Nhớ

09/11/2021 - 18:05

BDK - Khoảng giữa năm 1967, chúng tôi đang ở trên địa bàn hai xã An Thới, Thành Thới của huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam) thì được lệnh chuyển sang huyện Giồng Trôm. Cơ quan ngày ấy có hai bộ phận chính là thông tấn và báo chí, trực thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bến Tre.

Nhà báo Thanh Hải (bìa trái) và nhà báo Việt Sơn (bìa phải) trong một lần về thăm cô Mười Hóa (thứ 2, từ trái sang). Ảnh tư liệu

Nhà báo Thanh Hải (bìa trái) và nhà báo Việt Sơn (bìa phải) trong một lần về thăm cô Mười Hóa (thứ 2, từ trái sang). Ảnh tư liệu

Ở bộ phận thông tấn, thường xuyên có hai cán bộ. Một được phân công túc trực tại Văn phòng Tỉnh ủy để kịp thời tiếp nhận nguồn tin từ các huyện, các ngành tỉnh, các đơn vị bộ đội… báo cáo về, tập hợp, viết và qua hệ thống điện Đài Minh Ngữ chuyển nhanh về Thông tấn xã Giải Phóng và Thông tấn xã Việt Nam. Một nằm tại Văn phòng của Tiểu ban, tiếp nhận nguồn tin từ cộng tác viên, cũng tập hợp, viết và chuyển nhanh về hai địa chỉ trên. Bản thảo từ hai nguồn được tập trung lại, kết hợp với nguồn tin có được từ tỉnh bạn, từ miền, từ cả nước và quốc tế, Tiểu ban tiến hành biên soạn, cho xuất bản tờ Tin Tức (khổ 20 x 30cm) in sáp, định kỳ mỗi tuần một số, phát hành (qua mạng giao liên) đến các xóm, ấp trong vùng giải phóng, vùng tranh chấp.

Ở bộ phận báo chí có tổ phóng viên, tổ nhiếp ảnh. Tổ thời sự, tổ in ấn (in sáp, dưới hình thức “kéo da guốc”) thì đáp ứng công việc cho cả biên soạn báo và xuất bản tờ Tin Tức. Văn phòng của Tiểu ban đảm luôn công việc Văn phòng của Tòa soạn. Báo ngày ấy có tên Chiến Thắng - tiền thân của Báo Đồng Khởi ngày nay. Thủ trưởng của chúng tôi là Huỳnh Năm Thông (anh Năm Thông) vừa làm Trưởng tiểu ban vừa đảm trách Tổng biên tập. Báo được xuất bản mỗi tháng 1 kỳ (khổ bằng khổ Báo Đồng Khởi ngày nay) và cũng qua mạng giao liên phát hành đến các địa phương. Với biên chế tròn 20, chúng tôi được bố trí ở rải rác tại xóm Gò Một, xóm gần Gò Tranh và xóm Giồng, ấp Giồng Chủ của xã Tân Hào (nay thuộc địa phận xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm). Tất cả chúng tôi đều ở trong nhà dân, tòa soạn ở trong dân, nhờ dân mà ổn định việc ăn ở, làm việc thích nghi với hoàn cảnh chiến tranh. Nhà cô Mười Hóa (Phạm Thị Hóa) được xem là trụ sở chính, đầu mối tập trung mọi công việc của Tiểu ban và Báo Chiến Thắng.

Nhà cô Mười có làm được ít ruộng, cộng thêm nghề kháp rượu, nuôi heo dành dụm lo cho các em còn rất nhỏ, đứa lớn nhất như em Sữa chỉ mới vào tuổi thanh nữ. Nhà không rộng, nhưng căn buồng đã dành cho tổ in sáp của chúng tôi. Nó vừa là nơi để khuôn in, giấy, mực và công việc in ấn diễn ra tại đây. Chiếc máy đánh chữ tạm “lép vế” nằm kề một bên. Nhà thường có người đến mua rượu. Tiếng gõ chữ tạch tạch từ trong buồng vọng ra, đôi khi gặp khách tò mò gạn hỏi, phải giải thích, hơi bất tiện. Anh Năm Thông bận lòng, nhiều phen muốn dời chiếc máy đi nhưng chưa tìm ra chỗ thích hợp. Các điểm thích hợp như nhà dì Ba Hành, nhà bác Năm Pháp, nhà và chòi ở vườn cô Ba Xướng… thì cơ quan đã bố trí các bộ phận ở khắp rồi. Duy chỉ một nơi có thể mà không thể là căn chòi của dì Hai Hường, cất để tránh bom. Căn chòi nằm cheo leo trên bờ kênh nước chảy vắt qua cơi đồng giữa hai ấp Giồng Chủ - Giồng Lực. Người từ nhà dì Hai (trên đất giồng) muốn ra chòi phải băng qua khoảng ruộng trống, đi trên bờ đất có cây trâm bầu mọc lưa thưa, cặp theo con mương dẫn nước từ kênh dì đào để tưới tắm cho rau.

Cô Mười Hóa nay đã 90 tuổi. Ảnh: Mỹ Hạnh

Cô Mười Hóa nay đã 90 tuổi. Ảnh: Mỹ Hạnh

Gia đình dì Hai có 3 điểm ở gọi là nhà, chòi. Điểm thứ nhất, ngôi nhà khang trang nằm trên đất giồng, gắn liền với vườn rau cải và hai cái giếng to. Đây là chỗ ở chính của gia đình. Điểm thứ hai là căn chòi nằm tại xóm Gò Tranh dùng để ở tạm, chăm sóc ruộng và làm nơi tránh pháo cho đàn trâu. Điểm thứ ba là căn chòi có vách như một ngôi nhà nhỏ, nằm trên bờ kênh này chỉ dành cho việc ở tránh bom và cất giữ ít đồ đạc từ nhà chính chuyển sang, phòng khi giặc ném bom hư nhà chính cũng còn đôi ba thứ lặt vặt mà xài.

Gia đình dì Hai là một gia đình hết lòng cho kháng chiến, không tiếc một thứ gì. Trên khu nhà chính, hết cơ quan dân chính này đến đơn vị bộ đội kia liên tục tới xin đóng quân; vật dụng, gia vị (đường, muối, tiêu, tỏi, bột ngọt…) cứ sẵn đó mà xài. Nhiều chiến sĩ trong lúc đào công sự, do không biết, thay vì đốn cây tạp để làm nắp thì lại đốn cả cây trồng, biết được, dì chỉ cười: “Thôi, lỡ rồi tụi con, mai mốt trồng cây khác”. Song căn chòi trên bờ kênh ấy thì tuyệt nhiên không, không một cơ quan, đơn vị nào được phép đặt chân đến. Nó duy nhất dành cho việc tránh bom của gia đình mà thôi. Bởi có đông người là chộn rộn ra vào, giặt giũ, nấu nướng… Lửa khói, phơi phóng bất cẩn đôi khi làm mục tiêu cho máy bay giặc.

Anh Năm Thông nhắm vào căn chòi này bởi nó vắng, rất vắng, ngoại trừ những người trong gia đình lui tới. Đôi khi hai em Bàn, Tính (con ruột của dì) đi làm mệt vào nghỉ trưa hoặc ngủ đêm tránh bom trộm (*). Chỉ có mỗi việc hơi khó (giả định rằng một bộ phận của Tiểu ban đã được chuyển vào đây) là mỗi khi có động (tức giặc càn, kèm máy bay quần đảo trên đầu) thì việc di chuyển từ chòi lên giồng phải len lỏi theo hàng trâm bầu và không được mang vác cồng kềnh. Nhưng ước muốn vẫn là ước muốn! Không thể vẫn là không thể! Còn “giả định” thì hình như vẫn còn phải đợi một sự dòm xét nào đó, từ bao lớp người đi trước chẳng hạn?! Tôi linh cảm vậy.

Rồi một hôm, giữa trưa, tôi đang lang thang từ cơi giồng cô Mười sang cơi giồng của dì Hai thì nhác thấy anh Năm Thông. Anh vẫy tôi và ra hiệu bằng mắt. Tôi đến gần thì thấy dì Hai đang dùng cây trâm bầu chừa ngạnh làm thay cây móc, vừa trò chuyện với anh Năm Thông vừa móc thứ gì từ dưới đáy ao. Một cái đầu cây vừa ló lên chợt tuột đi. Hai ba lượt như vậy. Tôi nhận ra dì đang muốn lấy cây ngâm. Tôi thưa: “Dì Hai, để con”. Vừa nói tôi vừa cởi ngay quần áo ngoài, chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi. Dì bảo “Không được! Nước dơ, ngứa lắm”, “Để dì chịu khó móc, thế nào cũng được, con!”. Tôi ùm xuống, mới hay ao rất sâu, nước lên đến cổ. Nước thâm đen vì quanh ao trồng cây trâm bầu, lá khô rụng nhiều phen mục bã đi. Không ngoáy tay được, tôi dùng đến bàn chân dò tìm rồi nâng dần từng đầu cây lên mặt nước, chộp lấy, đưa vào bờ. Anh Năm Thông và dì tiếp một tay, kéo cây lên. Hì hục một lúc, tôi nghe tiếng đếm 1, 2… rồi giọng dì: “Đủ rồi! Thôi chạy nhanh lên, ra chòi dì dội nước cho con”. Tôi chạy về nhà cô Mười, cảm giác toàn thân đang bị châm chích giống như bị vãi trấu vào. Trên da vẫn còn một màn nước mỏng, đen, lấm tấm hạt nhỏ từ lá trâm bầu mục bám theo. Tôi xối lấy xối để, không kịp để ý nước được múc lên là nước mưa chứa trong cái mái to, dành cho cả nhà uống. Sữa đem cho tôi cục “Cô Ba”. Chắc là cục xà bông thơm thỉnh thoảng mới được đem ra dùng hoặc chỉ dành riêng để gội đầu cho các em. Tắm xong. Lau khô người, ngửi thơm trên da thịt, tôi đứng mỉm cười một mình. Và, hình như có huýt sáo!

Gần cuối chiều, trong lúc chúng tôi đang chuẩn bị bữa cơm cùng với cô Mười và các em như thường lệ thì Bàn từ nhà sang. Trên tay cầm cái thố, trong thố là thịt heo kho tàu. Toàn thịt, rực thơm nước dừa! Bàn nói: “Má biểu bưng cho dì và các anh ăn lấy thảo”. Một bữa cơm ngon. Rất ngon! Tôi và anh Năm Thông không nói gì.

Bẵng đi vài hôm. Vào một tối, anh Năm Thông gọi tôi và Phương Đông ra ngoài, nói nhỏ. Anh bảo chúng tôi mặc đồ ngắn, cầm dá cuốc cùng anh ra chòi dì Hai. Tới nơi, tôi thầm hiểu. Những gì là đổi thay từ mấy hôm rồi, với tôi có lẽ anh không cần phải nói thêm. Vào chòi, tôi nhận ra chiếc trảng-xê thật to, chiếm gần hết không gian chòi. Nằm trong vỏ đất, lòng trảng-xê tưởng như một căn phòng nhỏ, tiện nghi tối thiểu. Hai em Bàn, Tính vẫn vào đây ngủ những lúc địch hay bắn pháo đêm. Làm việc với chiếc đèn dầu nhỏ, thấp ngọn (chỉ thắp trong trảng-xê, không để ánh sáng lọt ra ngoài), chúng tôi lần giở từng lớp chiếu, vạc rồi làm theo ý anh: đào một cái hầm bí mật dưới đáy trảng-xê! Đất đào lên đem phi tang vào lòng kênh. Xong, đặt vào đó cái mái to (vừa khít với chiếc cửa trảng-xê, khi đưa vào). Lòng mái đủ để cất chiếc máy chữ, mấy hộp giấy than, giấy pelure… cả stencine dành riêng cho việc đánh máy, in tờ Tin Tức.

Chị Thanh Y dời tiếng tạch tạch từ nhà cô Mười sang chòi của dì Hai. Những lúc được tin giặc càn, chị đưa hết máy móc, đồ đạc xuống hầm rồi cắp nón lá đi lên giồng, tỉnh rụi như người hàng xóm đến chơi. Đôi khi “tùy cơ ứng biến”, chị giả vai chị ruột của Bàn, Tính ở lại cùng hai em, qua mắt giặc.

Một cái mái để cất giấu tài liệu, máy móc… giữ cho khỏi ướt đặt dưới một cái hầm bí mật. Một cái hầm bí mật đặt dưới đáy cái trảng-xê, còn được phủ thêm một lớp vạc, một lớp chiếu, có lẽ đã không còn một “công thức” nào tối ưu hơn!

Mà đâu chỉ có vậy. Trên từng điểm ở của mỗi bộ phận, chúng tôi đều được anh Năm Thông ngắm nghía địa hình, nhắc phải đào hầm bí mật để cất giữ đồ đạc và hơn hết để “cất người”! Nhiều bà con xóm Giồng đoán được chúng tôi có hầm; có thể chỗ vuông đất này, chỗ gốc cây, bụi rậm kia. Song, tuyệt nhiên không một ai rỉ tai “bỏ nhỏ” với ai. Và, có lẽ cũng quen rồi cái cảnh thấy tụi nó nhởn nhơ đó, nghe giặc tới, thoắt một cái chẳng còn bóng nào, giặc vừa rút đi, thoắt một cái lại thấy “cả đám” nhởn nhơ!

Ấp văn hóa Giồng Chủ, Tân Lợi Thạnh (Giồng Trôm). Ảnh: Thảo Ngân

Ấp văn hóa Giồng Chủ, Tân Lợi Thạnh (Giồng Trôm). Ảnh: Thảo Ngân

Năm 1968, chúng tôi đi chiến dịch, hướng về thị xã. Những căn hầm ở lại, vịn vào đất, đất vịn vào lòng bà con dõi mắt chờ. Rồi về lại, điềm tĩnh, ung dung, cứ thế chúng tôi lao vào công việc của Tiểu ban, của tờ báo giữa những ngày khốc liệt của chiến tranh.

Năm 1970, tôi được phân công đi thường trú ở hai huyện Bình Đại, Ba Tri. Năm 1972, lại được điều về công tác tại Tạp chí Văn nghệ khu Trung Nam Bộ. Lúc bấy giờ, Tiểu ban và Tòa soạn đã dời ra Long Mỹ, Phước Long. Bởi, từ năm 1970, Giồng Chủ - Tân Hào liên tiếp bị địch đánh phá rồi bình định đóng đồn. Một quả pháo rơi trúng hầm cất tài liệu của Tiểu ban đặt dưới bụi tre cạnh nhà bác Tư Keo. Anh Tám Sanh, con bác phải gom hết những giấy tờ vung vãi. Cô Mười bị địch bắt cầm tù.

Anh Năm Thông được điều về Báo Giải Phóng khu Trung Nam Bộ trước tôi. Căn hầm bí mật trong căn chòi của dì Hai Hường không biết hai em Bàn, Tính có kịp lấp để che mắt giặc không. Trong những ngày công tác ở khu, thỉnh thoảng tôi lại nhớ về những ngày xưa cũ. Nhớ buổi trưa cùng anh Năm, cùng dì Hai bên cái ao sâu với những khúc cây ngâm được vớt lên. Nhớ bà con, cô bác xóm Giồng Chủ. Nhớ những căn hầm bí mật từng là thành trì bảo bọc, đôi khi thèm cất lên câu hát từ lời thơ của nhà thơ Dương Hương Ly “Nơi hầm tối…”.

Dì Hai Hường đã về với tổ tiên. Còn anh Năm Thông, thôi thì… vĩnh viễn không còn cảnh thầy trò ngồi đàm đạo, chuyện nhỏ chuyện to có khi đến hàng giờ, hàng buổi. Những tri thức, những từng trải, tinh tế, sẻ chia (vẫn còn chưa kịp nói ở đây) không phải người thủ trưởng nào cũng có được! Ngồi lần giở từng mớ ký ức, tôi ngộ ra, tự giải đáp cho mình câu hỏi vì sao thủ trưởng chọn Giồng Chủ làm nơi đặt cơ quan, trụ lại đến nhiều năm như vậy. Một xóm giồng nhỏ xíu, cheo leo, bị bao bọc bởi đồng trống, nói hơi cường điệu là người lính của đối phương từ trực thăng nhảy xuống, nhấc gót giày đầu tiên đã có thể đạp thấu vào vai, vào cổ của chúng tôi. Thế mà… Thế mà… Thì ra, thực tiễn không phải là địa hình nhỏ hay lớn, rộng hay hẹp mà là ở bản lĩnh của con người - người cầm binh - được bảo bọc trong cái cõi thẩm sâu mà chúng ta vẫn thường gọi “lòng dân”! Và, trên một phương diện khác, phải chăng nơi hiểm yếu nhất đôi khi lại là nơi an toàn nhất!

Tôi bây giờ gặp lại tôi ở cái tuổi cuối chiều. Lật quyển bảy lăm thấy liền hai chữ “hồi đó”, e dè, ngại có cháu thời nay bảo “các bác bây giờ chỉ còn biết sống bằng hoài niệm”. Nhớ dì Hai Hường với cái hầm trong trảng-xê, nhớ người thủ trưởng - anh Huỳnh Năm Thông - cả quyết, tinh nhạy, đôi khi thấy nó nhỏ về đề tài trong ngồn ngộn, xô lấp, bộn bề của đương đại, đôi khi thấy nó lớn thật lớn và hình như còn cất giữ đâu đó chỗ con người.

Tôi đem chuyện, cà phê với người bạn lớp đàn anh. Anh điềm tĩnh, ngồi lặng thinh như chưa hề có sự hiện diện của tôi, như chưa hề được nghe tôi nói một câu nào. Một lúc, anh bảo như một lời mắng yêu:

- Quan trọng là cái thân xác đã bị thành thị hóa của mày có còn đủ sức để nhớ nổi những chuyện nho nhỏ như thế nữa không?

Tôi thưa rằng: Nhớ! Nhớ lắm! Và, giờ đây ngồi “chép” lại mấy dòng này!

Bến Tre, tháng 11 năm 2021

Hồi ức của Hàn Vĩnh Nguyên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN