Nhộn nhịp Làng nghề cây giống, hoa kiểng Phú Sơn

18/12/2023 - 05:39

BDK - Hơn 20 năm hình thành và phát triển, Làng nghề truyền thống cây giống, hoa kiểng Lân Đông, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách đã tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Trong đó, Tổ hợp tác (THT) Hoa giấy ấp Lân Đông đã thành lập được 8 năm (do Hội Nông dân xã quản lý), góp phần thúc đẩy tiềm năng phát triển cho hoa giấy Lân Đông vươn xa thị trường dịp lễ, Tết.

Bà Lê Thị Khoa bên vườn hoa giấy bán dịp Noel và Tết Giáp Thìn 2024.

Bà Lê Thị Khoa bên vườn hoa giấy bán dịp Noel và Tết Giáp Thìn 2024.

Làng nghề truyền thống cây giống, hoa kiểng Lân Đông chỉ có vài chục hộ tham gia khi mới thành lập. Qua thời gian, làng nghề đã có hơn 200 hộ chuyên canh và trên 50 hộ bán chuyên canh về hoa giấy. Năm 2015, THT Hoa giấy Lân Đông thành lập, với 43 thành viên (TV). Nay, THT có 62 TV tham gia, tổng diện tích canh tác hơn 80ha. Sản xuất từ 300 - 400 ngàn sản phẩm/năm (từ 2 - 15 ngàn chậu/hộ/năm). Người dân địa phương thu nhập chủ yếu từ cây giống và hoa kiểng (trong đó có hoa giấy).

Bà Lê Thị Khoa (Bảy Khoa), 56 tuổi, ngụ ấp Lân Đông cho biết, hiện tại, bà đang trồng 1 ngàn chậu hoa giấy bán dịp Noel và 1 ngàn chậu phục vụ cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Hoa giấy bán Noel, gia đình đã bán cho khách hàng đến tận vườn thu mua hơn 800 chậu (giá từ 80 ngàn đồng đến hơn 300 ngàn/chậu). So với mọi năm thì năm nay lượng khách hàng đến đặt hoa giấy phục vụ Tết Nguyên đán không bằng.

Bà Bảy Khoa đã sản xuất hoa giấy từ những ngày đầu thành lập Làng nghề truyền thống cây giống, hoa kiểng Lân Đông. Trung bình thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, lợi nhuận khoảng 50% so với thu nhập.

Hàng năm, cứ qua Tết, bà giâm hom hoa giấy khoảng 7 tháng, rồi nhổ lên chậu để chăm sóc bán Noel và Tết. Hoa giấy bán Tết Nguyên đán, tầm 20-12 thì người trồng bắt đầu cơi (làm bông). Khách hàng sẽ liên kết giá cả với người trồng hoa giấy và tiêu thụ thị trường khắp nơi.

Theo người trồng hoa giấy, hiện tại nhờ chế phẩm sinh học tránh rụng hoa nên đã thuận tiện rất nhiều trong việc vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Trước kia, người trồng hoa giấy phải canh độ chín của hoa, nhằm hạn chế tối đa việc rụng hoa trong quá trình vận chuyển. Năm nay, dự đoán dưới sự biến động của kinh tế thị trường cùng thị hiếu của khách hàng nên hoa giấy tàng có giá trung bình sẽ được thị trường tiêu thụ yêu chuộng hơn gốc lớn hay bonsai có giá cao từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Phó chủ tịch UBND xã Phú Sơn Đặng Quốc Việt cho biết: Năm 2023, người dân địa phương trồng hoa giấy, với số lượng tương đối và không giảm so với mọi năm. Chủ yếu, mối lái truyền thống sẽ đến tận vườn của người trồng hoa giấy đặt hàng. Ngoài ra, người trồng cây giống và hoa kiểng đã tận dụng lợi thế của mạng xã hội liên kết khách hàng, giúp tiêu thụ sản phẩm thuận tiện và xuyên suốt trong năm. So với hoa Tết (cúc mâm xôi, vạn thọ...) thì hoa giấy và mai vàng có thể thuần dưỡng lại để bán dịp lễ, Tết năm sau nếu trường hợp không bán hết trong năm.

Bài, ảnh: Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN