Niềm vui ngày trở lại trường

04/05/2020 - 06:53

BDK - Hôm nay 4-5-2020, toàn tỉnh có trên 200 ngàn học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 và sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19.

Các trường sẽ giãn cách học sinh để phòng chống dịch Covid-19.

Các trường sẽ giãn cách học sinh để phòng chống dịch Covid-19.

Vui mừng, háo hức là tâm trạng chung của nhiều giáo viên, học sinh trong tỉnh khi UBND tỉnh có chủ trương cho học sinh, sinh viên đi học trở lại từ ngày 4-5-2020 sau thời gian dài nghỉ học phòng chống dịch Covid-19. Chuẩn bị ngày đầu trở lại trường, các đơn vị giáo dục đã xây dựng kế hoạch, phương án bố trí lớp học và đảm bảo kiến thức cho học sinh, hoàn thành nhiệm vụ năm học theo thời gian quy định.

Háo hức đi học lại

Suốt thời gian phòng chống dịch Covid-19, giáo viên và học sinh chỉ dạy - học và làm việc trực tuyến. Khi có chủ trương tiếp tục việc học, toàn ngành giáo dục trong tỉnh rất phấn khởi được trở về với cuộc sống thường nhật “ngày ngày đến trường”. Chia sẻ cảm xúc trước ngày trở lại trường, cô Nguyễn Lê Tiểu Ny - giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THCS Tân Thạch (Châu Thành) cho hay: “Được đi dạy là trở lại với trường lớp, gặp gỡ đồng nghiệp, học sinh, cảm giác hòa nhập, trở về mái nhà chung, nên háo hức lắm”.

Không riêng giáo viên, các em học sinh nô nức như ngày khai giảng năm học. Em Nguyễn Thanh Hiền - học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Bến Tre) phấn khởi: “Em đã chuẩn bị đầy đủ tinh thần học tập và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 khi đi học lại. Tâm thế em lúc nào cũng sẵn sàng đến trường. Đến trường em sẽ được gặp lại thầy cô, bạn bè và tiếp tục các kiến thức còn dang dở”.

Trong suốt thời gian nghỉ học phòng dịch bệnh, các em học sinh đã tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm. Đồng thời, các em thực hiện học online trên Đài Truyền hình Hà Nội cũng như hệ thống ứng dụng do nhà trường cung cấp. Tuy nhiên, hầu hết các em vẫn muốn trở lại trường để học tập và nghe thầy cô giảng trên lớp thì “thú vị và sinh động hơn”.

Em Nguyễn Thị Mai Thi - học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho hay: “Năm nay là năm cuối cấp 3 nên việc đến trường để tiếp thu kiến thức thầy cô trực tiếp giảng dạy là rất cần thiết đối với chúng em, giúp chúng em tiếp thu dễ dàng và không bị ngắt quãng như những lúc học online”.

Được hỏi về cảm xúc sau thời gian dài nghỉ học, em Ngô Ngọc Bảo Trân - học sinh Trường THPT Phan Văn Trị (Giồng Trôm) bộc bạch: “Em cũng như các bạn khác có đôi chút lo lắng về dịch bệnh nhưng em nghĩ, nếu các bạn đều có ý thức giữ gìn vệ sinh, đeo khẩu trang thường xuyên và thực hiện đúng hướng dẫn của giáo viên thì không có gì phải lo lắng”.

Kịp thời cập nhật, bổ sung kiến thức

Thời gian này, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã hướng dẫn thực hiện kế hoạch dạy học sau đợt nghỉ do dịch bệnh để hoàn thành nhiệm vụ học kỳ 2 năm học 2019-2020. Theo đó, các trường xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị; ưu tiên bố trí đủ phòng học, trang thiết bị dạy học… bảo đảm đủ điều kiện dạy học, bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh lớp 9 và lớp 12 để hoàn thành chương trình quy định. Có biện pháp bố trí, thực hiện giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học phù hợp với điều kiện thực tế.

Giáo viên Trường THCS Vĩnh Thành (Chợ Lách) vệ sinh phòng học chuẩn bị đón học sinh trở lại trường.

Giáo viên Trường THCS Vĩnh Thành (Chợ Lách) vệ sinh phòng học chuẩn bị đón học sinh trở lại trường.

Trên tinh thần chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các trường đề ra phương án cụ thể gắn với điều kiện thực tế từng đơn vị để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ dạy, học, vừa phòng chống dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn cho học sinh.

Tại Trường THCS Vĩnh Thành (Chợ Lách), để phòng tránh dịch bệnh, trước ngày đi học trở lại, các giáo viên của trường đã làm công tác vệ sinh, phun xịt thuốc tiêu độc, khử trùng các phòng học, hành lang và khuôn viên nhà trường.

Cũng như một số cơ sở giáo dục khác, Trường THCS Vĩnh Thành gặp khó khăn trong việc giãn cách học sinh. Hiện trường có 32 lớp học, từ 40 - 43 học sinh/lớp. Do đó, để giãn cách học sinh phải chia phòng học nhưng trường không có phòng dư để chia. Trước tình trạng này, trường ưu tiên biện pháp đo thân nhiệt, sát khuẩn học sinh trước khi vào trường và cố gắng giãn bàn ghế trong phòng đến mức tối đa có thể. Đồng thời, trường khuyến cáo các phụ huynh, học sinh trang bị khẩu trang cho các em trước khi đến trường.

Một số trường có điều kiện dạy 2 buổi/ngày thì sẽ tạm dừng tổ chức dạy 2 buổi/ngày để chuyển sang dạy 2 ca/ngày. Đối với trường không đủ điều kiện cơ sở vật chất sẽ thực hiện chia lớp, giảm số buổi dạy học trực tiếp trong tuần và kết hợp với dạy học qua internet, qua truyền hình… để rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình, bảo đảm kết thúc năm học trước ngày 15-7-2020.

Tại Trường THCS Tân Thạch, thực hiện giãn cách học sinh, mỗi lớp sẽ chia làm 2 nhóm lớp học. Thời gian bố trí xen kẽ, nhóm 1 học vào ngày thứ Hai, Tư, Sáu; nhóm 2 học các ngày còn lại trong tuần và bố trí sơ đồ ngồi học theo hình chữ Z.

Theo nhiều giáo viên của trường, việc bố trí nhóm lớp có khó khăn nhất định nhưng có mặt lợi trong thời gian này. Nhóm ít, giáo viên dễ hướng dẫn và nắm bắt tình hình từng em. Có điều kiện quan tâm đến những em còn yếu, đặc biệt giúp những em không tham gia học trực tuyến trong 3 tuần qua, củng cố nội dung trọng tâm và hoàn thành các nội dung kiểm tra, để ghi được đầy đủ các con điểm hoàn thành nhiệm vụ năm học.

Ghi nhận thực tế, các giáo viên cũng xác định, để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019-2020, bản thân họ phải nỗ lực nhiều hơn, vừa chạy đua với thời gian kết thúc năm học, vừa đảm bảo cung cấp kiến thức cho học sinh.

Chuẩn bị một tâm thế thật tốt để thực hiện nhiệm vụ truyền đạt kiến thức cho các em học sinh, cô Nguyễn Lê Tiểu Ny đã xây dựng kế hoạch cá nhân nhằm đáp ứng kế hoạch chung của nhà trường. Trong đó, cô sẽ thay đổi kế hoạch dạy học cho phù hợp yêu cầu hiện nay; vừa tinh gọn, trọng tâm, vừa phải theo dõi khả năng nắm bắt của học sinh. “Theo sát các em là rất quan trọng vì nếu các em không theo kịp, sẽ chán nản, có lỗ hổng rồi, rất khó học ở năm tiếp theo”, cô Tiểu Ny cho hay.

Theo thống kê, Trường THCS Tân Thạch có 1.138 học sinh tham gia học trực tuyến trên hệ thống (chiếm tỷ lệ 70%). Số học sinh còn lại, giáo viên sẽ có kế hoạch phụ đạo, hỗ trợ. Những em khá giỏi, giáo viên định hướng thêm để các em có kế hoạch và phương pháp tự học.

“Trong thời gian này, giáo viên và học sinh phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn tất năm học như thời gian dự kiến của Bộ GD&ĐT. Bản thân phải động viên các em nhiều hơn, không quá khắt khe đòi hỏi nhiều ở các em được. Đồng thời, tạo điều kiện giúp đỡ và phải “mềm hóa”, “đơn giản hóa” mọi yêu cầu đối với học sinh. Đặc biệt, ưu tiên tập trung cho những em không học trực tuyến trên hệ thống Vnedu thời gian qua”, cô Tiểu Ny bày tỏ.

Theo cô Huỳnh Thị Loan - giáo viên bộ môn Tiếng Anh, Trường THCS Tân Thạch, các em học sinh phải đến lớp đầy đủ trong thời gian trở lại trường để cập nhật nội dung kiến thức kịp thời. Thực hiện theo hướng dẫn của giáo viên bộ môn, học bài và làm bài tập đầy đủ, duy trì nề nếp cũng như không lơ là, chủ quan khi khi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN