Nhiều lao động ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc

03/11/2014 - 07:40

Thân nhân người lao động cam kết vận động con trở về nước đúng hạn hợp đồng.

“Các ban, ngành, đoàn thể cùng thân nhân của người lao động hãy chung tay tuyên truyền, vận động người lao động về nước, nhằm góp sức giữ hình ảnh người lao động Việt Nam cần cù và sáng tạo tại thị trường lao động Hàn Quốc. 

Đây còn là điều kiện cho hàng ngàn người khác có cơ hội tham gia xuất khẩu lao động”- đó là ý kiến của ông Lương Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) đề nghị tại Hội nghị tuyên truyền vận động người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn diễn ra tại xã Tân Thủy, huyện Ba Tri và xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm trong 2 ngày 28 và 29-10-2014.

Từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đã đưa trên 78 ngàn lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS). Thu nhập bình quân từ 1.000 - 1.300USD/người/tháng. Hàng năm, người lao động chuyển tiền về nước khoảng 700 triệu USD, đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước. Riêng ở Bến Tre, trong những năm qua, có hơn 8 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó thị trường Hàn Quốc 1.522 người.

Ông Hà Thanh Hùng - Giám đốc Sở LĐTB-XH cho biết: Số người lao động đi làm việc ở nước ngoài tuy chưa cao nhưng đã tác động rất lớn đến nhiều mặt đời sống của xã hội. Người lao động chuyển biến nhận thức, có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đây cũng là một trong những giải pháp giúp hộ gia đình thoát nghèo nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2010 đến nay, đã xảy ra tình trạng người lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng lao động không về nước. Họ ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tỷ lệ này luôn ở mức 50%, có thời điểm gần 57%, cao gấp hơn 2 lần so với mức trung bình của 15 nước tham gia chương trình EPS. Tính đến tháng 7 và 8-2014, tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vẫn ở mức trên 40%.

Ở Bến Tre, số người lao động hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc năm 2014 (tính đến tháng 9-2014) về nước là 36 người), lao động cư trú bất hợp pháp là 10 người. Riêng 3 tháng cuối năm 2014 và năm 2015, huyện Ba Tri và Giồng Trôm có 56 người lao động tại Hàn Quốc sẽ hết hạn hợp đồng phải về nước.

Theo ông Lương Đức Long, người lao động vẫn chưa ý thức được nguy cơ, thiệt hại khi thị trường lao động Hàn Quốc bị đóng cửa. Chỉ vì lợi ích cá nhân, bản thân họ đã chiếm chỗ và lấy mất cơ hội sang Hàn Quốc làm việc của hàng ngàn người.

Ông Hà Thanh Hùng cho biết: Sở LĐTB-XH đã ban hành văn bản đề nghị các xã, phường, thị trấn tăng cường việc tuyên truyền, vận động hộ gia đình có người tham gia xuất khẩu lao động thực hiện cam kết khi hết hạn hợp đồng lao động phải về nước. Người lao động trở về nước đúng thời hạn sẽ có cơ hội tiếp tục được quay lại Hàn Quốc làm việc.

Ông Võ Văn Đồng có con trai là Võ Hoàng Kháng, xã An Hiệp, huyện Ba Tri chia sẻ: “Nhà nước đã tạo điều kiện cho con tôi đi nước ngoài làm việc, đến năm 2015 hết hạn. Gia đình rất mừng. Con trai tôi thường gửi tiền về phụ giúp gia đình. Người sử dụng lao động rất quý con trai tôi. Họ hứa khi hết hạn trở về Việt Nam, nếu con tôi muốn quay trở lại làm việc thì sẵn sàng đón nhận”.

Cuối năm 2013, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký kết bản nghi nhớ đặc biệt về việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc, có hiệu lực trong một năm. Tháng 11-2014, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc sẽ xem xét căn cứ tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp. Nếu tỷ lệ không giảm thì Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc thực hiện các biện pháp như hủy bỏ bản ghi nhớ đặc biệt và từ chối ký bản ghi nhớ bình thường với Việt Nam trong năm 2015.


Bài, ảnh: Xuân Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN