Chăm lo, giáo dục toàn diện trẻ em, bài 3:

Những định hướng và giải pháp trong thời gian tới

26/06/2020 - 07:57

BDK - Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể của tỉnh và địa phương luôn dành sự quan tâm cho trẻ em. Qua đó, đã tạo điều kiện để công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ngày một tốt hơn. Nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ để tiếp tục học tập và vươn lên trong cuộc sống.

Trẻ em cần được yêu thương, chăm sóc và bảo vệ. Ảnh: PV

Trẻ em cần được yêu thương, chăm sóc và bảo vệ. Ảnh: PV

Đề cao vai trò gia đình

Gia đình có vai trò hết sức quan trọng. Đó không chỉ là nơi sinh sống, nuôi lớn mỗi cá nhân về thể chất, mà còn là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách con người. Theo Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Văn Chương, dưới nhiều tác động của xã hội và ngay chính trong suy nghĩ, nhận thức của mỗi người, bên cạnh các giá trị truyền thống tốt đẹp được giữ gìn và phát triển, gia đình Việt Nam đã có thêm nhiều đặc điểm tiến bộ hơn, như: sự bình đẳng, chia sẻ, tính năng động, hiện đại, dân chủ…

Trong “cuộc chiến” chống lại những biểu hiện không tốt làm ảnh hưởng đến các giá trị truyền thống vốn có của gia đình Việt Nam, mỗi cá nhân theo từng vị trí trong gia đình cần làm tốt vai trò của mình. Cụ thể, với người lớn - người cao tuổi, làm gương sáng cho con cháu. Ông bà vừa là người dạy dỗ con cháu thực hiện các chuẩn mực đạo đức, nếp sống văn hóa, vừa là người gương mẫu thực hiện.

Bên cạnh đó, sức khỏe tâm thần của con trẻ càng cần được quan tâm. Dù chưa có thống kê đầy đủ của ngành chức năng, những số trẻ bị trầm cảm, tăng động xuất hiện nhiều ở các trường tiểu học. Theo bác sĩ Huỳnh Ngọc Lan Vy, Khoa Tâm thần Nhi, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, các bé đến phòng khám của bệnh viện thường là giai đoạn muộn. Đa số các bé đã đi học. Do lúc này bé đi học không hợp tác, không hòa đồng được gia đình mới thừa nhận bất thường ở con mình.

Cũng theo bác sĩ Huỳnh Ngọc Lan Vy, các nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, trong cả nước (được khảo sát tại 3 tỉnh ở phía Bắc) có 3 triệu thanh thiếu niên trong tuổi vị thành niên đang đối mặt với trầm cảm không được đi tới cơ sở y tế. Có nhiều nguyên nhân, một số tổn thương não và yếu tố di truyền trong gia đình, cùng với đời sống công nghệ, môi trường tiếp xúc với công nghệ là những nguyên nhân gây nên bệnh trầm cảm ở trẻ em, thanh thiếu niên. Tuy nhiên, theo tâm lý nhiều phụ huynh đấy là những giá trị ảo không thể đo lường hết nên khi con trẻ có vấn đề hoặc dấu hiệu về sức khỏe tâm thần thì mới quay lại đánh giá các yếu tố tác động để can thiệp từ từ. Dự phòng phát hiện sớm điều trị sớm thì hiệu quả điều trị cao. Phụ huynh quan tâm sát sao con em mình thì có thể hợp tác được với bác sĩ. Đồng thời, cần phân định rõ việc quan tâm, đồng cảm chia sẻ với áp đặt làm bé bị căng thẳng trong chính ngôi nhà của mình.

Lắng nghe trẻ em nói

Bến Tre là tỉnh thứ 11 trong cả nước thành lập và ra mắt mô hình Hội đồng Trẻ em cấp tỉnh. Đây là tổ chức đại diện tiêu biểu cho tiếng nói, nguyện vọng của thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Qua đó, định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với lãnh đạo HĐND tỉnh về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, góp phần nâng cao nhận thức của thiếu nhi về Luật Trẻ em, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, thay đổi thái độ, hành vi, nhận thức của nhà trường, gia đình và toàn xã hội về quyền tham gia của trẻ em.

Ngay chính tại diễn đàn gặp gỡ giữa HĐND tỉnh với Hội đồng Trẻ em lần thứ nhất vừa qua, chính các em học sinh đã đề xuất đến lãnh đạo tỉnh những giải pháp cho từng vấn đề thách thức.

Em Đoàn Hà Phương Anh, Trường THCS Thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách) nêu ý kiến: “Phải đẩy mạnh môn giáo dục pháp luật, quyền con người và giáo dục giới tính từ cấp THCS, THPT. Đặc biệt, nhà trường phải siết chặt chất lượng, tuyển chọn giáo viên, cả về chuyên môn, đạo đức và sức khỏe”.

 Em Lê Đỗ Như Ý, Trường Tiểu học Bến Tre bày tỏ: “Chúng em nghĩ, ngoài việc dạy cho trẻ em những cách phòng vệ và xử lý khi gặp sự việc ngoài đời thì nhà trường cần dạy các em cách để phòng chống những kẻ xâm hại tâm lý của các em trên mạng xã hội, để các em có thể nhận biết, phòng tránh. Nhà trường hãy tổ chức các buổi ngoại khóa, qua đó sẽ dạy các em cách phòng tránh và cách ứng phó với kẻ xâm hại mình. Nhà trường quan tâm hơn đến tinh thần của học sinh, giáo viên luôn sẵn sàng tâm sự, giúp đỡ các em nếu các em cần đến”.

“Tham gia Hội đồng Trẻ em, chúng em cảm thấy tiếng nói của mình được lắng nghe. Là nơi chúng em được bày tỏ ý kiến về những vấn đề mà trẻ em quan tâm….” em Đặng Quốc Khánh, học sinh lớp 8/4, Trường THCS Hoàng Lam (TP. Bến Tre) bày tỏ.

“Nghe các cháu bày tỏ, chúng ta hiểu rằng sự quan tâm của nhà trường dành cho các cháu cũng còn khiêm tốn. Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan đã lắng nghe và sẽ có những định hướng giúp cho các cháu bổ sung thêm những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Đồng thời, đây là hoạt động thực tế để Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở, ngành nghiên cứu, có những quyết sách phù hợp trong công tác chỉ đạo, ban hành, triển khai các chủ trương, chính sách liên quan đến trẻ em, giúp cho các cơ quan chức năng có cái nhìn toàn diện trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em hôm nay.

Để cho trẻ em có môi trường phát triển tốt, mỗi người lớn chúng ta, các cấp, ngành thực hiện tốt hơn nữa các quy định pháp luật bằng tinh thần trách nhiệm đối với thế hệ con cháu của chúng ta. Có như vậy, trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai mới ngang tầm khu vực và quốc tế...”.

(Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Huỳnh Quang Triệu)

Ph. Hân - Th. Đồng - A. Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN