Niềm vui xã nông thôn mới An Nhơn

18/05/2018 - 06:33

Trường Tiểu học An Nhơn vừa đưa vào sử dụng. Ảnh: T. H

Trường Tiểu học An Nhơn vừa đưa vào sử dụng. Ảnh: T. H

An Nhơn là xã thuộc tiểu vùng III của huyện Thạnh Phú, có diện tích tự nhiên hơn 2.500ha. Toàn xã có 3 ấp với hơn 1.400 hộ. Kinh tế của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trong đó cây lúa và con tôm được xem là cây trồng và vật nuôi chủ lực. Trong những năm gần đây, con bò, con dê tăng mạnh về số lượng, hoạt động thương mại, tiểu thủ công nghiệp cũng không ngừng phát triển và lớn mạnh. Đặc biệt, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (NTM) được đảng bộ, chính quyền và người dân quan tâm thực hiện hoàn thành khá sớm, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên đáng kể.

Bộ mặt nông thôn thay đổi toàn diện

Trước khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã chỉ đạt 4/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao 18,2%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 17,3 triệu đồng/năm. Từ cuối năm 2015, xã tập trung mọi nguồn lực và giải pháp để tăng tốc thực hiện 19 tiêu chí NTM. Hiện nay xã có 11,858km đường trục xã, liên xã và 3,83km/5,33km đường từ xã đến ấp, liên ấp đạt chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó, các tuyến đường liên tổ cũng được bê-tông hóa, không còn lầy lội vào mùa mưa và các cây cầu được xây dựng kiên cố. Các tuyến kênh thủy lợi đã được nạo vét cơ giới đảm bảo phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Xã có 1 trung tâm văn hóa thể thao được xây dựng đạt chuẩn. Các ấp đều có hội trường văn hóa và trụ sở làm việc của ấp; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên.

Công tác văn hóa, giáo dục luôn được quan tâm. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 86%, 3 trường ở 3 cấp học được xây dựng mới khang trang, đạt chuẩn quốc gia. Y tế xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Hỗ trợ xây mới 65 nhà cho bà con trong diện khó khăn. Đến nay xã không còn nhà tạm bợ dột nát, tỷ lệ nhà đạt chuẩn trên 85%. Có trên 95% số hộ thực hiện chỉnh trang hàng rào, cổng rào theo quy định, hệ thống đường giao thông trục xã, liên xã, đường từ xã đến ấp, đường liên ấp, liên xóm đều được trồng cây xanh. 99,5% hộ dân có hố xí hợp vệ sinh. 100% hộ dân có hệ thống tiêu thoát nước đảm bảo vệ sinh. 100% số hộ sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi có cam kết bảo vệ môi trường. Có 1.478 hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đạt 100%. Tổng nguồn lực huy động để thực hiện là 96,373 tỷ đồng và trên 20.000m2 đất, hàng ngàn ngày công lao động. Trong đó, người dân đóng góp chiếm 11%, các mạnh thường quân 8,43%.

Ông Lê Văn Vũ - Ban Phát triển ấp An Định cho biết: Ban Phát triển ấp và các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia các phong trào do xã phát động; thành lập nhiều mô hình liên kết làm ăn có hiệu quả như: Tổ hợp tác (THT) lúa sạch, THT nuôi bò, THT nuôi dê sinh sản… Qua đó, góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Đón nhận danh hiệu xã NTM

Xây dựng NTM là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân nên được nhân dân đồng tình ủng hộ. Vì vậy, nhân dân An Nhơn rất vui mừng đón nhận danh hiệu xã NTM với tất cả niềm tin, sự hân hoan về những thành quả mà xã nhà đạt được. Đó là kết quả của một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân xã nhà.

 Ông Ngô Văn Sê, ấp An Bình phấn khởi cho rằng: “Qua gần 7 năm, tôi đã chứng kiến sự thay da đổi thịt trên quê hương An Nhơn. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Sản xuất nông nghiệp được người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm; việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được thực hiện phù hợp, đúng với quy hoạch. Nhiều tuyến đường giao thông, trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu của người dân trong xã”.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, người dân là chủ thể trong xây dựng NTM nên những công trình đều được bàn bạc, trao đổi, thống nhất với các hộ dân khu vực hưởng lợi và nhận được sự đồng thuận cao. Các THT được thành lập đã giúp cho người dân có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, áp dụng những kỹ thuật mới vào trong sản xuất, từ đó hiệu quả kinh tế được nâng lên, đời sống được cải thiện.

Theo Chủ tịch UBND xã Dương Văn Huyện, qua triển khai xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của xã có sự chuyển biến rõ nét từ hiệu quả đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng đường giao thông nông thôn, thủy lợi, mạng lưới điện, chợ, trường học. Kinh tế phát triển khá ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao được hình thành và nhân rộng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,9 triệu đồng vào năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,2% năm 2011 xuống còn 3,16% năm 2017.

“Đảng bộ và nhân dân xã An Nhơn sẽ quyết tâm hơn nữa trong việc củng cố, nâng chất các tiêu chí xã NTM, hoàn thiện từng tiêu chí lên mức cao hơn để đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân xã ngày càng tốt hơn, nông thôn An Nhơn ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn” - ông Dương Văn Huyện nhấn mạnh.

Nguyễn Thanh 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN