Nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường

17/06/2019 - 07:00

BDK - Sau gần 1 năm triển khai Đề án số 4113/ĐA-UBND về thực hiện tiêu chí (TC) số 17 - môi trường (MT) và an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 (Đề án 4113), các địa phương đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để duy trì và phát huy cần có biện pháp căn cơ lâu dài.

Đoàn kiểm tra của Chi cục Bảo vệ môi trường kiểm tra kết quả thực hiện tiêu chí số 17 tại Thới Thạnh (Thạnh Phú). Ảnh: Cẩm Trúc

Đoàn kiểm tra của Chi cục Bảo vệ môi trường kiểm tra kết quả thực hiện tiêu chí số 17 tại Thới Thạnh (Thạnh Phú). Ảnh: Cẩm Trúc

Tiêu chí khó

Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 45 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM), các xã còn lại đạt tối thiểu 10 TC, trong đó phải có 4 TC là thu nhập, giao thông, an ninh và MT. Cuối năm 2018, tỉnh đã có 24 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM.

Trong quá trình xây dựng NTM, số xã đạt TC số 17 về MT rất thấp, tiến độ thực hiện TC tại các xã rất chậm. TC này được các địa phương đánh giá là khó thực hiện trong 19 TC NTM vì các chỉ tiêu trong TC phần lớn thuộc trách nhiệm của hộ gia đình thực hiện, nên đòi hỏi công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác thực hiện là rất quan trọng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Văn Chinh cho biết, để đạt được TC số 17 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra, tháng 8-2018, UBND tỉnh đã ban hành Đề án 4113 nhằm đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để các ngành, các địa phương thực hiện. Nhiều địa phương đã xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường (BVMT) để triển khai, nhân rộng. Xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú với mô hình vườn xanh - sạch - đẹp - hiệu quả kinh tế, hay mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt, tuyến đường hoa tại xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm được các thành viên đoàn kiểm tra TC số17 đánh giá cao…

Tại xã An Phú Trung, huyện Ba Tri, trước đó, xã có trên 2 ngàn hộ dân, trong đó, còn 47 hộ chưa xây dựng hố xí hợp vệ sinh. Qua gặp gỡ, tuyên truyền, vận động, đa số người dân đều đồng thuận, cam kết sẽ tháo dỡ cầu tiêu ao cá, đồng thời đăng ký xây dựng hố xí hợp vệ sinh, góp phần bảo vệ MT.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã xây dựng và ban hành thiết kế mẫu nghĩa trang nhân dân; Sở TN&MT thực hiện chuyên đề “Khảo sát, đánh giá nhận thức của người dân về bảo vệ MT trong xây dựng NTM”. Đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện TC số 17 tại 60 xã.

Từ đầu năm 2019 đến nay, đề án tập trung hỗ trợ hộ dân xây dựng hố xí hợp vệ sinh và công tác truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch và vệ sinh MT nông thôn. Đến nay, chỉ tiêu hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch theo quy chuẩn quốc gia có 91/147 xã tự đánh giá đạt; 54 xã tự đánh giá đạt về cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản và làng nghề trên địa bàn đảm bảo các quy định về bảo vệ MT; các hộ có nhà tắm kín đáo, hố xí hợp vệ sinh, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch có 42 xã tự đánh giá đạt; về chăn nuôi đảm bảo vệ sinh MT có 58 xã tự đánh giá đạt; về hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm có 24 xã tự đánh giá đạt…

Thực hiện chưa thực chất

Theo đánh giá của ngành chức năng, thực hiện Đề án 4113, các địa phương có sự nỗ lực để hoàn thành TC MT, tuy nhiên kết quả thực hiện chưa được như mong đợi. Các địa phương tuy có xây dựng kế hoạch thực hiện đề án nhưng việc triển khai thực hiện chưa thực chất, chỉ tập trung tại các xã đã đạt 14 TC xây dựng NTM. Ngoài ra, kinh phí phân bổ thực hiện đề án còn thấp hơn so với nhu cầu thực tế của các địa phương và cũng chỉ tập trung tại các xã đạt 14 TC. Một vài địa phương chưa thật sự chủ động trong việc thực hiện TC, thiếu nhân sự phụ trách, chưa phân công rõ nhiệm vụ cụ thể, còn lúng túng trong việc thực hiện.

Ghi nhận thực tế, tại xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, mặc dù có nhà máy nước nhưng nhiều hộ dân trong khu vực vẫn phải bơm nước lên lắng lọc để xài. Theo hộ bà Huỳnh Thị Đé ở Ấp 5, xã Mỹ Thạnh, do gia đình ở nơi trẻo nên đường ống nước vào sẽ tốn kém nên gia đình vẫn sử dụng nước sông qua lắng lọc.

Bên cạnh đó, tỷ lệ cơ sở, hộ chăn nuôi đăng ký thủ tục MT thấp; vấn đề ô nhiễm MT do chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương ngày càng “nóng”; việc trông chờ vào sự hỗ trợ của ngân sách để thực hiện các công trình vệ sinh MT còn phổ biến trong người dân; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được tập huấn kiến thức, khám sức khỏe và thực hiện cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định chưa đạt yêu cầu.

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Chinh cho biết, để thực hiện thành công TC số 17 trên địa bàn xã, ngoài việc các địa phương có kế hoạch cụ thể thì có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, có kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện. Các ngành, các cấp và các địa phương cần chủ động đổi mới công tác tuyên truyền về bảo vệ MT. Việc bình chọn, tuyên dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến về thực hiện tốt công tác bảo vệ MT tại các tổ, ấp cần được thực hiện thường xuyên.

“Sau nhiều năm thực hiện xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn đã đổi thay đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn được cải thiện rõ rệt, công tác bảo vệ MT đã được quan tâm và có chuyển biến tích cực về xây dựng cảnh quan MT, xanh - sạch - đẹp - an toàn. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã có thêm 17 xã được công nhận đạt TC số 17, nâng tổng số xã được công nhận là 41 xã”.

(Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Chinh)

Minh Trí - Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN