Các cơ sở nuôi cá chưa đảm bảo quy trình xử lý chất thải
Kết quả khảo sát thực tế của Đoàn Giám sát HĐND tỉnh, trong quý I-2012, tại các cơ sở nuôi cá da trơn ở 3 huyện: Châu Thành, Giồng Trôm và Ba Tri cho thấy, hầu hết các cơ sở đều không có cam kết bảo vệ môi trường theo quy định, không tuân thủ đúng quy trình xả thải từ ao hồ nuôi cá da trơn ra sông. Chính việc làm này đã làm ô nhiễm môi trường nước, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, gây bức xúc đối với người dân.
Ở xã Tiên Long (Châu Thành) - thượng nguồn sông Ba Lai, tại khu vực I của Trại nuôi cá Tiên Thạnh, thuộc Công ty Cổ phần Hùng Vương, chúng tôi bắt gặp hai chiếc máy bơm đang hoạt động hết công suất để đưa nước thải sau vụ cá trực tiếp ra sông. Và đây chắc hẳn không phải là lần đầu tiên cơ sở này xả thải như thế, bởi trại nuôi không có ao lắng lọc, ao xử lý nước thải cũng như ao chứa bùn. Khu vực I của Trại nuôi cá Tiên Thạnh có diện tích 8ha, gồm 10 ao nuôi. Nếu xả chất thải trực tiếp ra sông trong thời gian dài sẽ gây hậu quả lớn cho môi trường nước.
Mặt khác, tuy một số trại nuôi cá có thiết kế tuân thủ đầy đủ theo quy định về bảo vệ môi trường, nhưng khi đưa vào hoạt động lại không đảm bảo các bước xử lý chất thải, hoặc thực hiện chỉ mang tính chất “minh họa”. Trại nuôi cá Cồn Tiên Long, thuộc Công ty Cổ phần thủy sản Hải Hương (xã Tiên Long - Châu Thành) là ví dụ điển hình. Trại có diện tích 22,87ha, trong đó bao gồm ao nuôi cá, ao chứa bùn, mương dẫn nước từ sông vào và xả nước thải từ ao nuôi ra sông. Tuy nhiên, qua thực tế, chủ Trại nuôi cá Cồn Tiên Long lại không thực hiện đúng theo quy trình, tận dụng ao xử lý nước thải để nuôi cá; ao chứa bùn lại quá nhỏ không đủ công suất để chứa toàn bộ khối lượng bùn trong khu nuôi; đồng thời công ty cũng chưa thực hiện báo cáo giám sát môi trường định kỳ.
Khảo sát tại Trại nuôi cá tra Ba Tri - Bến Tre, thuộc Công ty Chế biến thủy hải sản Ngọc Hà (xã Tân Xuân - Ba Tri), tình hình có phần tốt hơn, thực hiện đúng quy trình xử lý và xả thải, nhưng chất lượng chưa đảm bảo. Trại nuôi cá có diện tích 20ha, bao gồm diện tích nuôi và ao xử lý nước thải. Theo quy trình, nước thải sau khi kết thúc vụ nuôi được dẫn vào ao xử lý nước thải. Tại đây, nước lưu lại từ 3 đến 4 ngày sau đó xả ra bên ngoài cống đập Ba Lai. Chất thải từ cá và thức ăn dư thừa sẽ được bơm vào ao chứa bùn. Tuy nhiên, nước thải sau khi xử lý vẫn chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Theo ước tính của người nuôi cá, để có 1kg cá nguyên liệu thì người nuôi phải tiêu tốn 5kg thức ăn. Với tỷ lệ này, cứ mỗi 1kg cá nguyên liệu thì người nuôi thải ra môi trường 4kg chất thải của cá, cả phần thức ăn dư thừa, vào ao nuôi và được thải ra môi trường nước xung quanh. Như vậy, hàng năm, các cơ sở thu hoạch hàng ngàn tấn cá thì khối lượng chất thải được xả ra môi trường nước là rất lớn.
Giám sát cơ sở nuôi cá da trơn tại huyện Giồng Trôm. Ảnh: QH
Công tác quản lý của địa phương còn nhiều bất cập
Theo số liệu báo cáo của các huyện: Châu Thành, Giồng Trôm và Ba Tri, hiện có hàng trăm hecta nuôi cá da trơn dọc theo tuyến sông Ba Lai, Hàm Luông. Song, việc quản lý và xử lý các cơ sở nuôi cá của chính quyền địa phương nhằm đảm bảo môi trường nước vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể là khu vực I của Trại nuôi cá Tiên Thạnh đi vào hoạt động đã lâu và không đảm bảo các yếu tố về bảo vệ môi trường nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý, để trình trạng xã thải trực tiếp ra sông kéo dài.
Theo lý giải của lãnh đạo chính quyền địa phương, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là thiếu cán bộ phụ trách môi trường ở cơ sở, hoặc cán bộ còn hạn chế về chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tế. Ngoài ra, đoàn kiểm tra của huyện do là đoàn liên ngành, các thành viên phải đảm trách công việc chuyên môn tại cơ quan nên gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp thời gian, một số thành viên không tham gia đầy đủ khi tiến hành các cuộc kiểm tra tại cơ sở…
Ông Dương Minh Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm, thừa nhận: Thực trạng phổ biến trên địa bàn huyện là đội ngũ làm công tác bảo vệ môi trường tại các xã chưa được bố trí đầy đủ. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát về môi trường tại các cơ sở nuôi cá da trơn tuy được ngành chức năng quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao. Từ đó dẫn đến tình trạng bơm bùn, nước thải xả ra môi trường từ các cơ sở nuôi vẫn còn xảy ra.
Trao đổi về việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường đối với nuôi cá da trơn, Th.s Đoàn Văn Phúc - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Trước tiên cần xác định trình độ chuyên môn của cán bộ môi trường là yếu tố quan trọng. Để thực hiện được điều này, Chi cục sẽ tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu, theo nhu cầu của từng địa phương. Mỗi năm, UBND các cấp nên xây dựng kế hoạch và chương trình bảo vệ môi trường cũng như có quy hoạch trong việc nuôi cá da trơn. Địa phương cũng cần phân định rõ dự án nuôi cá da trơn nào thuộc quyền quản lý của mình và của tỉnh, từ đó chủ động trong việc quản lý, giám sát và xử lý. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông về Luật Bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức của các doanh nghiệp; cũng như trang bị kiến thức về môi trường cho người dân hiểu và giúp chính quyền địa phương sớm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các chủ cơ sở nuôi cá về bảo vệ môi trường.