
Một di tích lịch sử cách mạng tại huyện Thạnh Phú. Ảnh: Ánh Nguyệt
Căn cứ địa cách mạng
Theo quy định, điều kiện để xã đạt danh hiệu XATK cần có đủ 5 tiêu chí: Địa phương được cấp ủy đảng từ khu ủy, quân khu ủy trở lên chỉ đạo xây dựng ATK cách mạng (nơi có các điều kiện về địa hình, địa thế, chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội, dân cư và bảo đảm an toàn cho các hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ). Nơi ở (nuôi, giấu, giữ bí mật), làm việc và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ của các đồng chí cán bộ Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp khu và quân khu.
Nơi diễn ra các sự kiện đặc biệt quan trọng, có các quyết sách chiến lược của Đảng mang tính chất bước ngoặt trong các giai đoạn của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và nơi đóng trụ sở của các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội. Nơi đóng quân, đào tạo, huấn luyện, tập kết, trung chuyển của các lực lượng vũ trang (quân đội, công an) từ cấp đại đội trở lên; nơi có kho cất trữ lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng… trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ phục vụ cho mặt trận cấp chiến dịch hoặc cấp quân khu trở lên. Nơi có cơ sở và phong trào cách mạng vững mạnh trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ; đồng thời, lực lượng vũ trang của địa phương đã chủ động và phối hợp với lực lượng vũ trang chính quy tổ chức các trận đánh địch để bảo vệ an toàn cho cán bộ, cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước đóng trên địa bàn.
Tại huyện Châu Thành, từ năm 1969 đến cuối năm 1971, xã An Phước và Phước Thạnh là khu căn cứ của Tiểu đoàn 263 trực thuộc Quân khu 8 đóng quân. Nhiệm vụ của tiểu đoàn là phối hợp với du kích các xã bám trụ địa bàn, bám dân làm bàn đạp để đánh địch. Cũng trong thời gian này, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định (Y4) về lập căn cứ chỉ đạo, huấn luyện lực lượng chuẩn bị kháng chiến giải phóng miền Nam. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và đóng góp to lớn trong kháng chiến, ngày 26-11-1978, 2 xã An Phước và Phước Thạnh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Kể về thành tích của quân, dân hai xã, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành Trần Văn Hoàng nhắc lại: Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, An Phước còn là nơi hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Định - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Phó tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam. Cũng như An Phước, Phước Thạnh là xã địa hình kín đáo, thuận tiện cho việc lưu thông đường thủy. Điều này gây khó khăn cho giặc trong bao vây, bố ráp. Cùng với sự sáng tạo ấy là tinh thần yêu nước, căm thù giặc của người dân Phước Thạnh, họ luôn hướng về cách mạng, vì vậy, địa phương là nơi nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng cả 2 thời kỳ kháng chiến.
Với Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc), trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã là vùng cách mạng giải phóng, nhân dân kiên cường, giác ngộ cao, địa bàn hiểm trở, nhiều kênh rạch chia cắt địch không thể di chuyển bằng xe cơ giới, thiết giáp hay trực thăng. Do đó, năm 1969, cơ quan lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã chọn nơi đây làm căn cứ. Nhân dân Tân Phú Tây đã nêu cao ý chí kiên cường và lòng quả cảm, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngại gian khổ, hy sinh để bảo vệ an toàn ban lãnh đạo khu căn cứ như: đồng chí Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Mai Chí Thọ… và tạo mọi điều kiện để cơ quan lãnh đạo và lực lượng Y4 hoàn thành nhiệm vụ.
Vùng an toàn khu Thạnh Phú
11 xã được công nhận XATK, gồm: Thạnh Phong, Thạnh Hải, Giao Thạnh, An Nhơn, An Qui, An Điền, Mỹ An, An Thạnh (Thạnh Phú), An Phước, Phước Thạnh (Châu Thành) và Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc). Thạnh Phú là huyện duy nhất của tỉnh được công nhận VATK. |
Trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Tỉnh ủy đã chọn Thạnh Phú làm vùng căn cứ địa kháng chiến của cơ quan lãnh đạo tỉnh, vừa là vùng hậu phương vững chắc cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến; nơi xuất phát chuyến tàu vượt biển đầu tiên của đồng chí Nguyễn Thị Định cùng một số đại biểu Quốc hội khóa I của Bến Tre, Mỹ Tho, Khu 8 ra miền Bắc, mở đường cho những cuộc chi viện của Trung ương vào miền Nam; nhiều cơ quan, đơn vị, bộ đội, trường huấn luyện, công binh xưởng, quân y viện của Khu 8 cũng đã từng đóng quân trên đất Thạnh Phú liên tục nhiều năm; là nơi tập trung huấn luyện và xuất quân đầu tiên của Tiểu đoàn 307.
Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), Thạnh Phú được xác định là một chiến trường trọng điểm, có vị trí quan trọng trên dải cù lao Minh và toàn tỉnh; là nơi thành lập, huấn luyện một số đơn vị của tỉnh và quân khu; là “Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam”. Các địa bàn ven sông Hàm Luông, Cổ Chiên và ven biển là căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy, Huyện ủy và lực lượng vũ trang tỉnh, huyện, cũng là nơi sáng tạo nhiều cách đánh địch phong phú, phù hợp với địa hình và thế trận chiến tranh nhân dân. Chính vì vậy mà kẻ thù đã tập trung đánh phá ác liệt bằng các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại nhất hòng hủy diệt sự sống nơi đây. Những năm tháng gian khổ ấy, huyện Thạnh Phú đã tạo nên cho mình một sự kiện lịch sử và con người bất tử.
Cuối tháng 3-1946, tại căn cứ Cát Lái, Thạnh Phú vinh dự được giao nhiệm vụ chuẩn bị phương tiện và điều kiện cho phái đoàn của đồng chí Nguyễn Thị Định cùng một số đại biểu Quốc hội khóa I của Bến Tre, Mỹ Tho, Khu 8 vượt biển ra miền Bắc để báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam tiếp tục kháng chiến. Chỉ trong thời gian ngắn, đoàn đã xuất phát lên đường từ cồn Lợi, xã Thạnh Phong và đến nơi an toàn. Từ tháng 5 đến 11-1946, sau chuyến vượt biển thành công, đồng chí Nguyễn Thị Định đã đưa hàng chục tấn vũ khí cập bến an toàn tại vàm Hồ, xã Giao Thạnh. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu mốc mở đường cho sự ra đời tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển sau này.
Kết quả hôm nay huyện Thạnh Phú được công nhận VATK cùng với 8 xã trên địa bàn được công nhận XATK là niềm vinh dự to lớn của toàn Đảng bộ, toàn dân huyện nhà. Huyện hiện có nhiều di tích được công nhận di tích cấp quốc gia như Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam, Đường Hồ Chí Minh trên biển và 5 di tích lịch sử kháng chiến cấp tỉnh. Đại úy Huỳnh Phước Hải, 79 tuổi, ở xã Thạnh Phong, cựu thủy thủ Đoàn tàu không số chia sẻ cảm xúc: “Là người con của quê hương, người có công với cách mạng, tôi cảm thấy rất xúc động, rất mừng. Đây là niềm vinh dự chung của địa phương được Trung ương công nhận VATK, XATK”.
P.Tuyết - A.Nguyệt - C.Trúc