Những “nụ hoa” chớm nở trong “vườn khởi nghiệp”

09/04/2018 - 07:06

BDK - Đến nay, sau 2 năm thực hiện chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, những “nụ hoa chớm nở” trong “vườn khởi nghiệp” đã xuất hiện. Thành quả bước đầu đang tạo niềm tin, động lực mạnh mẽ cho tỉnh tiếp tục ươm mầm, chăm sóc, tạo môi trường thuận lợi cho “vườn khởi nghiệp” tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Nhiều sản phẩm khởi nghiệp thu hút sự quan tâm cộng đồng và được tạo điều kiện phát triển, xây dựng thương hiệu. Ảnh: Cẩm Trúc

Nhiều sản phẩm khởi nghiệp thu hút sự quan tâm cộng đồng và được tạo điều kiện phát triển, xây dựng thương hiệu. Ảnh: Cẩm Trúc

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp (KN) tỉnh, tình hình tiếp nhận và hỗ trợ dự án/ý tưởng KN 2 năm qua liên tiếp tăng và sôi động hẳn lên. Năm 2016 là 103 dự án/ý tưởng, năm 2017 là 169 dự án/ý tưởng, trong quý I-2018 là 42 dự án/ý tưởng. Kết quả số doanh nghiệp (DN) thành lập mới năm 2016 là 358, năm 2017 là 522, trong quý I-2018 đã thành lập mới 107 DN (dự kiến năm 2018 là 700). Trong đó, DN khởi nghiệp sáng tạo từ 3 DN năm 2016 tăng lên 64 năm 2017 và trong quý I-2018 là 15, dự kiến đạt số lượng 127 trong năm 2018.

Những dự án tròn 2 tuổi

“Khí thế KN trong tỉnh đã nóng lên nhiều”, anh Trần Phúc Hậu - Dự án sản xuất bột bã mía vi sinh - thức ăn nuôi tôm (Bình Đại) cảm nhận. Anh Hậu chia sẻ: Sau 2 năm tham gia KN, tôi thấy DN của mình phát triển hơn. Một phần nhờ vào phong trào, thương hiệu sản phẩm được quảng bá rộng hơn. DN được kết nối nhiều nguồn lực tài chính cũng như được tiếp xúc, gặp gỡ chuyên gia tư vấn, nâng cao khả năng quản lý DN. Qua đó, bản thân có cái nhìn đúng đắn hơn về khái niệm kinh doanh, KN. “Mình nghĩ rằng, KN không đơn thuần là kinh doanh để kiếm lợi nhuận mà phải nghĩ tới việc tạo dựng được sự nghiệp cho bản thân, phải làm điều gì đó thật sự khác biệt, tạo được giá trị cho xã hội. Khi đã suy nghĩ khác thì hướng đi hành động sẽ khác”, anh Hậu bộc bạch.

Trong thời gian qua, bản thân anh Hậu được tạo điều kiện kết nối với nhiều quỹ đầu tư. Hiện anh đã xây dựng nhà xưởng, đang đầu tư thêm nhiều trang thiết bị khác với mong muốn tiếp tục được kết nối DN có tầm để hỗ trợ kỹ thuật, nâng tầm sản phẩm. Ngoài ra, anh được hướng dẫn của các trung tâm ươm mầm KN về việc cần thiết đăng ký bảo hộ sáng kiến cho sản phẩm. Khi có vốn rót về, DN sẽ đầu tư bài bản các khâu sản xuất và bảo hộ sản phẩm.

Hay với anh Huỳnh Văn Cường - Công ty TNHH thực mỹ phẩm Ngọc Thư (Mỏ Cày Bắc), sau khi tham gia chương trình được 2 năm, anh đã quyết định thành lập công ty vào đầu năm 2018 để tiếp tục chiến lược phát triển mỹ phẩm từ dừa theo tiêu chuẩn ASEAN. Anh cho biết, sản phẩm được phát triển từ năm 2011 nhưng chỉ tập trung vào sản xuất dầu dừa. Năm 2015, anh phát triển nhiều sản phẩm mới, nâng cao giá trị từ dừa. Năm 2016, anh được xã đoàn quan tâm, giới thiệu tham gia chương trình Đồng khởi KN. Từ đây, anh được hỗ trợ tư vấn, tham gia các khóa học quản lý DN do Trung tâm Xúc tiến đầu tư và KN tổ chức. Sản phẩm của anh được tham gia quảng bá, giới thiệu miễn phí tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh…

Dự án nhang sinh học Thiên Phúc đã cho ra sản phẩm cụ thể gia nhập thị trường. Ảnh: C.Trúc

Dự án nhang sinh học Thiên Phúc đã cho ra sản phẩm cụ thể gia nhập thị trường. Ảnh: C.Trúc

Dự án nhang sinh học Thiên Phúc của cô giáo Ngô Song Đào là một dự án KN được phát triển từ một đề tài nghiên cứu khoa học trong trường học, phục vụ cho công tác giảng dạy. Đề tài nghiên cứu sản xuất nhang đốt xua muỗi hoàn toàn bằng các loại thực vật có trồng tại địa phương. Đây là đề tài đặc biệt trong hàng loạt các đề tài khác được thực hiện trong lúc tỉnh đang khơi dậy tinh thần KN với khí thế sôi nổi rộng khắp nên đã thuận lợi phát triển thành dự án và thành lập DN.

“Với sự quan tâm xuyên suốt của Hội đồng Tư vấn KN và phát triển DN, đến nay, sản phẩm nhang sinh học Thiên Phúc đã hoàn thành các điều kiện đưa ra thị trường. Sản phẩm đã có mặt tại cửa hàng Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao thuộc Sở Khoa học và Công nghệ và nhiều cửa hàng khác trong và ngoài tỉnh”, cô Ngô Song Đào cho hay.

Cần kỹ năng đàm phán, hút vốn cho DN

Hầu hết dự án KN sáng tạo đang gặp rất nhiều thuận lợi trong năm thứ 2, là được tạo điều kiện tham gia các chương trình gặp gỡ, kết nối với nhà đầu tư bên cạnh sự hỗ trợ từ các nguồn quỹ KN. Điều này giúp DN KN còn khó khăn về vốn sẽ được tiếp cận các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển sản phẩm theo hướng thành lập DN cổ đông. Tuy nhiên, đây là thời điểm DN cần được hỗ trợ tư vấn kỹ năng đàm phán, bài toán nhận vốn và chia sẻ rủi ro cũng như để có những lợi ích hài hòa, hợp lý cho các bên tham gia.

“Có một phần là DN chưa tự nâng cao năng lực về quản lý tài chính, kiến thức về thương lượng đàm phán vốn với nhà đầu tư nên chưa dám đề nghị đầu tư. Về phát triển sản phẩm, do giới hạn về khả năng tài chính, quản lý nên chậm bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm”, anh Hậu cho hay. Khi đã có dự án rồi thì cần được nhanh chóng kết nối nhà đầu tư, kỹ thuật công nghệ… Trong đó, người KN cần trang bị kiến thức mời gọi gốn và các điều khoản nhận vốn như thế nào.

Đây cũng là vấn đề quan tâm và cần tư vấn của anh Huỳnh Văn Cường. Anh cho hay, DN muốn xây dựng thêm 1 khu vực sản xuất (gần xưởng hiện tại), hướng tới xây dựng chuẩn GMP của ASEAN. Đây là tiêu chuẩn đòi hỏi cao, kinh phí xây dựng nhà xưởng khoảng 2 tỷ đồng. Tin vui là một số nhà đầu tư cũng tự tìm đến anh để góp vốn đầu tư nhà xưởng cho DN. Tuy nhiên, vấn đề là nhận vốn, các điều khoản thế nào thì bản thân anh chưa có kinh nghiệm, kiến thức liên quan.

Việc huy động nguồn lực của xã hội hay kỹ thuật, công nghệ từ nhiều đối tác bên ngoài sẽ giúp DN KN được tiếp thêm sức mạnh để phát triển, chia sẻ, giảm bớt rủi ro trong giai đoạn đầu KN. Trước ngỏ ý đầu tư, góp vốn của nhà đầu tư trong năm thứ 2, thứ 3, DN KN trên địa bàn tỉnh đang e ngại về các điều khoản thỏa thuận, ràng buộc từ đôi bên. Nếu được tư vấn, định hướng đúng đắn, tin rằng, các dự án, DN KN sẽ nhanh chóng vươn xa từ các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

Theo kinh nghiệm từ các chuyên gia, DN thành đạt, mỗi dự án KN phải đến năm thứ 5 mới chứng minh được sự thành công trong KN. Như vậy, 5 năm đầu là khoảng thời gian mà các DN KN phải chấp nhận đương đầu với khó khăn, thử thách, thậm chí là vấp ngã. DN nào có sức chịu đựng và có thể đứng lên, tức có phương án phục hồi sau khi thất bại thì mới có thể bước qua năm thứ 5.

Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN