|
Cậu học trò khiếm thị này đang cố gắng hoàn thành bài kiểm tra của mình dù khá vất vả. Ảnh: A.N |
Hơn 190 gương mặt là ngần ấy những hoàn cảnh khác nhau, mỗi người mang một khiếm khuyết trên cơ thể: khiếm thị, khiếm thính, bại liệt hoặc chậm phát triển trí tuệ - các em học sinh Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật (NDTKT) tỉnh vẫn đang từng ngày lớn lên trong suối nguồn yêu thương của các thầy, cô giáo.
Trường NDTKT hiện có 37 giáo viên - công nhân viên đảm nhiệm giảng dạy và chăm sóc hơn 190 em học sinh của 23 lớp (từ lớp 1 đến lớp 12), các em đến từ khắp nơi trong tỉnh. Bậc học đông nhất là tiểu học (chiếm 17 lớp), còn lại là THCS và THPT. Phần lớn các em đều ở nội trú tại trường (có khoảng 160 em), một số em ở tại TP Bến Tre và các huyện lân cận thì được gia đình đưa đón. Hiệu trưởng Trần Chí Thắng cho biết: “Trường có hai chức năng chính: nuôi và dạy các em khuyết tật theo chương trình học phổ thông. Giáo viên của trường đều có chuyên môn đáp ứng được yêu cầu (học qua ngành tật học). Đặc biệt, thầy cô ở đây còn có tấm lòng thương yêu học sinh, vì các em là học sinh khuyết tật, rất dễ mặc cảm và có nhiều khó khăn trong quá trình học tập. Hiện nay, cơ sở vật chất của trường còn hạn chế, trang thiết bị xuống cấp, sân chơi hẹp, nhà trường chỉ có thể sửa chữa nhỏ, nhưng đáng mừng là trường đang được cấp trên lập kế hoạch cho xây dựng trường mới”.
“Khi lên lớp, đòi hỏi mình phải chịu khó, nhất là các lớp cuối cấp, phải thi theo chương trình phổ thông trong khi khả năng tiếp thu của các em khuyết tật thì chậm, do đó mình phải làm mọi cách để các em nhớ lâu và nắm được kiến thức, cả giáo viên lẫn học sinh đều phải cố gắng, nỗ lực nhiều lắm” - Cô Võ Thị Tám đã có 6 năm giảng dạy tại trường, bộc bạch. Vòng quanh các lớp học và quan sát một tiết kiểm tra (khối THCS), chúng tôi thấy lòng mình miên man nhiều cảm xúc. Lớp học có 6 em, tất cả đang hý hoáy viết. Phía bên trái, một cậu học sinh khiếm thị đang dò dẫm từng ngón tay vào hàng chữ nổi để đọc lại câu trả lời của mình trong bài kiểm tra môn Sinh học, trán cậu lấm tấm mồ hôi. Người bạn ngồi cạnh bên là một nữ sinh có gương mặt khá xinh xắn, trên đầu cài một chiếc kẹp hình hoa mai, tôi được biết, em không chỉ im lặng trong tiết kiểm tra mà từ lúc sinh ra đến giờ, em vẫn chưa nói một lời nào. Tìm đến một góc sân trường, nơi có tiết sinh hoạt ngoại khóa, chúng tôi bắt gặp một bức tranh thật đẹp về tình bạn. Bỏ bên lề những mặc cảm về khiếm khuyết của mình, các em nắm tay nhau thành hình tròn theo sự hướng dẫn trò chơi của cô giáo, ở giữa là một bạn nam cổ mang khăn quàng đỏ đang ngồi trên chiếc xe lăn cười thật tươi, bạn nam ấy được các bạn chọn làm “trọng tài” để bắt người chơi sai trong trò chơi. Một bạn gái “bị bắt” trong trò chơi - cười tươi, hớn hở bước ra và “nói” bằng các cử chỉ với “trọng tài”, đại ý là “để tôi phụ giúp bạn bắt nhé”. Thế là cả nhóm cùng cười rôm rả… Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Đào chia sẻ: “Mỗi lớp tuy ít học sinh, nhưng có nhiều dạng tật khác nhau nên thầy cô phải có chế độ chăm sóc khác nhau. Thậm chí là một bài, thầy cô phải tính toán soạn giảng cho từng đối tượng khác nhau sao cho phù hợp nên có thể nói là khó hơn, vất vả nhiều hơn so với giáo viên ở các trường phổ thông khác. Dù vậy, ở đây, ai cũng rất yêu nghề”. Những dòng tin nhắn của học trò đã ra trường, trưởng thành gửi về cho cô Đào trong ngày 20-11, cô xem đó là một món quà nhiều ý nghĩa và đã lưu giữ mãi đến tận bây giờ.
Gần gũi, gắn bó, cùng chơi, cùng học và luôn là người bạn kề bên để chia sẻ những vui buồn với các em, những thầy cô giáo Trường NDTKT vẫn đang từng ngày thầm lặng nâng bước các em học sinh kém may mắn từng ngày lớn lên. Cô Hoài Phương - giáo viên dạy nhạc đã nói: “Chúng tôi thật sự luôn muốn đem đến cho các em niềm vui, được học hành như bao bạn bè trang lứa khác”. Vâng, những thầy cô giáo nơi đây là những con đò đã chở nặng tình thương cho bao thế hệ học trò khuyết tật để các em được thắp lên niềm tin vượt qua mặc cảm, vượt qua những trở ngại để bước vào cuộc sống.