Những trái tim đồng điệu

23/06/2017 - 07:19

Nói đến Đoàn Văn công giải phóng (VCGP) Bến Tre là nói đến những người nghệ sĩ, chiến sĩ mang trái tim “máu lửa” của thời “hoa lửa” đấu tranh giải phóng quê hương. Trong ký ức của các cô chú - những người mang trái tim “đồng điệu” với nghệ sĩ đoàn thì những kỷ niệm đẹp ấy vẫn còn sống mãi với thời gian.

Cô Nguyễn Thị Hồng Nga - từng làm nhiệm vụ giao liên trong kháng chiến, cán bộ hưu trí, có 45 năm tuổi Đảng: Yêu lắm Đoàn Văn công

Đối với cô Nga, ký ức về thời gian tham gia kháng chiến và những dịp cô được xem các anh chị văn công biểu diễn, gắn bó với văn công là những kỷ niệm mà mãi mãi cô không bao giờ quên. Cô Nga nhớ rõ từng người, từng buổi biểu diễn của đoàn mà cô được xem. Trong số ấy, cô nhớ nhất là diễn viên Thanh Thủy mà cô vẫn thân thương gọi là “chị Thanh Thủy”.

Cô Nguyễn Thị Hồng Nga

“Chị Thanh Thủy là người có vóc dáng mảnh mai, tóc dài óng ả với bộ đồ bà ba đen, chiếc khăn rằn quấn cổ. Nhưng chiến tranh tàn khốc đã cướp mất chị, chị đã bị bom napan thiêu cháy và chị đã không còn nữa. Chị ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng đội và cả đồng bào đã từng nghe chị hát và yêu mến chị”, cô Nga bồi hồi.

Dù khi ấy địa hình chia cắt, đồn bót bủa văng nhưng hễ nghe có Đoàn VCGP về biểu diễn ở đâu thì giá nào, bà con cũng nô nức tới xem cho bằng được. Bà con đi xem bằng đuốc lá dừa, còn đoàn thì biểu diễn dưới ánh đèn măng-xông. Đêm diễn phải có lực lượng bảo vệ canh từ xa để đánh mõ báo động khi địch lùng sục. Dù khó khăn là vậy nhưng chương trình biểu diễn luôn hấp dẫn, sôi nổi.

“Tôi nhớ, tôi và nhiều người đã khóc khi xem vở cải lương “Cây dừa đỏ” do anh Lê Huỳnh viết kịch bản, nhất là đoạn nhân vật cô Thắm (do chị Thanh Bình đảm trách) tặng chiếc khăn tay cho anh Tình (do anh Vĩnh Xuân đảm trách) để lên đường vào bộ đội với bao nhiêu tình cảm thắm thiết, rồi bỗng giặc ập đến bắt anh Tình lôi đi trong tiếng kêu khóc thảm thiết của bà mẹ mù lòa… - cô Nga nhớ lại.

Ông Nguyễn Phát Thịnh, sinh năm 1944 - Ban Thanh niên học sinh của thị xã Bến Tre: Lửa tình thâm hơn 50 năm vẫn cháy!

Ông Nguyễn Phát Thịnh, hiện cư ngụ tại xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre, là thương binh hạng 3/4.

Ông Thịnh bồi hồi nhớ lại lúc đơn vị của ông được giao nhiệm vụ chăm sóc cho hai cô làm công tác nội thành bị giặc bắt mới thả. Vì làm công tác nội thành ở thành thị nên hai cô này không biết thế nào là VCGP nên muốn “xem thử”. Sau một ngày bị địch càn, đất Nhơn Thạnh trơ trụi chỉ còn lại một chòi lá, chiều về mọi người điểm lại quân số ai còn ai mất. Ấy thế mà Đoàn VCGP đã lên một chương trình văn nghệ.

Ông Nguyễn Phát Thịnh

Bên trong căn chòi ấy, cái khạp da bò bể được đổ dầu lửa vào cháy bập bùng. Hai thanh niên cao nhất, trong đó có ông Năm Thịnh cầm rọi (đuốc) đứng hai bên làm “ban ánh sáng” phục vụ sân khấu. Chín giờ đêm, chương trình văn nghệ của Đoàn VCGP bắt đầu dù không đàn, chỉ hát chay. Khán giả là hai cô công tác nội thành ở trong buồng và những anh em thuộc đơn vị Ban Thanh niên học sinh của thị xã Bến Tre. Lần lượt hết tân nhạc đến cổ nhạc, các anh chị em trong Đoàn VCGP say sưa phục vụ đến hơn nửa đêm. Buổi văn nghệ có những tên tuổi như Bảy Hoàng, Lan Phong, Quốc Nam, Vĩnh Xuân, Huỳnh Mai… đã chinh phục khán giả.

“Thời đó, bom đạn rần rần mà được nghe tiếng hát của đoàn văn công thì tinh thần anh em phấn chấn, sẵn sàng lao vào cuộc chiến, không còn sợ hãi nữa. Các anh chị em trong Đoàn VCGP là những chiến sĩ, chấp nhận ngã xuống tại chiến trường để phục vụ. Họ sẵn sàng có mặt ở chiến hào để đem lời ca tiếng hát cổ vũ cho tinh thần chiến sĩ. Người ta thích nghe ca hát là một lẽ, nhưng quý Đoàn VCGP là ở chỗ tinh thần hy sinh phục vụ ấy!” - ông Năm Thịnh xúc động. 

A. Nguyệt - T.Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN