Những người giàu nghị lực

22/01/2014 - 08:45
Bé Kha nhận hoa từ ban tổ chức.

Vượt lên nghịch cảnh của bản thân và gia đình, em Nguyễn Vũ Kha và thầy Đỗ Tấn Khang là hai tấm gương giàu nghị lực trong cuộc sống. Đây cũng là hai nhân vật mà Câu lạc bộ Người tốt việc tốt (Trung tâm Văn hóa tỉnh) muốn tạo điều kiện để các bạn trẻ giao lưu trong lần sinh hoạt lệ kỳ ngày 15-1-2014.

Hãy tiếp thêm sức mạnh cho Kha

Dù đã được giới thiệu về em Nguyễn Vũ Kha, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Bảo Thuận (Ba Tri), nhưng chỉ khi trực tiếp trò chuyện với em, chúng tôi mới hiểu hết hoàn cảnh nghèo khó, cơ cực của cậu học trò nhỏ. Mẹ mất sớm, hai anh em Kha sống cùng ba và bà nội. Trước đây, do hoàn cảnh khó khăn, anh em Kha theo gia đình tìm kế sinh nhai ở tận Cà Mau. Nhưng kể từ ngày mẹ mất, cuộc sống ngày một khó khăn, em lại cùng ba về Ba Tri. Thấy hoàn cảnh nghèo khó, không nơi nương tựa, người bà con đã cho cha con Kha cất tạm mái nhà che nắng che mưa. Một căn nhà hay nói đúng hơn là một căn chòi chỉ khoảng 20m2, không tài sản gì ngoài 2 chiếc giường được bện bằng cau, vài cái nồi đen, một cái bếp củi nhưng ít khi nổi lửa bởi vắng đi bàn tay người mẹ.

Ba của Kha không biết chạy xe đạp, vì vậy những ngày ông đi làm xa, em phải tranh thủ dậy sớm đạp xe đưa ba đến nơi có người làm chung để ông nhờ bạn bè chở đi giúp. Những khi không có ba ở nhà, ngoài giờ học, Kha còn phải làm việc nhà, lo cho bà nội. Bữa cơm của gia đình em thường chỉ là muối và nước cơm chan lẫn vào nhau để no lòng. Thế nhưng cái khó chưa dừng lại ở đó, trong một lần làm việc, ba của Kha lại không may bị tai nạn lao động. Hiện nay, sức khỏe của ông yếu đi nhiều, không còn khả năng làm việc nặng, gia đình em càng lúc càng khó khăn hơn.

Trao đổi với chúng tôi về hoàn cảnh của Vũ Kha, cô Huỳnh Thanh Phụng - giáo viên Tổng phụ trách Đội của trường, cho biết: Do gia đình phải rày đây mai đó, nên so với các bạn cùng trang lứa, Kha học chậm hơn. Nhưng không phải vì thế mà em học yếu, trái lại Kha luôn chăm học. Lúc nào, Kha cũng nói với thầy cô trong trường là phải cố gắng học, có thật nhiều điểm 10 để ba em vui lòng.

Hiện nay, gia đình Kha không có điện, không có nước sinh hoạt. Mọi sinh hoạt hàng ngày là nhờ vào sự giúp đỡ của những người hàng xóm. Hỏi về ước mơ, Kha tâm sự em ước mơ nhà mình có điện, để em học bài, em cố gắng học thật giỏi để sau này trở thành bác sĩ chữa bệnh cho những người nghèo khó.

Học giỏi để giúp bà con

Thầy Khang sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo trên quê hương Hòa Nghĩa (Chợ Lách), là cựu học sinh của Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật. Di chứng của trận sốt bại liệt năm 3 tuổi đã làm ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của thầy, nhưng ở thầy Khang có sự cương nghị, nụ cười thân thiện, dễ gần. Hỏi về nghị lực phấn đấu để trở thành người thành đạt như hôm nay, thầy cười tươi và nói “cũng không biết bắt đầu từ đâu”. Nếu so với cậu bé Kha ngày nay thì 20 năm về trước, thầy Khang cũng gặp hoàn cảnh bất hạnh không kém. Khang tâm sự: “Lúc đó còn nhỏ nên mọi việc đối với mình là bình thường nhưng khi lớn lên không thể tham gia những trò chơi tuổi thơ, những ngày trời mưa, một mình không thể đến lớp mà phải nhờ bạn bè cõng hay người thân đưa đón, rồi bạn bè bảo là què, tự nhiên mình thấy mặc cảm lắm”.

Thầy Khang giao lưu với các bạn trẻ.

Điều làm thầy Khang buồn là không có được tuổi thơ như bạn bè đồng trang lứa. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ thoáng qua, vì khi vào Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật, gặp các bạn cùng cảnh ngộ, Khang thật sự thấy mình may mắn hơn nhiều người. Mọi mặc cảm gần như không còn, rồi từ đó, thầy Khang đã hòa nhập với mọi người và học tập tại trường đến hết lớp 5, rồi chuyển sang chương trình THCS, học lớp 6 tại Trường THCS Phú Khương, bắt đầu xây dựng cho mình ước mơ và con đường phấn đấu cho tương lai. Bằng ý chí, niềm tin, thầy Khang đã vượt lên nghịch cảnh và suốt những năm học phổ thông, luôn đạt học sinh khá giỏi. Khi đã là sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, một lần nữa sinh viên Khang lại lập kỳ tích, khi nhận được học bổng Thạc sĩ Khoa học của Trường Victoria - Úc.

Kể về cuộc sống hiện tại của mình, thầy chia sẻ: Hiện là giảng viên Viện Nghiên cứu và phát triển Công nghệ sinh học Trường Đại học Cần Thơ, đã lập gia đình và đang có dự định học tiếp chương trình Tiến sĩ. “Mình chỉ mong sao học thật giỏi để mang những kiến thức có được, giúp ích cho bà con” - Khang vui vẻ nói.

Trong cái lạnh của những ngày cuối năm, đó đây sắc xuân và hương hoa len lỏi vào từng góc nhà. Với không khí rộn ràng của ngày năm mới, hòa cùng niềm tin, hy vọng tươi sáng, tin rằng anh thanh niên giàu nghị lực Tấn Khang sẽ sớm biến ước mơ thành hiện thực.

Bài, ảnh: Phạm Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN