Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba

03/04/2009 - 09:37

Đền Hùng thuộc huyện Lâm Thao (Phú Thọ) tụ hợp một hệ thống kiến trúc cổ: Đền Hạ, đền Thượng, đền Giếng, có giếng Ngọc, miếu tổ Hùng Vương, hòn đá thề giữ vững non sông đời đời…

Xung quanh miếu đường, lăng tẩm đầy những sự tích là các làng mạc xanh tươi ẩn hiện, nhấp nhô của miền trung du. Xa chút nữa là dãy núi Nghĩa trùng điệp, hùng vĩ. Khắp nơi có những ngọn đồi hình thế như hổ phục voi chầu, rồng bay phượng múa. Từ đỉnh Hy Cương nhìn xuống là một phong cảnh bao la, khoáng đạt, dàn trải ra với dải lụa sông Hồng mịn màng. Xa chút nữa là sông Đà, sông Lô nhập vào với sông Hồng ở Bạch Hạc. Nơi đây lưu truyền hàng trăm sự tích lâm ly và truyền thuyết đẹp. Nơi anh hùng, có giai nhân… luôn luôn tác động vào thế giới tinh thần của con người…

Nơi đây vào 3 ngày (9, 10, 11) tháng ba âm lịch hàng năm đều mở hội:

Dù ai đi ngược, về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba.

Hội lễ này có tính chất một hội lễ quốc gia, trải qua nhiều thế kỷ. Ngày 10, các vị chức sắc làm lễ trước. Nhiều vị có quyền cao chức trọng nhất tỉnh sở tại làm chủ tế. Các vị thấp hơn cũng đảm nhiệm bồi tế, đọc văn tế, đông xướng, tây xướng, tiến hương, tiến tửu… Khi tế còn có phường nhà trò hát ca trù. Việc tế lễ được cử hành ở đền Thượng là nơi xưa kia vua Hùng tế trời đất. Đồ tế lễ, ngoài hoa quả còn có lễ tam sinh gồm lợn sống cạo lông có mỡ chài phủ kín toàn thân, bò và dê thui vàng cả con cùng với xôi màu trắng, tím, đỏ, bánh dầy trắng và rượu cẩm tím nhạt. Phần rước có nhiều cuộc như rước của làng Tiên Cương, Hy Cương, Phượng Giao. Rước bát bửu có chất lượng võ ở làng Cổ Tích. Có những đám rước thần, rước kiệu, rước voi, rước chiêng. Tất cả những cuộc rước ấy đều được tổ chức rất long trọng với đầy đủ các nghi thức như: cờ quạt, đồ chấp kích, quân phù giá, phường bát âm… Riêng cuộc rước của làng Cổ Tích có đặc biệt hơn: dẫn đầu là một vị cao niên “tiên phong đạo cốt” cưỡi ngựa rất oai nghi.

Những trò diễn chung quanh hội lễ cũng rất phong phú. Bảy làng tham gia rước kiệu. Có nơi rước đến ba kiệu bát cống. Kiểu này rước cổ chay, mâm ngũ quả. Tám người rước mặc áo nẹp xanh, giữa ngực thêu hổ phù, cổ viền lá sồi đen, trắng, đầu đội nón chóp sơn, chân quấn xà cạp trắng. Hai ông hiệu cầm cờ đuôi nheo nhỏ, mặc võ phục đen thêu rồng mây, đội mũ võ sĩ, chân quấn xà cạp đỏ vằn đen, đi ủng viền đen trắng, hai vai cắm 4 lá cờ nhỏ chỉ huy. Một ông hiệu đi trước kiệu, một ông đi sau. Một ông hiệu nữa đánh trống khẩu cầm chịt cùng mặc áo võ phục. Đi rước kiệu còn có 8 lực sĩ chấp kích (bát bửu) lại có 8 người vác cờ thêu thanh long, bạch hổ. Phía giữa 8 người chấp kích là phường bát âm, mặc áo the quần trắng, đầu đội khăn xếp. Bốn người khiêng hai trống. Một trống cái, một trống con. Kiệu được trang trí rực rỡ, sơn son thếp vàng chăng vải đỏ. Mấy người cầm quạt cò, quạt vả che hai bên cạnh kiệu. Trên mặt quạt có thêu lưỡng long tranh châu, kim tuyến, hoa lá bằng chỉ nhiều màu. Giữa có đính miếng kính nhỏ lấp lánh.

Khi rước, trống, chiêng nổi lên ba hồi: Người rước đi bước một. Sau chừng 5 phút, mọi người dừng lại một lúc rồi hét vang. Quần chúng cũng reo hò hưởng ứng. Khi kiệu leo dốc hoặc tới chỗ khó đi, mọi người cố gắng giữ cho kiệu thăng bằng theo lệnh trống chỉ huy. Lúc rước đến đền Hạ, có bãi rộng, các kiệu chạy thật nhanh, vòng quanh sân có tính chất biểu diễn gọi là kiệu bay. Tiếng chiêng trống, đàn sáo, tiếng reo hò tạo nên những âm thanh rộn rã, tưng bừng. Trong đền, ngoài đền khói hương nghi ngút.

Lại có các trò diễn của tốp đánh trống cầu mưa, đu quay, múa rồng vờn ngọc, rước đuốc, đánh cờ người, múa mời, múa bông, múa Đăm Đuông. Hát xoan vui tại chỗ được tổ chức ở cạnh hoặc ngay trên mặt đầm nước có hoa súng, dưới chân núi Nghĩa. Các kép đeo trống con cho các đào và ngược lại. Họ hát đối với nhau về quê hương, về phong cảnh, tình yêu. Nhiều lúc họ tỏ ra phong tình rất mực:

Đón Đào từ bến đò sang

Bên anh mở hội, đón Đào sang… hát thờ…

Hàng năm, nhân dân của 54 dân tộc Việt Nam từ Bắc chí Nam tới đền Hùng để thăm đất tổ đúng vào mấy ngày hội. Nhiều người Việt sống xa Tổ quốc cũng trở về nước vào dịp này để chí ít cũng một lần được sống trong không khí hào hùng của thời kỳ dựng nước.

Hồng Nguyên (Hà Nội)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN