Nhớ ngày Tết xưa

24/01/2022 - 06:07

BDK - Nói xưa thì cũng không đúng, chỉ chừng đôi ba mươi năm trở lại thôi. Nhớ hồi đó Tết khác bây giờ nhiều lắm, dòng cảm xúc cứ lâng lâng, ngòn ngọt làm sao. Thú thật nhiều lúc thật khó diễn đạt hết được. Sự thèm thuồng ngày Tết hiện rõ từng nét ngồ ngộ vụng về trên gương mặt trẻ thơ.

Từ ngày hai mươi ba tháng Chạp, cúng tiễn ông Táo về trời đó cũng là lúc báo hiệu không khí Tết sắp đến. Ngoài rìa sông, ngọn gió chướng non mon men thổi nhẹ, hàng cây so đũa quanh nhà rùng mình “trở dạ” đơm bông. Văng vẳng đâu đó vang lên những âm thanh “đì đùng, đì đẹt” râm ran của tiếng pháo nổ, đám trẻ con cười ré lên hồn nhiên sung sướng. Không gian những ngày giáp Tết khác lạ, rộng rãi, đa sắc màu. Những người xa xứ hẹn nhau quay về tảo mộ ông bà, tổ tiên. Họ quây quần sum họp bên nhau, tiếng nói cười vang khắp nẻo đường quê.

Chuẩn bị đón Tết, công việc ở miền quê thường từ ngoài ngõ rồi mới đến trong nhà. Người lớn sửa lại hàng rào bao quanh vườn, phát quang, cắt tỉa cây cối ngay hàng thẳng lối, trẻ con thu gom quét dọn làm cho môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng đãng hơn. Việc kế tiếp là khu vực sân trước nhà, tới lui ngắm nghía chọn những bụi bông vạn thọ, mào gà, cúc đại đóa… có hình dáng đẹp, cân đối cho vào chậu, trang trí sắp xếp thành hình tròn, hình vuông trông lạ mắt. Công việc cuối cùng quét mạng nhện, sửa sang lại bàn thờ tổ tiên thật chỉn chu, nghiêm trang, mọi thứ phải ngăn nắp gọn gàng. Lau chùi bộ lư đồng, cặp đèn làm sao cho sáng loáng mới được, lũ trẻ hì hục từ sáng tới chiều mới xong. Cha tôi ra vườn cắt những nhánh mai đẹp có nhiều nụ, đốt lửa thui phần gốc cắm vào bình, chỉnh sửa ngay ngắn đổ đầy nước rồi đem chưng lấy lộc đầu năm.

Gian nhà sau đông người, rộn ràng nhộn nhịp hơn. Một khoảng không gian ồn ào, náo nhiệt tiếng nói cười vui vẻ, tiếng chày quết bánh phồng rung lên thình thịch, tiếng của những bàn tay nhẹ nhàng thoăn thoát xé lá chuối gói bánh, tiếng va đập nồi niêu, xoong chảo tạo ra nhiều âm thanh hỗn loạn. Bánh vừa gói được cho vào thùng gánh nước, kê mấy cục gạch lên mé sau hè làm bếp. Khói bắt đầu lan tỏa, không gian chiều yên ả thanh bình, mùi cháy thơm khen khét của lá dừa phảng phất bay dìu dịu nghe nôn nao tận cõi lòng. Lửa cháy liên tục, cứ cho củi vào đun hoài tới tận khuya bánh mới chín, vớt ra để cho ráo nước. Đem lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, dành một ít biếu họ hàng nội ngoại, phần còn lại để đãi khách… bánh để cả tháng sau bánh vẫn còn ăn được.

Chuyện sắm áo quần Tết của tôi được mẹ mua từ hồi đầu tháng Chạp. Vết gấp lâu ngày đã chai lì nên rất khó thẳng, cái bàn ủi con gà cứ đẩy lui đẩy tới ì à , ì ạch, lúc la, lúc lắc… lâu thiệt lâu mới xong một bộ đồ. Mỗi lần ủi xong “ịn” lên tấm lá chuối để sẵn, thi thoảng thêm vài miểng than gáo dừa đỏ rực vào cho đủ độ nóng. Xong xuôi đâu đó, máng lên cây sào vắt ngang chứ đâu có móc treo áo quần như bây giờ.

Vui nhất trong những ngày Tết xưa là được coi những gánh hát, đoàn xiếc, lô tô từ nơi khác đến. Mỗi khi đoàn hát nào về diễn, đám trẻ con cứ chạy theo rần rần khắp la í ới khắp xóm.

Thường thì người ta chọn các sân banh làm tụ điểm tổ chức, biểu diễn. Những cây cọc được cắm lên chắc chắn, họ buộc mấy sợi dây thừng to đùng kéo thành hàng rào vây quanh, dựng cái cổng nhỏ làm nơi soát vé. Chiếc xe Dasu dán áp phích sặc sỡ, hình ảnh nghệ sĩ dán xung quanh chạy vòng vòng khắp xã, loan báo chương trình biểu diễn. Loa phóng thanh phát đi liên tục, tiếng vọng lan tới tận cánh đồng sâu. Người lớn thì bình tĩnh cố nghe cho được lời giới thiệu tên gánh hát, tuồng cải lương, rồi nghệ sĩ nào diễn, tụi con nít bất cần cứ nhao nhao lên điệp khúc tối nay đoàn hát về. Bỗng dưng nghe tiếng ồ lên mừng rỡ… có Thanh Tòng, Mỹ Châu, Minh Vương, Lệ Thủy… rồi bàn bạc với nhau “bán vài giạ lúa, trăm dừa …”. Nhất định tối nay phải có mặt thật sớm, coi cho bằng được gương mặt thật ngoài đời của các nghệ sĩ.

Mấy chục năm rời quê lên thành phố, cảm nhận Tết bây giờ khác ngày xưa nhiều lắm. Không đợi chờ, không nôn nao như hồi còn ở quê. Nhiều lúc có cảm giác sợ Tết nữa kìa… Tết đến thêm một tuổi, sức khỏe giảm sút, tiếng cười cũng nhỏ nhẹ, dòng suy tư càng khó nhọc không vượt qua nỗi nếp nhăn thời gian.

Ngày Tết ở thành phố đến chậm hơn, không gian “cô đặc” gói gọn trên những con đường chật chội tiếng còi xe, khu phố chợ dường như thu hẹp lại. Con người cũng rảnh rang chậm rãi không tất bật như ngày thường.

Sự bận rộn, lo toan của ngày Tết đã biến mất khỏi dòng suy nghĩ. Tất cả đã có sẵn, khi các nhà phân phối, công ty, siêu thị… mang đến giao hàng tận nhà. Mai vàng đón Tết cũng vậy, dịch vụ cho thuê cung ứng theo yêu cầu từ ngày hai tám Tết chở đến, qua mùng chở đi. Hoa nở đẹp, nở đều đúng vào ngày mùng một Tết.

Công viên dọc ven sông được chia thành nhiều ô nhỏ, người ta thuê làm gian hàng bán hoa trong dịp Tết. Cổng chào “Hội hoa xuân” dựng lên, từng đoàn người chen chúc bán mua tấp nập. Không tìm thấy một chút gì yên tĩnh của Tết đọng lại như ngày xưa ở quê…

Cung bậc của đời người cứ mênh mang lên xuống như nốt trầm thiêng. Sự tồn tại luôn gắn bó giữa quá khứ, tương lai và hiện tại. Từng khoảnh khắc trôi qua trong mỗi cuộc đời luôn nhắc nhở ta hãy nhớ mãi, đừng bao giờ quên.

Vậy mà thời gian chơi trò tung hứng, mang đi biền biệt những kỷ niệm của tuổi thơ. Có nhiều lúc nhớ quên, thi thoảng vẫn quay về mơn man trong tiềm thức. Dẫu không còn nguyên vẹn như ban đầu, nhưng đã làm cho tâm hồn tôi trẻ lại, ngây ngô mềm mại. Nhớ lắm những Tết xưa!

Song Phố

Chia sẻ bài viết
Từ khóa tết xưa

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích