Nhớ ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước

20/05/2011 - 08:14

Ngày  5-6-1911, con tàu Amiral Latouche Tréville rời Bến Nhà Rồng (Sài Gòn) đi Marseille (Pháp), mang theo một người thanh niên Việt Nam đầy lòng yêu nước, thương dân, ôm ấp một hoài bão lớn lao, tìm hiểu nền văn minh thế giới, ra sức học hỏi để trở về giúp nước.

Ngày 5-6-1911 là một ngày trong luật tự nhiên của tạo hóa, nhưng thực tế 100 năm qua đã khẳng định: Đây là ngày có tính quyết định vô cùng quan trọng đối với lịch sử cách mạng Việt Nam và là ngày mở ra một bước ngoặt mới trong cuộc đời Nguyễn Tất Thành.

Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: PT

 

Bắt đầu từ ngày đó, trong suốt 30 năm, Người đã đến nhiều nước Á, Âu, Phi, Mỹ. Đến đâu Người cũng lao động kiếm sống và học tập. Đến đâu, lòng Bác cũng quặn đau trước cảnh người dân thuộc địa bị hành hạ, khinh miệt, áp bức, bóc lột như nhân dân mình. Trong hành trình gian khổ ấy, Người nhận thức được rằng ở đâu bọn đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu, người lao động cũng bị áp bức và bị bóc lột dã man. Người thương xót cho thân phận người nô lệ da đen châu Phi bị người chủ coi rẻ tính mạng. Người đồng cảm cho những người nghèo ở những nơi Người đã đặt chân đến. Khi đặt chân đến tượng Nữ thần Tự do, Người đã ghi cảm tưởng: “Ánh sáng trên đầu Thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng Thần Tự do thì người da đen đang bị chà đạp, số phận người phụ nữ bị chà đạp”. Điều đó đã giúp Người có một nhận thức quan trọng: Nhân dân lao động trên toàn thế giới cần đoàn kết lại để đấu tranh chống kẻ thù chung là giai cấp thống trị; cùng nhau thực hiện nguyện vọng chung là độc lập, tự do.

Như người đi đường đang khát gặp được nước uống, tháng 7-1920 - dấu mốc son chói lọi trong hành trình cứu nước của Nguyễn Ái Quốc khi Người bắt gặp bản sơ thảo lần nhất “Đề cương vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lê-nin. Đây là sự kiện đánh dấu bước nhảy vọt trong tư tưởng chính trị của Nguyễn Ái Quốc, từ lập trường yêu nước chuyển sang lập trường cộng sản. Từ đây, Người thật sự theo Lê-nin, tin vào Quốc Tế III. Sự kiện này mở ra cho cách mạng Việt Nam một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn gắn cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin.

Để thực hiện quyết tâm đó, Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Người sáng lập ra “Hội Liên Hiệp thuộc địa” và tích cực hoạt động trong Quốc tế Cộng sản.

Một ngày cuối tháng 10-1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô trở về Trung Quốc, tham gia cao trào cách mạng Quảng Châu. Ở đó, Người mở nhiều lớp huấn luyện thanh niên, tổ chức “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” (tháng 6-1925). Đây là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sảng Việt Nam. Tháng 7 năm 1925, Người thành lập “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức” ở châu Á. Đến mùa xuân năm 1930, Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam - bộ tham mưu chiến đấu cho giai cấp công nhân Việt Nam - một Đảng được trang bị bằng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, có mối quan hệ mật thiết với quần chúng công nông.

Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, cứu dân, Người về nước trực tiếp lãnh đạo Đảng, lãnh đạo nhân dân ta viết lên những trang sử vẻ vang cho dân tộc, cho đất nước: Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; chứng minh sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ngày 7-5-1954. Thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên Chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, kết thúc 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc và là một sự kiện có tầm quốc tế, có tính chất thời đại sâu sắc, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử nước ta - kỷ nguyên của một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Đất nước tiến vào thế kỷ XXI với hành trang ấy, chúng ta càng thấy vinh quang vĩ đại khi các thế hệ con cháu người Việt Nam trưởng thành, đứng vững trên hai chân và ngẩng cao đầu tiến lên trong độc lập, tự do, trong ấm no, hạnh phúc. Chúng ta càng thấy ý nghĩa lớn lao hơn khi nhà sử học I-ta- lia Pê- ru- gia nhận xét: “Không có Người, lịch sử có thể đi theo con đường khác; lịch sử đã đặt Người vào đúng chỗ của mình, trong hành trình đó, Người là nhân vật sáng tạo, quyết định”.

Ôn lại sự kiện của 100 năm qua - ngày ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, chúng ta cảm nhận được từ chuyến đi lịch sử đó, Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam rực rỡ cho đến ngày hôm nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đã sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Tự hào về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, mỗi người dân Việt Nam càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyễn Thị Thúy Hằng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN