Những ca khúc vượt thời gian viết về người lính

19/12/2016 - 07:34

Những giai điệu hùng tráng

Nếu được hỏi bài hát nào viết về người lính gây ấn tượng nhất, có lẽ với đa số người Việt Nam là bài hát Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao. Là Quốc ca của đất nước, giai điệu và ca từ của bài hát đã gắn bó và tạo thành kỷ niệm sâu đậm với nhiều thế hệ người Việt Nam. 

Năm 1981, cả nước có một cuộc vận động sáng tác quốc ca mới được tiến hành rầm rộ, tuy nhiên cuối cùng Quốc hội vẫn giữ nguyên bài quốc ca cũ. Cũng có ý kiến nên viết lại lời quốc ca mới cho phù hợp với thời bình nhưng có lẽ vì không tìm được ca từ hay hơn nên đành giữ nguyên. Và mỗi khi quốc ca được cất lên, mỗi công dân Việt Nam đều thật sự xúc động, tự hào:

“Đoàn quân Việt Nam đi

Chung lòng cứu quốc,

Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...”

Quốc hội khóa XII trong phần tuyên thệ nhậm chức các chức danh chủ chốt như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đều có phần nhạc lễ cho nghi thức trang trọng này. Khi chọn bài hát cho phần nhạc lễ, bài hát Tiến bước dưới quân kỳ của nhạc sĩ Doãn Nho được lựa chọn đầu tiên. Chúng ta biết rằng bài hát này là một trong những bài hát truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam được sử dụng thường xuyên trong các buổi nghi lễ của Nhà nước hay Quân đội. Nay giai điệu hùng tráng này một lần nữa vang lên ở các buổi tuyên thệ ở Quốc hội chứng tỏ được sức sống của bài hát:

“Vừng đông đã hửng sáng

Núi non xanh ngàn trùng xa

Tổ quốc bao la hiền hòa tươi thắm

Bóng cờ vờn bay trên cao

Muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca

Trong sóng lúa lấp lánh sao bay trên quân kỳ…

Nghe rung núi đồi từng bước ta đi

Nhắc tới chiến công ngàn năm xưa

Nhìn cờ hồng bay rực rỡ

Gương bao anh hùng bừng cháy trong tim

Quên thân mình một niềm tin

Trong phong ba tô thắm tươi thêm màu cờ

Giữ vững hòa bình dựng xây tương lai

Chân trời mới sáng ngời quân ta đi”.

Cũng nói thêm, trong phần nhạc lễ tuyên thệ, giai điệu một ca khúc khác viết về người lính cũng được cất lên hùng hồn. Đó là bài Vì nhân dân quên mình của tác giả Doãn Quang Khải. Bài này được tác giả sáng tác vào năm 1951, nói lên nguồn gốc “từ nhân dân mà ra”, mục đích “vì nhân dân mà chiến đấu” của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ca ngợi quan hệ gắn bó giữa quân đội với nhân dân, sự tin yêu của nhân dân với quân đội. Bạn nào thường nghe các chương trình phát thanh và truyền hình của Quân đội thì đây là một nhạc hiệu quen thuộc:

“Vì nhân dân quên mình vì nhân dân hy sinh

Anh em ơi vì nhân dân quên mình

Đoàn vệ quốc chúng ta ở nhân dân mà ra

Được dân mến được dân tin muôn phần.

Thề vì dân suốt đời thề tranh đấu không ngừng

Vì đất nước thân yêu mà hy sinh

Thề diệt hết đế quốc kia giành tự do hòa bình

Đoàn vệ quốc quên mình vì nhân dân…”

Chỉ một câu “Vì nhân dân quên mình” là quá đủ cho một lời tuyên thệ. Theo tôi, phần nghi thức tuyên thệ các chức danh chủ chốt của Quốc hội khóa XII thành công một phần nhờ vào các giai điệu hào hùng của các bài hát kể trên.

Em vẫn đợi anh về

Tôi trải qua tuổi thanh niên trong những năm 1970 - 1980. Giai đoạn của những cuộc chiến tranh ác liệt ở biên giới Tây Nam và phía Bắc. Lần đầu tiên cảm nhận được trách nhiệm của công dân qua lời tổng động viên của Chủ tịch nước. Chưa bao giờ tôi cảm thấy gần gũi người lính như bấy giờ. Ra trường, học khóa sĩ quan dự bị với tâm thế sẵn sàng ra trận, tôi và các bạn cùng trang lứa không thể quên được những buổi tiễn đưa bạn bè lên đường nhập ngũ, đau xót khi nhận được tin buồn báo từ biên giới, dự đám tang của người vợ trẻ với đứa con còn nằm nôi và những năm tháng chờ đợi đằng đẵng…

“Năm tháng đội mưa rừng

Ngày đêm vùi sương núi

Em vẫn chờ vẫn đợi

Vẫn đợi anh về

Em vẫn đợi anh về

Như buồm căng đợi gió

Như trời xanh đợi chim

Như lòng em khát anh

Như đời khát hòa bình

Chờ phút giây bình yên

Đợi đạn bom ráo tạnh

Để được ngồi bên anh, để được ghen, để được hờn, để thương, để được giận, để thành chồng thành vợ, để cùng hôn con

Bình yên và chiến tranh

Mùa Xuân và bão tố

Ngày mai hay quá khứ mãi mãi là bên anh

Năm tháng đội mưa rừng

Ngày đêm vùi sương núi

Em vẫn chờ vẫn đợi

Vẫn đợi anh về

Em vẫn đợi anh về

Như buồm căng đợi gió

Như trời xanh đợi chim

Như lòng em khát anh

Như đời khát hòa bình

Bình yên và chiến tranh

Mùa Xuân và bão tố ngày mai hay quá khứ

Mãi mãi là bên anh…”

Bài hát Em vẫn đợi anh về (nhạc Hoàng Hiệp - thơ Lê Giang) hay và xúc động đến từng chữ. Một mơ ước rất bình thường “Để được ngồi bên anh, để được ghen, để được hờn, để thương, để được giận, để thành chồng thành vợ, để cùng hôn con” vậy mà phải chờ đợi, chờ đợi như là cơn khát.

Như lòng em khát anh

Như đời khát hòa bình

Nhưng có lẽ thành công của bài hát này nằm ở chỗ người nghe cảm nhận được sự chung thủy và niềm tin chiến thắng. Từ “vẫn” lặp đi lặp lại nhiều lần trong bài hát như muốn khẳng định:

Ngày mai hay quá khứ mãi mãi là bên anh…

Khúc hát “Mùa xuân”

Mùa Xuân sắp về, những ngày cuối tháng mười hai nhắc ta một kỷ niệm. Đó là kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chợt nhớ bài hát Mùa Xuân của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Bài này viết về tình cảm của người phụ nữ hậu phương dành cho người lính. Khi thưởng thức bài hát này, chữ “sẽ” được lặp lại nhiều lần ở đoạn kết như muốn tin tưởng rằng cuối cùng “anh sẽ về”.

“Điều đó rồi xảy ra, em biết và em biết

Một mai anh chiến thắng trở về

Đôi vai gầy và đôi mắt sâu

Tóc đã điểm bạc, làn da nay rạm màu sương gió

Bởi chiến tranh, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa

Và từ đấy em nhận ra anh

Không phải trong thơ không phải trong mơ

Em chồm dậy chạy đến, chạy đến rồi khóc

Anh người chiến sĩ và chiếc áo năm tháng dãi dầu

Anh người chiến sĩ và chiếc áo mưa nắng bạc màu

Đôi tay bâng khuâng nâng cành hoa tím

Và anh nói tặng em mùa Xuân

Ngày ấy sẽ đến

Ôi ngày ấy sẽ đến, anh sẽ về, sẽ về phải không anh?

Anh sẽ về, sẽ về phải không anh?”

Câu cuối cùng của bài hát là một câu hỏi “Anh sẽ về, sẽ về phải không anh?” lại là một ca từ buồn. Cũng có thể để “tặng em mùa Xuân” hòa bình như chúng ta cảm nhận bây giờ, người lính kia đã vĩnh viễn dừng lại ở tuổi đôi mươi trên chiến trường năm nào. Đúng là “bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”. Một xúc động lớn trong tôi khi nghe bài hát này.

Các bạn có thể chọn những bài hát vượt thời gian dành cho người lính của riêng mình. Có thể giống ý tôi, cũng có thể khác. Điều này cũng dễ giải thích, bởi sự cảm nhận, hiểu biết của tôi vẫn bị hạn chế trong không gian, thời gian nhất định, còn sự chiến đấu gian khổ, hy sinh anh dũng của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành bất tử.

Tháng 12-2016

Nguyễn Võ Khang Hạ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN