Những chặng đường lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam

25/12/2009 - 09:19

* Chiến thắng Bình Giã (12-1964 đến 1965)

Một đơn vị Quân giải phóng tham gia chiến đấu tại Bình Giã (Bà Rịa - Vũng Tàu), tháng 12-1964. Chiến thắng Bình Giã có ý nghĩa đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội chủ lực ta và báo hiệu thất bại của các biện pháp chiến thuật "Trực thăng vận" và "Thiết xa vận" của Mỹ - ngụy trong "Chiến tranh đặc biệt".

* Chiến thắng Vạn Tường (18-8-1965)

Sáng 18-8-1965, Mỹ ngụy mở cuộc hành quân "Ánh sao sáng" nhằm vào thôn Vạn Tường (Quảng Ngãi) với ý đồ diệt một đơn vị chủ lực ta, gây uy thế cho lính thủy đánh bộ Mỹ. Cuộc hành quân "Tìm diệt" quy mô lớn của quân viễn chinh Mỹ bị đánh bại.

* Chiến dịch Plây-me (19-10 đến 26-11-1965):

Từ 19-10 đến 16-11-1965, bộ đội ta tấn công cứ điểm Plây-Me, buộc quân địch ra ứng cứu. Ta đánh quân tiếp viện địch ở thung lũng I-a-đơ-răng, buộc quân Mỹ phải vào ứng cứu. Quân ta tập kích đánh phủ đầu diệt quân Mỹ. Sư đoàn kỵ binh bay số 1 Mỹ cơ động bằng máy bay lên thẳng lần đầu tiên xuất hiện ở miền Nam đã bị đánh bại.

* Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (30-1 đến 31-3-1968)

Ngày 30 và 31-1-1968, quân và dân miền Nam mở cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy đồng loạt ở 64 thành phố, thị xã, đánh vào sào huyệt cơ quan đầu não của địch, tấn công hàng loạt căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng, kho tàng và hệ thống giao thông của chúng. Ở Sài Gòn - Gia Định, ta tiến công nhiều mục tiêu quan trọng: tòa đại sứ Mỹ, dinh Tổng thống ngụy, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Tổng nha cảnh sát, Đài phát thanh… Ở Huế, ta đánh chiếm 39 mục tiêu quan trọng, làm chủ hầu hết thành phố và chốt giữ 25 ngày đêm, thành lập chính quyền cách mạng.

Phối hợp với mũi tiến công quân sự, nhân dân nhiều vùng nông thôn và đô thị đã nổi dậy diệt ác trừ gian, giải tán dân vệ, phá vỡ hàng rào "ấp chiến lược", giành quyền làm chủ. Đây là đòn quyết định làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược của chúng, buộc chúng phải "xuống thang chiến tranh", tạo ra bước ngoặt mở đầu thời kỳ đi xuống về chiến lược của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

* Chiến thắng Bầu Bàng - Dầu Tiếng (11-1965)

Chiến thắng Bầu Bàng - Dầu Tiếng củng cố niềm tin đánh thắng Mỹ, mở ra phong trào "Tìm Mỹ mà diệt, nắm thắt lưng Mỹ mà đánh" trong các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.

* Chiến dịch đường 9 Nam Lào (30-1 đến 23-3-1971)

Dự tính năm 1971 Mỹ Ngụy sẽ mở 3 cuộc hành quân lớn mang tên "Lam Sơn 719" đánh lên khu vực Đường 9 - Nam Lào. Ngay từ đầu, địch đã bị ta chận đánh, ở đâu chúng cũng bị đánh. Lực lượng tại chỗ của ta phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Pa Thet Lào đã liên tiếp tấn công địch. Sau hơn 1 tháng chiến đấu, trong đó có nhiều trận đánh ác liệt giữa chủ lực ta với chủ lực cơ động ngụy ở Bắc Đường 9. Đầu tháng 3-1971, bộ đội ta chuyển sang tiến công trên toàn mặt trận, bao vây, truy kích tập đoàn quân địch ở Bản Đông, tiêu diệt nhiều quân địch.

* 17 cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam năm 1972

Ngày 30-3-1972, bộ đội ta bắt đầu mở cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường Trị Thiên, miền Đông Nam bộ, Tây nguyên, Đồng bằng khu 5 và Nam bộ. Kết quả, ta giải phóng toàn tỉnh Quảng Trị, phần lớn tỉnh Kon - Tum, bắc Bình Định, một khu vực rộng lớn các tỉnh Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long và khu 5, giải phóng và giành quyền làm chủ hơn 1 triệu dân.

* Quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của đế quốc Mỹ (6-4-1972 đến 15-1-1973)

Ngày 6-4-1972, đế quốc Mỹ huy động lực lượng lớn không quân và hải quân mở cuộc chiến tranh đánh phá trở lại miền Bắc với quy mô lớn, ác liệt hơn lần trước. Ngày 9-5, chúng tiến hành phong tỏa các cảng và các vùng biển miền Bắc, đánh phá các cơ sở kinh tế và quốc phòng của ta. Trước tình hình đó, quân và dân miền Bắc đã nhanh chóng chuyển mọi hoạt động vào thời chiến với tinh thần chiến đấu dũng cảm và cách đánh mưu trí tài giỏi. Cay cú trước những thất bại nặng nề, đêm 18-12-1972, đế quốc Mỹ liều lĩnh mở cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn nhất, mang tên "Chiến dịch lai-nơ bếch-cơ li" vào miền Bắc. Chúng tập trung một số lượng lớn máy bay, chủ yếu là B52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và một số khu vực khác trên miền Bắc. Một lần nữa, quân dân miền Bắc anh dũng chiến đấu, trừng trị đích đáng không quân Mỹ, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của địch ở Hà Nội, Hải Phòng.

* Đại thắng mùa xuân năm 1975

Ngày 4-3-1975, bộ đội ta mở chiến dịch Tây nguyên. Sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh chiến dịch, ngày 10 và 11-3, quân ta tiến công bằng sức mạnh binh chủng hợp thành, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Phát huy thắng lợi, ngày 21-3-1975 ta mở chiến dịch tiến công Huế - Đà Nẵng. Từ ngày 21 đến 26-3, ta tiến công chia cắt Huế-Đà Nẵng. Sau bốn ngày chiến đấu, ta giải phóng Thừa Thiên - Huế, tiếp đó giải phóng tỉnh Quảng Ngãi (25-3). Từ 27 đến 29, ta phát triển tiến công giải phóng Đà Nẵng. Phối hợp với chiến dịch Huế - Đà Nẵng, từ Tây nguyên, bộ đội ta tiến xuống hỗ trợ lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương giải phóng các tỉnh Bình Định (ngày 1-4), Phú Yên (ngày 1-4) và Khánh Hòa (ngày 3-4).

Trên cơ sở những thắng lợi có ý nghĩa quyết định, ngày 4-4-1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng hoàn toàn Sài Gòn và miền Nam Việt Nam. Ngày 26-4, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công mạnh và đồng loạt vào các mục tiêu, phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch.

11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ Tổ quốc tung bay trước Tòa nhà chính của Dinh Độc Lập. Miền Nam hoàn toàn được giải phóng.

PY (Theo Quân sử Việt Nam)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN