổ sung quy hoạch lần thứ nhất nhiệm kỳ 2025 - 2030,  Ban Thường vụ các cấp ủy quan tâm thực hiện, trong đó có lưu ý độ tuổi, cũng như công tác đào tạo.

Về tiến độ sơ kết giữa nhiệm kỳ cấp uỷ cấp xã. Theo Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Trần Tú Anh: Thực hiện theo Kế hoạch số 163-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy đã nghiêm túc triển khai thực hiện. Ngày 21-2-2023, hội nghị sơ kết điểm Đảng bộ xã Tân Thanh Tây, huyện Mỏ Cày Bắc đã thành công tốt đẹp. Các huyện còn lại đều chọn đơn vị làm điểm để tổ chức rút kinh nghiệm cho Đảng bộ của huyện.

Tính đến ngày 30-3-2023, đối với cấp cơ sở đã có 9 huyện, đơn vị đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức xong ở cơ sở. Đối với cấp huyện, Mỏ Cày Bắc là đơn vị chọn làm điểm, huyện đã tiến hành các nội dung cơ bản cho công tác chuẩn bị hội nghị, đã khảo sát, đánh giá hoàn thành báo cáo đánh giá sơ kết. Ngày 19-4-2023, Đảng bộ huyện Mỏ Cày Bắc tổ chức hội nghị để rút kinh nghiệm cho các đơn vị khác trong toàn tỉnh. Đối với hội nghị cấp tỉnh, đã tổ chức thành lập Tổ biên tập văn kiện, họp có đề cương phân công nhiệm vụ các thành viên Tổ biên tập và dự kiến hội nghị sẽ được tổ chức vào giữa tháng 5-2023.

Tăng trưởng quý I đạt thấp, nguy cơ gãy chuỗi dừa

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng quý I-2023 của tỉnh đạt 2,63%. Đây là mức tăng trưởng rất thấp từ trước đến nay. Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình cho biết: Quý I, mặc dù có nhiều thuận lợi cơ bản do tác động Chương trình phục hồi sau dịch Covid-19, tuy nhiên tình hình phục hồi kinh tế còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Một số vấn đề nổi lên như: Giá cả các mặt hàng chủ lực các chuỗi giá trị có sự phục hồi rất ít, trong đó chuỗi dừa gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp (DN) chuỗi dừa đầu ra khó, dẫn đến thời gian trả tiền thu mua dừa cho nông dân chậm và kéo dài.

“Sức mua trên thị trường chậm. Các DN thương mại cũng khẳng định chưa có năm nào kinh doanh chậm và “lác đác” như thời gian qua, nhất là thị trường bán lẻ. Thu nhập thấp nên ảnh hưởng đến sức mua chi tiêu, huy động nguồn lực trong xây dựng NTM, đô thị…”, Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Châu Văn Bình nói. Ngoài ra, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn rất khó khăn do có các quy định mới, nhất là quy định về quy hoạch sử dụng đất, do đó người dân, DN càng khó đầu tư so với trước đây. 

Còn theo Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Bắc Nguyễn Văn Trung, trong quý I, việc thực hiện các chỉ tiêu xây dựng Đảng, hệ thống chính trị cơ bản đạt tiến độ; riêng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người còn thấp do ảnh hưởng dịch Covid-19. Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Bắc Nguyễn Văn Trung kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét để triển khai công trình cống Vàm Nước Trong, Vàm Thom (thuộc Dự án JICA). Vì hai cống này đóng vai trò huyết mạch để ngăn mặn. Thiếu hai cống này thì các cống phụ, cống cục bộ sẽ không phát huy hiệu quả.

Tương tự, huyện Mỏ Cày Nam cũng gặp khó khăn về tình hình tiêu thụ dừa trái, DN nợ tiền mua dừa của hợp tác xã, kéo theo hợp tác xã nợ của dân. Một số trường hợp DN đồng ý cho dân tự bán dừa ra ngoài chuỗi. Nguy cơ đứt gãy chuỗi dừa là rất cao.

“So với huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc, huyện Bình Đại có diện tích dừa không nhiều (khoảng 8.000ha) nhưng đây là vùng nhiễm mặn nên khó phát triển các lĩnh vực nông nghiệp khác ngoài thủy sản. Thế mạnh của huyện là kinh tế thủy sản, nhất là nuôi tôm công nghệ cao, đến thời điểm này, huyện đã phát triển được 1.335ha. Tuy nhiên, chuỗi thủy sản lại khó phát triển hơn chuỗi dừa, mặc dù huyện có xúc tiến liên kết DN tạo chuỗi nhưng các cơ sở thu mua chưa có kết quả. Mong lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ”, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng cho hay.

Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Quỳnh Nga nêu giải pháp trong tiêu thụ dừa trái. Ảnh: Cẩm Trúc

Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Quỳnh Nga nêu giải pháp trong tiêu thụ dừa trái. Ảnh: Cẩm Trúc

Trả lời về giải pháp tiêu thụ dừa trái của ngành công thương, Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Quỳnh Nga cho biết: So với đầu năm, hiện nay giá dừa nguyên liệu có tăng lên, với giá thu mua 40 - 50 ngàn đồng/chục. Vừa qua Sở tích cực cùng lãnh đạo tỉnh làm việc Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, ở Hà Nội về việc đẩy mạnh hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho Bến Tre xuất khẩu dừa sang Trung Quốc. Đồng thời cùng các ngành tham mưu UBND tỉnh làm việc với các DN đứng đầu chuỗi xuất khẩu dừa để bàn giải pháp hỗ trợ DN có giải pháp thu mua dừa trong dân và làm việc với các ngân hàng có kế hoạch khoanh nợ, gia hạn nợ cho DN để tiếp tục thu mua dừa trong dân.

Về giải pháp căn cơ, hiện Sở cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ DN có nhu cầu đăng ký xây dựng mã vùng trồng, mã đóng gói để tạo điều kiện cho DN được xuất khẩu nông sản bằng đường chính ngạch trong thời gian tới.

Hội nghị cũng nêu những khó khăn của các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh. Đối với Dự án Hydro xanh, huyện Ba Tri hiện còn gặp nhiều vướng mắc chưa khởi công kịp tiến độ, nguyên nhân do vướng quy hoạch sử dụng đất. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn địa phương thực hiện thủ tục này, dự kiến đến quý II-2023 sẽ hoàn thành và có kết quả đấu thầu. Liên quan vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung hỗ trợ huyện Ba Tri để đến tháng 9-2023 sẽ khởi công xây dựng nhà máy.

Về Dự án Nhà máy xử lý rác thải, đã có nhà đầu tư mới đăng ký đầu tư, nhưng hiện tỉnh và đơn vị này còn thỏa thuận các yêu cầu đặt ra giữa hai bên mới đi đến thống nhất việc hợp tác. Được biết, bãi rác cũ hiện còn tồn đọng 79 ngàn tấn rác cần xử lý.

Quan tâm đầu tư khép kín công trình ngăn mặn trữ ngọt

Các huyện còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống đê bao ngăn mặn trữ ngọt chưa khép kín, cùng với diễn biến biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nước ngọt sinh hoạt của người dân như tại địa bàn Bình Đại, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc…

“Từ sau Tết đến thời điểm hiện tại, xuất hiện nhiều đợt triều cường gây ngập sâu và lâu, ảnh hưởng đến mùa màng, đưa cả nước mặn lên theo. Có những con nước ngập lên cao, vấn đề đặt ra là do hệ thống các cống ngăn mặn chưa khép kín, một mặt là do tình hình biến đổi khí hậu...”, Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường thông tin.

Bí thư Huyện ủy huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng phát biểu thảo luận. Ảnh: Hữu Hiệp

Bí thư Huyện ủy Bình Đại Nguyễn Văn Dũng phát biểu thảo luận. Ảnh: Hữu Hiệp

Bí thư Huyện ủy huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng cho biết: Huyện có 6 nhà máy nước, tất cả các nguồn nước sản xuất sinh hoạt đều phụ thuộc từ nguồn sông Ba Lai. Cái khó hiện nay là âu thuyền An Hóa chưa xây dựng được. Nếu mặn xâm nhập sâu thì sẽ rất khó giải quyết vấn đề nước ngọt, đây là công trình bức xúc của địa phương. Hiện công tác giải phóng mặt bằng đã được huyện thực hiện xong. Huyện kiến nghị cấp trên xem xét cho thực hiện âu thuyền An Hóa.

Quốc phòng, an ninh được đảm bảo

Tình hình quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác tuyển quân đạt chỉ tiêu. Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đoàn công tác của lãnh đạo Trung ương đến thăm, làm việc tại địa phương. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được tăng cường; tệ nạn, tai nạn xã hội được kiềm chế, kéo giảm, tai nạn giao thông đường bộ được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí (giảm 32,35% về số vụ, giảm 27,59% về số người chết, giảm 70% về số người bị thương); tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật tăng 14,46% (95/83 vụ), điều tra làm rõ 83 vụ, đạt 87,37%; đã giải quyết 170/454 tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt 37,44%, đang thụ lý 284 tin, không có tin quá hạn; tập trung quyết liệt công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, kiểm soát người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy.

Giám đốc Công an tỉnh Trương Sơn Lâm phát biểu. Ảnh: Hữu Hiệp

Giám đốc Công an tỉnh Trương Sơn Lâm phát biểu. Ảnh: Hữu Hiệp

Giám đốc Công an tỉnh Trương Sơn Lâm cho biết: Trong quý I-2023, công an các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung xử lý các loại tội phạm về  trật tự xã hội. Tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, phòng chống các hoạt động về an ninh trật tự, không để phát sinh tình huống bị động bất ngờ. Tập trung giải quyết các hành vi vi phạm về an toàn giao thông. Tuy nhiên, thời gian qua có một số loại tội phạm nổi lên như: cắp tài sản, lừa đảo qua mạng…

Về giải pháp sắp tới, Giám đốc Công an tỉnh cho rằng: Đơn vị sẽ tập trung quyết liệt chỉ đạo lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp kéo giảm các loại tội phạm. Kiến nghị cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhất là công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ an ninh chính trị nội bộ. Tăng cường quản lý nhà nước, quản lý các lĩnh vực đầu tư kinh doanh, quản lý tài nguyên khoáng sản. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về đầu tư phát triển hạ tầng, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nhằm góp phần từng bước loại bỏ nguyên nhân phát sinh tội phạm.

Phạm Tuyết - Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN