Những năm tháng làm nhiếp ảnh Báo Chiến Thắng

14/06/2011 - 17:10

Đầu năm 1970, khi các cơ quan của tỉnh từ căn cứ ở huyện Thạnh Phú chuyển về Mỏ Cày thì tôi được quyết định chuyển từ Ban Tuyên huấn Huyện ủy Mỏ Cày bổ sung cho Tiểu ban báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy làm công tác nhiếp ảnh cho Báo Chiến Thắng. Nói chuyển từ huyện về tỉnh công tác chứ thực ra cũng chỉ cách nhau hơn 1 cây số trên địa bàn xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày. Tuy nhiên, khi quảy ba lô lên vai, từ giã cơ quan cũ, từ giã những người chú, người anh đã từng sống chết có nhau trong những năm địch bình định ác liệt, lòng tôi cảm thấy bùi ngùi khó tả.

Một tác phẩm của nhà báo Trần Quốc Việt (ảnh do tác giả cung cấp).

 

Về cơ quan mới, tôi phụ trách nhiếp ảnh. Nói phụ trách nhiếp ảnh nhưng thực sự có một mình. Anh Minh Quang đã chuyển công tác khác, anh Hòa bị địch bắn chết, anh Trường Sơn về Thị xã và mấy anh nữa về quê do hoàn cảnh gia đình.

Khi Tỉnh ủy, các cơ quan, ngành tỉnh chuyển về Mỏ Cày, bọn địch đánh hơi nên bom pháo càn quét rất ác liệt, Tiểu ban báo chí không mấy người nhưng rã đi các chiến trường viết tin, viết bài, còn lại cũng chia thành 2 cụm để đảm bảo an toàn.

Đến cơ quan mới, đêm đầu tiên hầu như tôi không chợp mắt được, cứ lo lo, nghĩ nghĩ. Biết rằng cũng làm nhiếp ảnh như hồi ở huyện, nhưng mình phải qua Bảo về Minh, nhiều cơ quan chưa quen, nhiều địa bàn chưa biết. Đặc biệt, tôi chấp hành về tỉnh công tác mà gia đình tôi, mẹ và vợ con tôi không hề được tham khảo, không hề hay biết, vì chiến trường ác liệt, mọi liên lạc bị cắt đứt. Nhưng rồi cũng chỉ tâm niệm một điều để mọi việc an bài là: “Quy luật của chiến tranh mà”.

Sáng hôm sau, anh Thanh Nhân (lúc bấy giờ thay mặt Tiểu ban báo chí) giao cho tôi hai máy ảnh Canon QL19, hai đèn chụp ảnh sử dụng bóng Manhé, hai thùng đạn đại liên trong đó có một ít phim tư liệu và gần chục cuồn phim Neopan chưa chụp. Máy ảnh thì thô sơ, đèn chụp thì mỗi bôi ảnh phải vứt đi một bóng đèn, mà mỗi bóng to bằng quả trứng gà, mỗi lần muốn chụp một cuộc gì đó phải chuẩn bị một túi bóng đèn to tướng, đi nó khua lọc cọc, nhất là khi đi mạnh hay vấp ngã thì bị bộ đội la ngay vì gây tiếng động có khi địch phát hiện. Không có máy phóng ảnh, không có giấy ảnh, không có hóa chất. Vậy nhiếp ảnh phải làm sao để có ảnh cho Báo Chiến Thắng ra đều kỳ, cho các cuộc triển lãm những trận chiến đấu mới, những phong trào nhân dân du kích chiến tranh để phục vụ chiến sĩ và đồng bào?...

Vậy là phải tự làm máy phóng ảnh, lúc này tổ nhiếp ảnh có thêm được anh Sáu Dũng, từ Nhà in Chiến Thắng ở Thạnh Phú được Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy điều về, coi như chuyển nghề từ cán bộ nhà in sang nghề nhiếp ảnh.

Vốn có biết chút ít về nghề mộc, tôi mượn bào cưa của đồng bào, xin ván đóng máy phóng ảnh gồm: một hộp to và một hộp nhỏ lồng vừa vào nhau để có thể điều chỉnh ra vào nhằm đảm bảo hiệu quả phóng ảnh to hoặc nhỏ, lấy một ống kính máy Alpa 6x9 hư làm ống kính máy phóng, gởi ra chợ Bến Tre mua hai kính lúp đường kính 10cm, lắp thành hệ thống máy phóng ảnh. Do hai hộp gỗ chỉ lồng vào nhau, không có răng vặn, không có móc kềm nên buộc phải để máy phóng ảnh ngang chứ không phóng thẳng từ trên xuống như các máy phóng chính hiệu.

Máy phóng có rồi, vậy ánh sáng ở đâu? Phải dùng ánh sáng mặt trời thôi. Thế là máy phóng phải đặt quay vào trong buồng tối (lúc đó buồng tối là 4 tấm vách lá dựng 4 bên và 1 tấm vách lá làm nóc). Ánh sáng là một tấm kính to dựng với góc 45o cho pha thẳng vào phim, kính lúp, ống kính và phóng hình vào buồng tối. Thế là tha hồ xê dịch vỏ hộp gỗ cho xa gần, to nhỏ.

Vậy là có ảnh cho báo, cho triển lãm rồi.

Nhưng rồi dùng ánh sáng mặt trời có nhiều bất tiện: một là phải có người ngồi xê dịch kính liên tục vì quả đất quay, lệch kính với mặt trời, ánh sáng không thẳng vào ô máy phóng nữa; thứ hai là phải làm khi trời có nắng, có khi đang nắng, ánh sáng mạnh, đặt tấm giấy ảnh này 30o là vừa, đặt tấm sau bị mây che, ánh sáng yếu thì coi như vứt đi tấm giấy ảnh thứ hai đó. Với lại khi chiến tranh ác liệt, ban ngày phải thu dọn như không có gì để chạy càn, khó bày phòng tối, bày thuốc men, máy phóng để phóng ảnh. Thế là phải làm ban đêm. Điện thì không có nên phải dùng đèn manchon. Như vậy cánh thợ chúng tôi phải quay ngược máy lại, đèn manchon để trong phòng tối, máy phóng quay ra ngoài, không sợ máy bay địch phát hiện và anh em chúng tôi không bị lúng túng chật chội, ngửi đầy mùi hóa chất như trong phòng tối trước đây.

Khi bộ đội ta đánh vào căn cứ huấn luyện Phú Hưng (Thị xã), tịch thu mang về một cái máy mà không ai hiểu là máy gì. Sau đó xem bố trí các linh kiện mới biết là tác dụng phóng to ảnh, vì có ống kính, có khe lắp phim, có kính lúp và có một mô-tưa cánh quạt nhỏ làm mát máy. Tôi và anh Sáu Dũng mừng rơn, vì chắc chắn mình sẽ có máy phóng ảnh hiện đại hơn. Nhưng rồi lại có điều bất tiện nữa, đó là phải dùng điện 110vol, với lại vì là máy đèn chiếu nên khổ phim chỉ 12x18mm trong lúc đó phim chụp của máy ảnh là 24x36mm. Không chịu thua, tôi và anh Sáu Dũng mạnh dạn báo cáo với lãnh đạo, lúc bấy giờ là anh Thanh Nhân, anh Hoàng Lê trực tiếp và chú Tám Lê Hà (lãnh đạo ban) cho nhiếp ảnh mua máy phát điện. Trong lúc còn chưa biết hướng ra thì đội chiếu bóng do anh Minh Trí phụ trách cho biết còn thừa một máy Koler4 và dinamô vì máy nổ cho chiếu phim vừa được Trung ương tăng cường máy mới. Như bắt được vàng, tôi báo cáo và được lãnh đạo đồng ý trang cấp bộ máy phát điện trên đây cho tổ nhiếp ảnh.

Vậy là có điện rồi, còn khung máy phóng đèn chiếu 12x18mm, nhỏ quá phải làm sao vừa cỡ 24x36mm. Thế là phải tháo máy ra dùng dũa mài cho khung rộng ra gấp đôi.

Khắc phục được nhưng vào làm ảnh vẫn còn một lỗi kỹ thuật mà anh em chúng tôi phải chịu, đó là kính lúp chỉ phục vụ cho phim 12x18 nên khi quay phim 24x36 ảnh nào cũng bị ô-oal 4 góc, vì thiết kế khung máy, các bas gắn không cho phép thay lúp khác lớn hơn được.

Vất vả như vậy nhưng phải nói thời làm ảnh cho Báo Chiến Thắng rất vui. Cuộc hội nghị quan trọng nào anh em tôi cũng thay phiên nhau có mặt, các phong trào nhân dân du kích chiến tranh đều có ghi nhiều hình ảnh, các chiến dịch: Rạng Đông, Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy anh em tôi đều cùng bộ đội bám chiến trường, vẫn ăn cơm vắt, ngủ hầm, cùng nếm chịu chung quả bom, trái pháo với đội săn tàu ở những bờ sông thuộc Phước Tân (Bình Khánh), ở Vàm Nước Trong (Định Thủy), Phước Long (Giồng Trôm)…

Mỗi chuyến đi tác nghiệp về (chụp ảnh các đề tài) thì tự mình pha thuốc, tự tráng phim, tự phóng ảnh. Thật hạnh phúc biết bao, khi hàng hàng lớp lớp bức ảnh đen trắng đủ cỡ, ảnh lẻ có, ảnh bộ có được ra mắt “độc giả, khán giả” khắp nơi trong tỉnh, kịp thời cổ vũ phong trào cách mạng hừng hực khí thế lúc bấy giờ.

Nói về những năm tháng làm nhiếp ảnh ở Báo Chiến Thắng, ở thời kỳ ác liệt của cuộc chiến, thì không thể không nhắc đến những bà mẹ hậu cần đắc lực thời bấy giờ. Địch kiểm soát gắt gao những xe, những ghe, tàu từ các chợ về hướng vùng giải phóng thì ai cũng biết, một cục pin, một chai dầu nhỏ, một ống tiêm cũng không thể lọt qua mắt chúng. Vậy mà, bà Bảy Thiêm ở An Định (Mỏ Cày), bà Sáu Thản ở Phước Long (Giồng Trôm), bà Hai Bầu Ngữ ở Nhơn Thạnh (Thị xã)… đã qua mắt địch hàng ngàn bóng đèn Manhé chụp ảnh, hàng chục hộp giấy ảnh 100 tờ, 50 tờ, 20 tờ, 10 tờ cỡ 9x12, 13x18, 18x24cm, hàng trăm cuồn phim 24x36, hàng kg các loại hóa chất để hiện ảnh, định ảnh. Qua sự giúp đỡ của các mẹ, vật tư nhiếp ảnh của tổ nhiếp ảnh chúng tôi không khi nào bị thiếu hụt một thứ gì.

Thời gian nhận lãnh và hoàn thành nhiệm vụ nhiếp ảnh tại Báo Chiến Thắng và Tiểu ban báo chí Bến Tre của anh em chúng tôi không dài so với cuộc chiến 30 năm, nhưng đó là một kỷ niệm không thể nào quên và mỗi khi nhớ tới, mỗi khi thấy những phương tiện nhiếp ảnh, quay phim hiện đại của bây giờ chúng tôi càng phấn chấn, nao nao trong lòng.

Trần Quốc Việt (Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN