Thực hiện chỉ đạo của Bộ Khoa
học và Công nghệ (KH&CN) về việc tổng kết 10 năm thi hành Luật SHTT, Sở
KH&CN đã tham mưu báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật SHTT trên địa bàn tỉnh;
nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế, nguyên nhân, trên
cơ sở đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn thi
hành Luật; tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết bất cập, nâng cao hiệu quả xác lập,
khai thác và bảo vệ quyền SHTT.
Ở Bến Tre, hiện nay bộ máy tổ chức, nhân lực quản lý nhà
nước về SHTT bao gồm: Sở KH&CN, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh; trong
đó, Sở KH&CN đóng vai trò là cơ quan
đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chức năng quản
lý nhà nước chung về SHTT và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở
hữu công nghiệp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong lĩnh vực quyền tác giả
và các quyền liên quan; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong lĩnh vực
giống cây trồng. Trong thời gian đầu, hoạt động phối hợp với các cơ quan thực
hiện chức năng quản lý nhà nước về SHTT còn gặp nhiều hạn chế. Một số ngành còn
chưa chú trọng đến công tác SHTT, chưa bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm
vụ SHTT. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chưa chú trọng đến tài sản trí
tuệ của mình. Chính vì vậy, công tác quản lý nhà nước về SHTT trên địa bàn tỉnh trong thời gian đầu khi mới có
Luật SHTT gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo của Cục
SHTT, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, trong những năm gần đây, hoạt động SHTT của địa
phương đã có những chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp
luật, hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ và thực thi quyền ngày càng được đẩy mạnh
hơn. Trong 10 năm qua, tùy theo lĩnh vực quản lý của từng ngành mà tổ chức hội
nghị triển khai phổ biến Luật SHTT với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng
đối tượng; trong đó tập trung tuyên truyền về quyền sở hữu công nghiệp, quyền
tác giả và các quyền liên quan, quyền giống cây trồng đến các cán bộ thuộc cơ
quan quản lý, cơ quan thực thi của các đơn vị và cán bộ quản lý khoa học cấp
huyện, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác… công tác tuyên
truyền về SHTT đã được thực hiện khá phong phú và sinh động.
Thông qua dự án “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức SHTT
trên Đài Phát thanh - Truyền hình” tại Bến Tre thuộc Chương trình SHTT của Bộ
KH&CN (gọi tắt chương trình 68) đã biên soạn, in ấn, phát hành các tài liệu
tuyên truyền, hướng dẫn về Luật SHTT gồm: 24 bản tin, 4 phóng sự tuyên
truyền về SHTT dành cho doanh nghiệp; 4 buổi tọa đàm truyền hình, giao lưu
giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp tại Bến Tre; phát sóng 24 tiểu phẩm
tình huống (6 tiểu phẩm thực tiễn của Bến Tre và 18 tiểu phẩm trích
từ cơ sở dữ liệu “Chấp cánh thương hiệu”); 24 lượt hỏi - đáp pháp luật
SHTT trên truyền hình, phát hành hơn 1.000 tờ rơi đến các cơ sở sản xuất và
doanh nghiệp. Thông qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức cho người
dân cũng như doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực SHTT, góp phần làm giảm
thiểu tình trạng vi phạm trong lĩnh vực SHTT ở địa phương; nâng cao kiến thức,
vị thế, vai trò cho cán bộ quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt
động SHTT trong tỉnh phát triển mạnh hơn trong những năm tiếp theo.
Công tác hướng dẫn, tra cứu, giải đáp những vấn đề liên
quan về quyền sở hữu công nghiệp tăng cao, có trên 10 ngàn lượt người đến tìm
hiểu, tư vấn pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp, hỗ trợ tra cứu cho hơn
1.600 lượt và hướng dẫn nộp đơn ra Cục SHTT để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu
dáng công nghiệp hơn 1.285 đơn. Đồng thời cũng đã hỗ trợ đăng ký 14 nhãn hiệu
quốc tế qua các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia, Anh, Đức, Pháp, Mỹ…
Triển khai 6 dự án tạo lập nhãn hiệu: chỉ dẫn địa lý,
nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho 12 sản phẩm đặc sản địa phương và
làng nghề truyền thống (bưởi da xanh; dừa xiêm xanh; sầu riêng Cái Mơn; bò Ba
Tri, rượu Phú Lễ, lúa sạch Thạnh Phú; măng cụt, chôm chôm Chợ Lách; nhãn Long
Hòa - Bình Đại; heo Mỏ Cày Nam; gà nòi Mỹ Sơn Đông - Mỏ Cày Bắc; bánh phồng Sơn
Đốc… và 1 dự án phát triển nhãn hiệu tập thể cá khô Bình Thắng - Bình Đại; tôm
khô, cá khô An Thủy - Ba Tri) và hơn 830 nhãn hiệu thông thường của các tổ chức,
cá nhân doanh nghiệp; 550 lượt gia hạn, giải trình, khiếu nại, sửa đổi nhãn hiệu
trong nước; 16 lượt về sáng chế/giải pháp hữu ích, hiện nay một số giải pháp đã
và đang được ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao
như: Máy phát điện bằng sức gió hình trái bí; máy dệt chiếu; phương pháp bảo quản
quả dừa tươi; kỹ thuật sản xuất mặt nạ dưỡng da từ nước dừa; máy gọt vỏ dừa
tươi (dừa uống nước); máy xe chỉ xơ dừa; phương pháp in chữ trên trái dừa...
Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
(SHTT) trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã được triển khai toàn diện, có
trọng tâm, trọng điểm, bám sát vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt
động SHTT của tỉnh đã đạt được những thành công nhất định, tuyên truyền, phổ biến
kiến thức pháp luật về SHTT góp phần giúp cho người dân, doanh nghiệp ở địa
phương hiểu và nhận thức đầy đủ về việc chấp hành các cơ chế, chính sách, pháp
luật của Nhà nước về SHTT nhằm thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường, đem lại
giá trị kinh tế cho địa phương.
Bên cạnh chức năng quản lý nhà nước, Sở Khoa học và Công
nghệ (KH&CN) cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm
quyền liên quan gồm: Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh...
đã triển khai Chương trình phối hợp hành động về phòng, chống xâm phạm quyền
SHTT (gọi tắt là Chương trình 168) tại Bến Tre.
Công tác thực thi quyền SHTT tại tỉnh trong những năm qua
cũng đạt được những kết quả đáng chú ý. Qua 10 năm, Sở KH&CN phối hợp với
lực lượng quản lý thị trường, tiến hành kiểm tra, phát hiện 543 vụ
vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 2,742 tỷ đồng; tổng số tang vật vi phạm bị
tiêu hủy, loại bỏ yếu tố vi phạm: 5.991 sản phẩm, trị giá hàng hóa vi phạm trên
2,7 tỷ đồng, hành vi vi phạm tập trung
chủ yếu như: Vi phạm về chất lượng; giả mạo nhãn hiệu; kiểu dáng công nghiệp;
giả về tem, nhãn hàng hoá. Đối với lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên
quan: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ
quan hữu quan như Công an, Quản lý thị trường mở các đợt kiểm tra đột xuất tại
các điểm dịch vụ văn hóa công cộng như kinh doanh karaoke, cơ sở bán băng, đĩa,
các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đã tiến hành kiểm tra 208 lượt, nhắc nhở 48
trường hợp, xử phạt 76 trường hợp với tổng số tiền gần 125 triệu đồng, thu giữ
10.030 đĩa phim, bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu thuộc loại nhân bản
trái phép. Chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm quyền đối với giống cây trồng.
Nhìn chung, các vụ xâm phạm quyền SHTT trên địa bàn tỉnh
không có sự thay đổi lớn về số lượng qua các năm; phần lớn là tranh chấp, khiếu
nại về nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp. Nguyên nhân là các cơ sở
kinh doanh nhỏ lẻ thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn đến vô ý vi phạm quyền sở hữu
công nghiệp. Do đó, hình thức xử lý là lập biên bản vi phạm và yêu cầu ngừng
kinh doanh sản phẩm xâm phạm hoặc thay đổi nhãn hiệu, bảng hiệu...
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động quản lý và thực
thi quyền sở SHTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như:
- Về tổ chức, cơ chế phối hợp: Việc thực thi quyền SHTT
thời gian qua được các cấp các ngành quan tâm nhưng do sự chồng chéo về chức
năng, nhiệm vụ, hiện nay, có đến 5 cơ quan thực thi quyền SHTT gồm: cảnh sát
kinh tế, quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên
ngành dẫn đến lúng túng trong công tác thực thi, người yêu cầu xử lý khó phân
biệt, vì vậy khi gửi đơn yêu cầu xử lý phải gửi nhiều nơi. Trong thực tế, cơ
quan giám định về chuyên môn (SHTT) cho ý kiến chỉ là để tham khảo không chịu
trách nhiệm về ý kiến của mình, vì vậy rất khó cho đơn vị quản lý nhà nước và
đơn vị xử lý.
- Về nguồn nhân lực: đội ngũ cán bộ phụ trách công tác
SHTT vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn đặt ra của công tác quản lý
và thực thi quyền SHTT khi cán bộ chuyên trách SHTT còn quá ít; chưa kể cán bộ
chuyên trách SHTT là cán bộ mới, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều. Một số cơ
quan thực thi vẫn chưa thực sự chủ động trong công tác phối hợp do thiếu nguồn
nhân lực chuyên môn.
- Ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT của người
dân và doanh nghiệp đã được cải thiện, tuy nhiên sự hiểu biết của toàn xã
hội đối với vấn đề bảo hộ SHTT còn hạn chế, chưa hình thành ý thức tôn trọng
quyền SHTT; các chủ thể SHTT chưa chủ động thực hiện việc bảo vệ quyền và tài sản
của mình mà còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; do lợi ích vật
chất, một số chủ thể kinh doanh vẫn có những hành vi xâm phạm quyền SHTT, người
tiêu dùng vẫn tiêu thụ các sản phẩm xâm phạm quyền SHTT.
Để giải quyết được những khó khăn phát sinh từ yêu cầu thực
tiễn của công tác này, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau: Tiếp
tục rà soát lại các văn bản đã ban hành, tìm ra và điều chỉnh những quy định chồng
chéo, mâu thuẫn nhau để bảo đảm hơn nữa tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch,
công bằng, khả thi phù hợp hơn với thực tiễn ở Việt Nam cũng như phù hợp với
tiêu chuẩn quốc tế. Cần đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ của các cơ quan
thực thi quyền SHTT. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp thực thi quyền SHTT giữa
các cơ quan địa phương, đặc biệt chú trọng đề cao vai trò của Tòa án; nâng cao
nhận thức của các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về vai trò của chế
tài dân sự trong quá trình xử lý các tranh chấp liên quan đến quyền SHTT thông
qua công tác tuyên truyền pháp luật về SHTT. Xây dựng chính sách quy hoạch và
phát triển đội ngũ cán bộ SHTT lâu dài và ổn định, đảm bảo lực lượng kế cận;
chú trọng, tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ
chuyên trách, kiêm nhiệm SHTT tại các cơ quan chuyên môn, tránh tình trạng đào
tạo dàn trải, không có kế hoạch.
Duy trì thường xuyên và có biện pháp thực hiện phù hợp,
hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về
SHTT nhằm nâng cao nhận thức, hình thành ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT
cho cộng đồng và doanh nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực
thi Luật SHTT nhằm ổn định trật tự thị trường, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của
các cá nhân và doanh nghiệp khi tham gia vào quan hệ pháp luật SHTT, nâng cao
niềm tin của cộng đồng đối với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.
Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) ra đời năm 2005
đã đánh dấu một bước phát triển mới cho lĩnh vực SHTT ở Việt Nam, tạo hệ thống
bảo hộ pháp lý về SHTT của Nhà nước. Luật SHTT là cơ sở pháp lý cho việc xác
lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT, đạt mục tiêu tạo môi trường cạnh tranh
lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần khuyến khích hoạt
động sáng tạo, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Luật SHTT cũng đóng vai
trò nền tảng, đưa hệ thống bảo hộ SHTT của Việt Nam đạt chuẩn mực phổ biến của
thế giới theo Hiệp định TRIPS của WTO, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc
tế.
|