Những thành công bước đầu

16/04/2010 - 08:58
Xuất khẩu cơm dừa nạo sấy. Ảnh: H.H

Nhà máy chế biến dừa Thành Vinh thành lập từ năm 2006 với 2 dây chuyền sản xuất cơm dừa nạo sấy, công suất 30 tấn thành phẩm/ngày, doanh số bình quân 50 tỷ đồng. Năm 2008, đơn vị đã xây dựng thêm một dây chuyền sản xuất, với công suất 25 tấn thành phẩm/ngày, nâng công suất nhà máy lên 90 tấn thành phẩm/ngày; doanh thu đạt 111 tỷ đồng, trong đó, xuất khẩu trực tiếp 4,5 triệu USD. Doanh số năm 2009 của nhà máy là 90 tỷ đồng.

Tháng 8 năm 2008, nhà máy đã bắt đầu áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn (SXSH). Mục tiêu của chương trình là giảm chi phí sản xuất, giảm nguyên, vật liệu, nhiên liệu, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, cải tạo điều kiện môi trường làm việc cho công nhân, hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường. Nhà máy tổng hợp và đưa ra 21 giải pháp, với 15 giải pháp thực hiện trong giai đoạn I, 4 giải pháp thực hiện trong giai đoạn II. Với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 125,5 triệu đồng, nhà máy đã triển khai thực hiện các giải pháp, như: giám sát tiêu thụ nước bằng cách trang bị vòi nước có lưu lượng nhỏ, áp lực lớn, các van tại đầu các vòi nước dài; trang bị các bàn cào cao su để thu gom chất thải rắn trước khi vệ sinh nền xưởng; cải tạo lại lưới chắn rác tại các hố ga; châm 50% lượng nước vào thùng ngâm nguyên liệu; bố trí lại các van khóa, mở thuận lợi với thao tác của công nhân; sửa chữa lại một số van nước hư hỏng; triển khai thực hiện qui trình vận hành máy sấy; vận hành hợp lý máy nghiền; cân đối lại quá trình hút và thổi trong hệ thống sấy nguyên liệu; trang bị thêm nắp chắn gió ở sàng làm nguội để tránh thất thoát sản phẩm; sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu quả; cải tiến băng tải để tránh rơi vãi trấu trong quá trình vận chuyển; thu hồi và tái sử dụng tối đa lượng nước ngưng, hơi ngọn. Sau khi thực hiện các giải pháp như vừa nêu, nhà máy đã giảm được 17,5m3 nước cấp/tấn sản phẩm, giảm 17,5m3 nước thải/tấn sản phẩm; thu 50kg phế liệu cơm dừa mỗi ngày, dùng làm phụ phẩm ép dầu,  mang lại hiệu quả kinh tế trên 21 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nhà máy còn giảm 90% lượng bán thành phẩm bay ra ngoài trong quá trình sấy; giảm 95% lượng trấu hao hụt trên đường vận chuyển. Trong giai đoạn II, nhà máy tiếp tục thực hiện 4 giải pháp: thu hồi và tái sử dụng tối đa lượng nước ngưng, hơi ngọn;  thu hồi triệt để lượng nước ngưng và hơi ngọn, không để rò rỉ mất khối lượng nước; cách nhiệt toàn bộ đường ống thu hồi nước ngưng, tránh thất thoát nhiệt; bố trí hợp lý các đường ống thu hồi và bơm nước cấp tại bồn cấp nước, cách nhiệt toàn bộ bồn nước cấp; thay thế các bẫy hơi cũ bằng các bẫy hơi dạng Steamgard. Hiệu quả của việc thay đổi dây chuyền sản xuất làm giảm lượng trấu tiêu thụ 18,26%, lợi ích kinh tế thu được trên 315 triệu đồng/năm. Giải pháp thay đổi lò hơi đốt trấu bằng lò hơi đốt gáo dừa đã tận dụng lượng than sau khi đốt làm than hoạt tính. Hệ thống lò hơi đốt gáo dừa có mức đầu tư 2,6 tỷ đồng. Sau khi thực hiện giải pháp mới, nhà máy thu lợi 1 tỷ đồng/năm, đồng thời giảm lượng CO thải ra môi trường. Giải pháp III, cải tạo nâng cấp nhà xưởng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng, hiệu quả hệ thống quản lý ISO 22.000:2005. Giải pháp này giúp nhà máy giám sát được quá trình sản xuất theo hệ thống, cung cấp đến khách hàng các sản phẩm chất lượng tốt, an toàn; làm tăng tính cạnh tranh, uy tín của mặt hàng cơm dừa nạo sấy Việt Nam; thực hiện đúng chính sách chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đã công bố. Giải pháp IX là xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Dù không có hiệu quả về mặt kinh tế, nhưng giải pháp  mang lại lợi ích rất lớn về môi trường.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN