|
Kiểm tra tân binh ngắm súng. |
Giữa thao trường, nhìn sự chỉnh chu đến từng chi tiết của các trung đội trưởng và tiểu đội trưởng trong hướng dẫn các thao tác kỹ thuật, tôi cảm được phần nào sự nhiệt huyết trong các anh. Hơn ba tháng để bắt đầu cho đời lính 18 tháng hoặc có người gắn bó với quân đội dài hơn thế.
Một chiều cuối tháng 11, lớp huấn luyện chiến sĩ mới Bộ đội Biên phòng kiểm tra kết thúc hai tháng rưỡi quân trường theo qui định của Bộ Quốc phòng. Sau đợt kiểm tra này, các anh còn thêm một tháng huấn luyện nghiệp vụ biên phòng. Những chàng trai thư sinh ngày nào nay đã sạm màu nắng. Cách đi đứng, chuyện trò cũng chững chạc hẳn ra. Tôi tranh thủ làm việc với Ban Chỉ huy Đại đội 19, trong khi chờ các tân binh kiểm tra lý thuyết. Những tưởng sau gần hai giờ kiểm tra, các anh sẽ được nghỉ, nhưng không. Hết giờ kiểm tra, 70 chiến sĩ lại tập hợp, thay quân phục thao trường và tiếp tục huấn luyện. Hết tập ngắm súng đến luyện võ thể thao…, đúng 17 giờ 30, một ngày huấn luyện của chiến sĩ mới kết thúc. “11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần, cả chỉ huy và lính đều răm rắp như vậy” – Phó Đại đội trưởng Đại đội 19, Trung úy Huỳnh Trung Dũng cho biết.
Huấn luyện võ thuật.
Với người đã trui rèn qua 5 năm Đại học Biên phòng như Trung úy Dũng, hàng ngày khép mình theo chế độ sinh hoạt quân đội là chuyện bình thường. Còn với các tân binh vừa nhập ngũ, quả là khúc quanh cuộc đời. Chiến sĩ Lê Bá Tól vẫn nhớ như in ngày đầu tiên anh cùng đồng đội từ Bạc Liêu ngồi xe cả ngày đến Bến Tre vào buổi chiều tắt nắng. Doanh trại Đại đội 19 xa lắc giữa cánh đồng muối mênh mông thuộc xã An Thủy (Ba Tri). Xa nhà, giữa chốn lạ huơ, đã vậy thời gian đầu học lý thuyết, chẳng bước ra được khỏi cổng, có lúc Tól tưởng mình không thể vượt qua. Còn với Thạch Sang (cũng quê Bạc Liêu), tiếng kẻng là dấu ấn đầu tiên của đời quân ngũ. “Chị thử tưởng tượng nhe, đang ngủ bỗng nghe kẻng báo động. Giật mình, không định hồn được mình là ai, ở đâu luôn đó” – Sang bộc bạch. Còn sau hai tháng rưỡi quân trường thì sao? – Tôi hỏi. “Đâu có tới hai tháng rưỡi, chỉ hơn tuần là quen rồi. Bây giờ tiếng kẻng như lời nhắc nhớ: mình là bộ đội, phải luyện giỏi rèn nghiêm” – Sang cười vui vẻ. Tól thì ra vẻ rất… người lớn: “Giá như em đi bộ đội sớm hơn…”. Tól kể, quê anh tận xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Nhà có 3 anh em, ba mẹ đặt rất nhiều niềm tin vào con trai cả Lê Bá Tól. Vậy mà Tól rớt tốt nghiệp cấp 3. Chán, nhậu nhẹt, la cà, có khi cả đêm anh không về nhà. Một năm trời như thế. Nhưng chỉ sau 2 tuần nhập ngũ, Tól gửi thư về nhà, trong đó có đoạn: “…Con xin lỗi ba mẹ vì thời gian qua không nghe lời ba mẹ, mặc tình ba mẹ khuyên bảo thế nào con cũng không nghe. Nhưng thời gian đi vào quân đội, con đã nhận ra và ý thức được những lời ba mẹ dặn bảo. Ba mẹ hãy tha lỗi cho con…”. Nhận được thư, mẹ Tól gọi điện thoại lên khóc mướt. Tól cười bẽn lẽn: “Em cũng rưng rưng nhưng mình là bộ đội rồi, không được khóc, phải làm tốt hơn”.
Tập ngắm súng.
Đại đội 19 tham gia công tác huấn luyện chiến sĩ mới từ năm 1998 đến năm 2004 thì gián đoạn do xây dựng lại cơ sở vật chất. Đầu năm nay, đơn vị nhận khóa huấn luyện đầu tiên và 70 chiến sĩ đến từ ba tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Trà Vinh lần này là khóa thứ 2. Cũng còn lắm khó khăn nhưng chỉ huy và lính cùng vượt qua trở lực. Trung úy Huỳnh Trung Dũng cho biết thao trường, bãi tập, mô hình, học cụ phục vụ huấn luyện của đơn vị còn thiếu rất nhiều: “Với chúng tôi, ụ đất tượng trưng cho xe tăng, bọc thép. Đồ dùng gây nổ, mô hình các loại súng phải tự vẽ”. Dù vậy, nhưng kết quả huấn luyện của đơn vị được đánh giá rất tốt. Kết quả huấn luyện khóa I-2009, hầu hết đều đạt giỏi. Trung úy Dũng nói: Đợt đầu chúng tôi nhận được phản hồi tốt từ các tỉnh. Chiến sĩ sau khi huấn luyện trở về đơn vị đều làm được việc…
Huấn luyện trong điều kiện còn lắm khó khăn nhưng chất lượng vẫn đảm bảo bởi ở đây còn có cả tình cảm, lòng nhiệt thành của những thầy giáo mang quân hàm. Đại úy Lê Minh Tường – Trung đội trưởng Trung đội 2 nói: “Chúng tôi giáo dục chiến thuật, kỹ thuật từng li từng tí, sâu sát đến từng chiến sĩ về công tác tư tưởng. Trong huấn luyện, chúng tôi lấy điển hình ngay trong chiến sĩ để làm động lực phấn đấu, cùng học hỏi lẫn nhau”. Chiến sĩ đến từ nhiều địa phương, đoàn kết, không phân biệt đối xử là điều tiên quyết. Nhưng do trình độ học vấn, khả năng tiếp thu kiến thức của lính đầu vào có khác nhau nên trong huấn luyện đòi hỏi người thầy phải có cái nhìn bao quát và hết sức nhiệt thành với học trò. Trong khóa huấn luyện này, tân binh Thạch Oanh Nươe (Trà Vinh) thừa nhận mình là người chểnh mảng nhất. Nươe theo không kịp đồng đội trong tiếp thu bài giảng nên có lúc muốn bỏ cuộc. Vậy mà, đợt kiểm tra kỹ thuật quân sự vừa rồi, Nươe đạt loại giỏi. Anh cười rất hiền: “Mấy anh, mấy chú ở đây hướng dẫn tận tình lắm. Em buồn, mấy chú xuống an ủi, kể chuyện ngày xưa mấy chú cũng phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Em thấy tự tin hẳn…”.
Giữa thao trường, nhìn sự chỉnh chu đến từng chi tiết của các trung đội trưởng và tiểu đội trưởng trong hướng dẫn các thao tác kỹ thuật, tôi cảm được phần nào sự nhiệt huyết trong các anh. Hơn ba tháng để bắt đầu cho đời lính 18 tháng hoặc có người gắn bó với quân đội dài hơn thế. Thời gian dẫu không dài nhưng đó là nền tảng quan trọng để người lính vững bước trên con đường binh nghiệp. Chia tay các anh khi hoàng hôn đã tắt từ lâu. Dư âm câu nói của chiến sĩ Thạch Oanh Nươe – người dân tộc Khơ-mer hòa cùng gió biển đậm đà lưu luyến bước chân đi: “Đời lính quân trường, kỷ luật quân đội đã cho tôi cách sống mới, nề nếp hơn, đàng hoàng hơn. Bây giờ, trước khi làm gì tôi cũng có suy nghĩ điều đó đúng không, nếu đúng thì phải làm cách nào, phương pháp nào cho nhanh, cho gọn”…