Những cựu chiến binh tiên phong

23/04/2013 - 16:09
Ba trái mít này đến thu hoạch bán được hơn 500 ngàn đồng.

Một ngày đầu tháng 4-2013, tôi đến xã Châu Hưng (Bình Đại), được nghe và tận mắt chứng kiến những tấm gương sáng của người lính Cụ Hồ. Họ là những hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) thời bình đã tiên phong phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng của vùng đất và đã tạo được sự lan tỏa đến đông đảo hộ dân trong xã.

Người tiên phong trong trồng xen là ông Nguyễn Văn Quyết - Chủ tịch Hội CCB xã. Ông Quyết nhớ lại: Năm 2009, ông đến xã Tân Phú (Châu Thành) mua 450 cây mít giống siêu sớm, giá 4.000 đồng/cây, đem về trồng xen trong vườn cây ăn trái của gia đình. Đúng 10 tháng sau, mít trồng cho trái chiếng. Cứ thế, cây trồng cho trái suốt cả năm. Mỗi trái mít siêu sớm cân nặng từ 7-12kg. Hiện 1,2ha đất trồng bưởi da xanh, dừa đều được ông Quyết trồng xen mít siêu sớm. Một tuần lễ là thương lái đến tận vườn thu mua, giá bán trung bình 10.000 đồng/kg, cao điểm giá bán từ 12.000-13.000 đồng/kg. Năm 2012, mít siêu sớm trồng xen bán được 150 triệu đồng, vượt qua thu nhập của cây trồng chính.

Vợ của hội viên CCB Nguyễn Văn Sóc bộc bạch: Cách đây hai hôm, mít trồng ngoài vườn thu hoạch được 4 trái, con trai của chị chở xuống xã lân cận trực tiếp bán được giá 14.000 đồng/kg. Mỗi trái mít nặng 17kg, thành tiền 238 ngàn đồng. Trước đây, 2 công đất của gia đình trồng lúa rồi chuyển sang trồng rau màu. Năm 2010, với số tiền dành dụm được cộng với Hội CCB cho mượn, gia đình mua được 60 cây mít giống siêu sớm. Cây trồng 10 tháng cho trái, chị trả tiền mượn mua cây giống cho Hội CCB xã. Mỗi năm, mít siêu sớm cho trái rộ 2 lần vào tháng 4 và tháng 9 âm lịch. Mỗi lần thu hoạch được hơn 2 tấn trái. Sau 2 đợt cho trái rộ, cây trồng vẫn cho trái suốt năm. Mỗi tuần thu hoạch từ 4-6 trái, trái nhỏ nhất cũng không dưới 7kg, trái lớn nhất lên đến 17-18kg. Giá bán chưa lúc nào dưới 10.000 đồng/kg. Diện tích mặt nước mương vườn được chị Sóc trồng rau nhút, trung bình mỗi tuần bán từ 500.000-600.000 đồng. Chị Sóc nói: Từ khi chuyển sang trồng mít giống siêu sớm, thu nhập tăng lên, cuộc sống gia đình tôi được cải thiện rõ rệt.

Những hội viên khó khăn được hội viên và Hội cho mượn tiền mua cây giống. Bên cạnh đó, Hội trực tiếp quan hệ với các hội viên Hội CCB ở huyện Chợ Lách, bán cây giống trả tiền chậm và bán đúng giống cho hội viên trồng. Năm 2012, có 50 hội viên đã chọn cây mít giống siêu sớm để trồng xen trong vườn dừa, vườn cây ăn trái. Trong đó, có 30 hội viên khó khăn được hỗ trợ cây giống đến khi cây cho trái mới nhận tiền. Mô hình trồng mít giống siêu sớm xen trong vườn dừa, vườn cây ăn trái không dừng lại trong hội viên Hội CCB mà đã lan tỏa đến đông đảo hộ dân trong xã. Theo số liệu thống kê của UBND xã Châu Hưng, hiện toàn xã có từ 17-18ha đất trồng xen mít giống siêu sớm, trung bình mỗi tháng thu hoạch từ 40-50 tấn trái. Các thương lái đến tận vườn thu mua rồi vận chuyển đến các tỉnh, TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ.

“Mít giống siêu sớm đã khẳng định chỗ đứng trên vùng đất Châu Hưng. Hội CCB xã đã vận động hội viên chọn mít làm cây trồng xen”.

(Ông Nguyễn Văn Quyết - Chủ tịch Hội CCB xã).

Điểm sáng nữa của Hội CCB xã Châu Hưng là đã hình thành được 3 tổ hợp tác lao động. Tổ hợp tác cơ giới máy kéo, với sự tham gia của 15 hội viên, đầu tư kinh phí mua 12 xe máy kéo và 2 kobe, đảm nhận nạo vét nội đồng, san lấp mặt bằng làm đường. Tổ hợp tác lao động thủ công gồm 40 hội viên, nhận đốn mía, thu hoạch rau màu, sửa chữa nhà ở, bồi vườn. Trong tổ hợp tác lao động thủ công, có nhóm thợ hồ chuyên nhận thi công bê-tông hóa lộ nông thôn theo tiêu chí xã nông thôn mới. 16 hội viên CCB tham gia Tổ bốc xếp thức ăn, thu hoạch cá da trơn, sửa chữa ao nuôi cá, cất lán trại cho các doanh nghiệp. 3 tổ hợp tác đều thành lập nghiệp đoàn trực thuộc Liên đoàn Lao động huyện Bình Đại. Mỗi tổ có người đại diện nhận làm thuê cho các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn xã và các xã lân cận. Các tổ đã tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Từng vụ việc đảm nhận làm thuê, mỗi tổ đều trích một khoản tiền để tạo quỹ tương trợ, thăm hỏi đau bệnh, hữu sự của các thành viên trong tổ.

Ông Nguyễn Văn Quyết cho biết thêm, các hình thức tương trợ đã giúp nhiều hội viên thoát nghèo. Hội CCB xã Châu Hưng có 103 hội viên. Năm 2009, có 17 hội viên thuộc diện hộ nghèo, đến năm 2012 giảm còn 3 hộ nghèo. Bên cạnh đó, hội viên của các chi hội đều tích cực tham gia các hoạt động do địa phương phát động. Năm 2012, Chi hội Hưng Nhơn đã tham gia bê-tông hóa đường ấp dài 170m, với tổng số tiền 6,5 triệu đồng, trong đó hội viên đóng góp 1 triệu đồng và ngày công lao động; vận động trải đá dăm đoạn đường dài 200m, với số tiền 2,3 triệu đồng, trong đó hội viên đóng góp 350 ngàn đồng. Chi hội Hưng Chánh phối hợp phát quang và nạo vét thủ công tuyến kênh nội đồng dài 50m. Chi hội Hưng Thạnh vận động bê-tông hóa đường liên tổ nhân dân tự quản dài 200m, ngang 2m, với kinh phí 80 triệu đồng, trong đó hội viên đóng góp 15 triệu đồng.

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN