Những bài thơ của ngày mới

17/07/2013 - 10:17

Bằng ngôn từ mộc mạc và thuần phác, nhà thơ đã khắc họa được nét đổi thay của quê hương, con người và cảnh vật như được thổi vào sức sống trẻ trung. Không chỉ ở Ngã ba Kinh, mà mọi thứ đều chuyển mình, trở nên tươi mới đến diệu kỳ.

“Ai đặt quê em là Ngã ba Kinh mới

Cho lòng anh chưa đến đã xôn xao

Đã thấy lăn tăn bọt sóng trắng trào

Nghe trong gió có mùi thơm của nước”

Đó là đoạn mở đầu bài Ngã ba Kinh mới  trong Những đứa con của tình yêu* của nhà thơ Hà Thanh Niên - người vừa nhận giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre đợt 2 lần thứ nhất, 7-2013. Với nhịp điệu đầm ấm và dạt dào tình cảm, những câu thơ làm sống lại ký ức, đưa người đọc về thăm lại nơi ngã ba kinh “tự bao đời mơ ước” sau ngày thống nhất đất nước. Đây là thời kỳ dân tộc ta phải đối mặt vô vàn khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng nhờ âm vang niềm vui chiến thắng đã giục giã bao lớp người cùng bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy lùi nghèo nàn lạc hậu.

Đồng vẫn vang tiếng cuốc cày muôn thuở

Mà âm thanh như đã khác xưa nhiều

Những người chị đôi bờ kinh gánh thóc

Nghe nước chảy dưới chân mình thêm mến thêm yêu...

Kinh mới quê em đã nói bao điều

Cả nước một lòng vì củ khoai, hạt thóc

Nên quê em đâu quản gì khó nhọc

Cho cánh đồng mùa gặt nối theo nhau

      (Ngã ba Kinh mới)

Bằng ngôn từ mộc mạc và thuần phác, nhà thơ đã khắc họa được nét đổi thay của quê hương, con người và cảnh vật như được thổi vào sức sống trẻ trung. Không chỉ ở Ngã ba Kinh, mà mọi thứ đều chuyển mình, trở nên tươi mới đến diệu kỳ. Từ:

“Con cá đớp sao dưới ao nhỏ mới đào

Giồng cát mịn gọi vụ màu mới nữa

Cây chuyển nhựa lên cành cho mầm non mới nhú

Da thịt đã lành trên mỗi vết thương...”

 (Tuần tra trong đêm)

Đến những ngôi trường mái lá mới dựng lên và con đường quê hương phải qua mấy hố bom vừa được đắp lại:

“Có bàn mới cho bé ngồi học...

Cô giáo có nhà mới dựng bên sông

Người ta nói ngày xưa cô là du kích

Mũi súng đã bao lần diệt địch

Mà sao nay giọng nói rất hiền”

  (Đến trường)

Những hình ảnh quá đỗi giản dị, gần gũi thân thương ai cũng có thể tình cờ bắt gặp đâu đó nhưng không dễ diễn tả thành lời. Phải là người cảm nhận tinh tế, nếm trải gian lao thử thách, thấm thía được nỗi đau thương mất mát mà xứ sở đã hứng chịu sau bao ngày lửa khói đạn bom, mến đất yêu người đến mức độ nào thì mới biết quí trọng từng phút giây thanh bình của buổi đầu xây đời mới. Trong không khí lao động hăng say, rộn ràng “tiếng cười hòa tiếng hát”, mọi người lại có dịp cùng nhau ôn lại kỷ niệm hào hùng của “mười lăm năm đánh Mỹ” và “hai năm vừa dựng xây”. Bóng hình của người mẹ tảo tần, kiên trung theo về khiến ta xúc động và khâm phục:

Dẫu thời gian đi qua

Vẫn chưa phai bóng mẹ

Những đêm trăng lặng lẽ…

Gà chẳng gáy đầu thôn

Bởi làng bên bót giặc

Chỉ vầng trăng trong vắt

Thức cùng mẹ đêm đêm

Cho nắm mạ được chuyền

Theo tay người thoăn thoắt…

Những đoàn quân trăm miền

Về đây ăn gạo mẹ…

 (Cấy đêm)

Mạch cảm xúc hồn hậu, lạc quan dường như luôn chảy xuyên suốt trong tâm hồn nhà thơ để nối liền quá khứ và hiện tại, mạnh mẽ vượt qua bao thác ghềnh cuộc sống, hòa nhịp bước chân “băng tới khoảng trời xa”, thấy “hạnh phúc nở từ trong đau khổ”, “thấy làng xóm chuyển mình vào ngày mới dựng xây”, “thấy thêm yêu những mái lá ngôi nhà”. Để dù có đi nơi đâu thì cảnh vật đã từng gắn bó vẫn mãi sống động trong tim, nên một câu hát thôi cũng đủ sức đưa “con chim vỗ cánh bay xa” về với quê nhà:

Nơi có những rặng dừa reo trong gió

Nơi có những hàng dừa nghiêng bóng đỗ

Nơi còn lại yêu thương sau bao năm tháng đi qua

Với 8 bài thơ trong “Những đứa con của tình yêu”, tuy có vẻ khiêm tốn nhưng đã mang đến một phong vị độc đáo, được “viết tặng người ra đi”, là “điệp khúc rền vang rung sông núi phố phường”, hóa thân thành dòng sông chảy giữa đôi bờ thương nhớ và “chảy qua mỗi cuộc đời mình” để “thêm sức mạnh làm bao trận thác”. Vốn dĩ thơ hay không câu nệ ở dài ngắn hay câu chữ ít nhiều, mà ở cái tình người cầm bút gửi gắm, sẻ chia và nhận được sự đồng cảm của bạn đọc. Những bài thơ trong “Những đứa con của tình yêu” của nhà thơ Hà Thanh Niên đã làm được điều đó.

Trên chặng đường mấy mươi năm xây dựng và phát triển quê hương, khoảng thời gian mười năm đầu sau ngày giải phóng thật ý nghĩa, đầy ắp bao dấu ấn khó phôi phai. Thì chừng ấy bài thơ được chọn lọc in trong tuyển tập sau ba mươi năm cho thấy có một sự lắng đọng sâu sắc, bởi đã trải nghiệm qua những ngọt bùi và nỗi thăng trầm của thời cuộc. Giữa bộn bề lo toan vất vả, vậy mà câu thơ cất lên thật trong trẻo, xanh vợi. Đến hôm nay vẫn còn nghe vang âm hưởng yêu đời, khát vọng vươn cao, hướng về một ngày mới sáng bừng ấm no, hạnh phúc.

Hạ - 2013

PHONG HÂN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN