Ngọn gió chướng lạc mùa đi hoang thổi vụt qua trước mặt
tôi, một cảm giác khác lạ chạy rân rân trong người… tự dưng thèm và nhớ nắng đến
vô cùng. Không phải màu nắng non vàng nhạt trên cánh đồng miền châu thổ. Ừ
không phải! Mà nhớ cái mùi nắng Quảng Trị khen khét khô rang của ngọn gió Lào…
Sao lạ vậy chứ? Đâu phải màu nắng mênh mang, dịu dàng mát rượi… mà cái nắng oi
nồng, hầm hập như thiêu, như đốt, nắng cháy khét lẹt cả miền tuổi thơ của tôi…
Tôi nghĩ, ở Quảng Trị, mùa hè là thể hiện đúng nguyên bản
chất của nó - nắng và gió. Khi chạm vào ô cửa mùa hè cảm nhận đầu tiên là ngọn
gió phơn Tây Nam, gió từ nước Lào vượt qua dải Trường Sơn cứ thế “dàn hàng
ngang” tràn từ cửa khẩu Lao Bảo đến tận biển Cửa Việt, mang theo cái “lò lửa”
khổng lồ phà hơi nóng ràn rạt như muốn thiêu đốt tất cả vạn vật hiện hữu trên
đường nó đi qua. Không có gì ngoại lệ cả, từ cánh đồng, vườn tược, hoa màu đến
lũy tre, hàng cây đầu xóm đều cháy khô xơ xác. Vậy mà nhớ mới lạ chứ, đúng là
mình cũng không hiểu tại sao? Chắc phải có điều gì còn ẩn sâu bên trong!
Đôi lúc tôi tự hỏi ký ức của mình, sao không nhớ những
tháng ngày hồn nhiên, mơ mộng… mà cứ hiện về cái đồ thị hình xâu chuỗi của gam
màu cơ cực, khắc khoải nằm ngang dọc, đan xen, lẫn lộn giữa cuộc đời… thế mới
ác chứ.
Nhật ký trên dòng thời gian còn ghi lại rất rõ ngày…
tháng… năm 197… vào khoảng lưng chừng tháng Tư thì hoa phượng lại rục rịch thắp
lửa, đó cũng là lúc mà tôi cùng đám bạn chạy vắt chân lên cổ để tập trung cho kỳ
thi học kỳ 2, chuẩn bị kết thúc năm học.
Thú thật hồi đó dễ bỏ học ngang xương lắm, điều kiện học hành thiếu thốn vô
cùng, ba bốn đứa cùng chung một bộ sách, thậm chí không có tập để viết bài...
vì kinh tế thời buổi đó còn nghèo, khó khăn, thiếu thốn. Ở nơi đâu cũng vậy, chạy
dọc theo mảnh đất hình chữ S này… có tha ai đâu. Hình như tôi vừa chạm sâu vào
miền ký ức. Nhận dạng nỗi nhớ không theo một trình tự, khuôn mẫu nào cả, nó đến
một cách tình cờ.
Kết thúc năm học, tôi xếp tất cả sách vở bút nghiên vào hộc
tủ khóa chặt và thầm bảo “quên đi nghe”. Nghỉ hè buông sách vở là đi làm thêm
kiếm tiền phụ giúp gia đình để chi tiêu, trang trải nhiều thứ, hồi đó không rảnh
mà đi học thêm.
Đó là những ngày hè thanh thản khi được nghỉ học, tâm hồn
được mở mang, khoáng đạt, nghỉ ngơi xả stress... Mùa hè ở miền quê rất thú vị,
ai cũng có sẵn chương trình riêng đã chuẩn bị từ trước, tự mình thiết kế công
việc để lo liệu cho cuộc “hành trình” kế tiếp của tương lai...
Sau chiến tranh, những cánh rừng nằm bên dãy Trường Sơn
là nơi cưu mang nuôi sống biết bao người. Khoác lên mình là cái nắng 39 - 40oC
để hái sim, đốt than, kiếm củi, tìm sắt, thép, nhôm, đồng… phế liệu, bom mìn…
là chuyện thường phải làm thôi. Bởi đó là nguồn “tài chính” cho cuộc mưu sinh
mà cũng là “quỹ tiếp sức đến trường” chủ lực của nhiều thế hệ ở quê tôi.
Nhớ là vậy! Bởi ước mơ vẫn còn nằm trong vòng quay của sự
kiếm tìm không định trước, khi mà sự hiểm nguy vẫn ngày đêm rình rập sẵn sàng
mang đi tất cả. Mùi nắng khét cháy da đã hằn sâu trong tiềm thức. Vâng! Để sống,
để tồn tại và mưu sinh, cố nhặt thêm cái chữ cho ngày sau thì tự thân phải bươn
chải, phải cày thôi.
Ơ! Sao mà lại không nhớ chứ!
Có lẽ trong cuộc đời ai cũng có những khoảnh khắc “nhớ nắng”
riêng của mình. Nó không thuộc về ai cả. Vâng! Nó vẫn nằm lâng lâng trong miền
hoài niệm...