Những mô hình giúp hội viên thoát nghèo

05/01/2018 - 07:11

Hội Cựu chiến binh tỉnh trao bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu tại hội nghị tổng kết 5 năm xây dựng mô hình xóa nghèo.

Làm sao để giảm nghèo, xóa nghèo trong Hội Cựu chiến binh (CCB) là một trong những chương trình trọng tâm của Hội CCB tỉnh. Thời gian qua, hội đã xác định 2 mô hình cơ bản để giảm nghèo, xóa nghèo vươn lên làm giàu là mô hình “5+1” và mô hình tổ hợp tác (THT) sản xuất. Ngoài 2 mô hình này còn có mô hình Câu lạc bộ giảm nghèo. Hội xác định hàng năm phải xóa ít nhất 20% hộ nghèo, cận nghèo trong hội. Đây là việc làm không dễ nếu như hội không có cách làm hiệu quả.

Phát triển kinh tế hợp tác

Có 95% hội viên CCB xã Tam Hiệp (Bình Đại) chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, trong đó có 4 hội viên không đất canh tác. Để giải quyết tình trạng này, năm 2013, hội xây dựng được 2 mô hình THT lao động và tổ dịch vụ kinh doanh đóng rỗ nhãn tiêu da bò, nhãn xuồng cơm vàng. THT lao động chủ yếu là bốc vác thuê thức ăn cho Công ty Thái Bình nuôi cá da trơn và lao động phổ thông cho các nhà vườn có nhu cầu. Tổ này không phải góp vốn, bình quân thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tổ dịch vụ kinh doanh đóng rỗ nhãn thực hiện hàng năm theo 2 vụ chính giữa năm, cuối năm. Tổ không có vay vốn từ các nguồn của ngân hàng, chỉ huy động vốn góp của 11 thành viên trong tổ (10 triệu đồng/thành viên). Hai mô hình đã tạo việc làm cho khoảng 40 lao động, trong đó có 16 CCB, cựu quân nhân. Năm 2015, thành lập thêm 1 THT sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 14ha, 20 thành viên. Tổ đã vay 230 triệu đồng để phát triển sản xuất, tạo việc làm mới cho 43 lao động.

Chủ tịch Hội CCB xã Lê Tấn Phát cho biết, việc thực hiện các mô hình có ý nghĩa thiết thực, rất quan trọng trong giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Khi các mô hình THT hình thành, phát triển và thực hiện có hiệu quả đã tác động tích cực đến đời sống của từng hội viên, góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế trong từng hộ gia đình cũng như của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Hội CCB xã Thạnh Hải (Thạnh Phú) hội viên nghèo còn chiếm tỷ lệ khá cao. Do vậy, hội đề xuất thành lập THT góp vốn vào Hợp tác xã (HTX) thủy sản Thạnh Lợi nuôi nghêu. Chi hội trưởng Nguyễn Văn Sắc - Tổ trưởng THT cho biết, tổ có 39 thành viên, việc vận động các hộ bỏ vốn vào cũng tùy theo điều kiện kinh tế từng hộ. Số hộ khá giàu thì hùn vô 10 triệu đồng hỗ trợ cho các hội viên nghèo khác mượn mỗi hộ đủ 10 triệu đồng, trả dần sau khi thu hoạch nghêu. Tổ đã vận động được 380 triệu đồng gửi vào HTX và phân công các thành viên tham gia bảo vệ sân nghêu. Sau 9 tháng nuôi, HTX cấp phiếu bắt nghêu, trung bình mỗi lao động bắt nghêu trong tháng từ 4 - 5 triệu đồng và giải quyết việc làm cho trên 65 lao động trong hội viên CCB và gia đình. Ngoài ra, số tiền vốn hàng năm có lãi từ 65% trở lên, số hộ nghèo năm đầu đã trả hết vốn gốc và mỗi năm còn lãi thêm. Hiện mỗi hộ CCB ấp Thạnh Thới B góp từ 30 - 70 triệu đồng và THT đã hùn vào HTX nuôi nghêu Thạnh Lợi số tiền hơn 1 tỷ đồng. Mô hình này đã được nhân rộng, đến nay thành lập được 2 THT ở 3 HTX nuôi nghêu trong toàn xã Thạnh Hải, với 88 thành viên có việc làm ổn định và tạo điều kiện cho 106 hội viên và gia đình có việc làm.

Mô hình “5+1”

Hội CCB huyện Thạnh Phú có 18 xã, thị trấn đã hình thành được 115 nhóm theo mô hình “5+1”, mỗi nhóm khoảng 7 thành viên là những cán bộ, hội viên có điều kiện kinh tế, có kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, giúp đỡ đồng chí, đồng đội bằng cả tấm lòng. Cụ thể, các hộ khá giàu cho hội viên nghèo mượn 10 ngàn mét vuông đất để trồng cỏ nuôi bò, hàng triệu con tôm, cua, cá giống với hàng tỷ đồng tiền mặt, hàng ngàn ngày công lao động và trao đổi kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, đã giúp cho 249 hộ thoát nghèo. Hội xác định vai trò của nhóm là khá quan trọng.

Điển hình như Chi hội An Điền, xã An Điền có hội viên Nguyễn Văn Thép đã mạnh dạn huy động bằng nhiều nguồn vốn từ nhóm và bên ngoài nhóm đã hỗ trợ cho hội viên nghèo 3 con bò với số tiền 60 triệu đồng. Đến nay, đã xóa 3 hộ hội viên nghèo và hiện nhóm còn 56 triệu đồng. Số tiền này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho hộ vừa thoát nghèo, tạo điều kiện cho họ có điều kiện vươn lên khá, giàu. Ngoài việc tham gia mô hình “5+1”, anh Thép còn tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa như vận động xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách; xây dựng cầu; tặng học bổng, học phẩm cho học sinh nghèo, quà hỗ trợ cho gia đình chính sách và hộ nghèo hàng chục tỷ đồng.

Nhóm “5+1” Chi hội ấp Thạnh Hòa, thị trấn Thạnh Phú có hội viên Nguyễn Văn Khai được sự hỗ trợ trong nhóm và của hội cho mượn vốn từ quỹ hội, hụi không lời và được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 20 triệu đồng. Bước đầu, anh nuôi gà thả vườn, nuôi vịt xiêm. Sau thu hoạch có lãi và mượn thêm vốn mua 1 con bò sinh sản. Với tinh thần vượt khó, chí thú làm ăn, đến nay, anh đã có đàn bò 5 con, bán 2 con trả nợ ngân hàng. Hiện kinh tế gia đình khá ổn định, nhà được xây dựng khang trang.

Hay mô hình của nhóm “5+1” Chi hội ấp An Thạnh B, xã Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre) đã hỗ trợ cho hội viên Trần Văn Giang mượn 1.200m2 đất trồng cỏ nuôi dê, UBND xã cho mượn 1.500m2 đất kết hợp xin giống khoai mì, khoai lang về trồng. Hội tạo điều kiện cho anh vay Ngân hàng Chính sách xã hội 10 triệu đồng và bảo lãnh vay tín chấp 20 triệu đồng để làm vốn chăn nuôi. Năm 2013, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho mượn 1 con bò trị giá 15 triệu đồng. Qua 5 năm thu hoạch được hàng trăm triệu đồng, trả hết nợ vay, hiện anh đang nuôi 8 con dê, 1 con bò trị giá khoảng 50 triệu đồng.

“Sắp tới, Hội CCB tỉnh sẽ tiếp tục giữ vững và nâng chất các mô hình hoạt động có hiệu quả. Phấn đấu giảm hộ nghèo từ 1,5 - 2%/năm so với tổng số hộ nghèo theo tiêu chí mới. Phấn đấu hết nhiệm kỳ, các cấp hội không còn hộ nghèo” - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lê Công Trường nhấn mạnh.

Sau 5 năm triển khai, toàn tỉnh có 1.061 mô hình được xây dựng ở hầu khắp các chi hội, phân hội ở ấp với 6.058 thành viên. Đã xây dựng được 249 THT với 4.591 thành viên Hội CCB, cựu quân nhân. Thành lập được 55 câu lạc bộ xóa nghèo, với 534 thành viên. Chủ trương xây dựng mô hình THT, mô hình “5+1” được triển khai quán triệt trong các cấp hội, được đa số hội viên đồng tình, tích cực tổ chức thực hiện. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được nhân rộng, tạo sự lan tỏa.

(Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lê Công Trường)

Bài, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN