Được sự giúp đỡ của mọi người, chị T.T.H đã thật sự tái hòa nhập cộng đồng và tham gia vào các hoạt động xã hội. Chị là một trong 8 cộng tác viên đồng đẳng phụ trách phòng, chống HIV/AIDS của huyện Ba Tri. Chị tâm sự: Khi tham gia vào công tác này, tôi được trao đổi học tập kinh nghiệm, thành lập theo nhóm giáo dục đồng đẳng, các tài liệu truyền thông được xây dựng phù hợp với các nhóm (xoay quanh hành vi tiêm chích ma túy và mãi dâm).
Anh Nguyễn Trúc Phương, phụ trách chương trình phòng, chống HIV/AIDS Trung tâm Y tế Ba Tri cho biết: “Hàng tuần, các nhóm đều họp giao ban báo cáo kết quả và trao đổi kinh nghiệm. Hàng tháng, các nhóm tổ chức sinh hoạt với những người có hành vi nguy cơ cao. Các giáo dục viên đồng đẳng được phân công phụ trách tụ điểm, mỗi đồng đẳng viên phụ trách khoảng 20 khách hàng, thuộc đối tượng: “làng chơi”. Thông tin trực tiếp các kiến thức về HIV/AIDS, các biện pháp phòng tránh, phát các tờ rơi, tờ bướm, bao cao su, vận động các chị em hành nghề... đi khám bệnh để phát hiện sớm và điều trị kịp thời những bệnh lây truyền qua đường tình dục, thường xuyên tiếp cận người nhiễm HIV để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, công ăn việc làm, tình hình sức khỏe và diễn biến tư tưởng... góp phần cùng xã hội đẩy lùi các tệ nạn xã hội và HIV/AIDS”.
Chị H chia sẻ. Ngày trước chị cũng làm “nghề ấy”, khi bỏ được “nghề” và được nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng đến tư vấn, chị đã đồng ý làm đồng đẳng viên. Là người đã từng sa ngã vào các tệ nạn xã hội, hơn ai hết chị là người hiểu tâm tư tình cảm, cũng như thói quen của chị em. Mỗi khi gặp gỡ và tiếp xúc với đối tượng đang hành nghề, chị đều nhận được “thông tin phản hồi” là những lời: “chửi bới bài bản”, nhiều lúc muốn bỏ công việc tư vấn. Nhưng được sự động viên của những người đi trước: “Con người mới tập đi cũng phải đi từng bước một, hơn nữa là công việc tất cả cần phải có thời gian và lòng kiên nhẫn...”, chị đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành công việc, 38 chị em được chị tư vấn thành những người hoàn lương, hướng thiện. Những buổi tuyên truyền cho mọi người cũng giúp chị thay đổi cuộc sống của mình. Xã hội muôn mặt, luôn rộng mở, bao dung, sẵn sàng đón các chị em trở lại cuộc sống đời thường, sau những lần vấp ngã...
Công việc của giáo dục viên đồng đẳng thật sự là một công việc có ích cho xã hội. Chị H cùng các đồng nghiệp đã góp một phần trong việc ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng căn bệnh thế kỷ. Hình ảnh của chị em bị nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS là những gì còn ám ảnh mãi trong chị và nhắc nhở chị phải tư vấn nhiều hơn nữa, góp phần nhỏ bé cùng xã hội đẩy lùi tệ nạn HIV/AIDS. Chị muốn gởi lời nhắn nhủ đến các chị em còn đang làm “nghề”: “Hãy tìm lối thoát khỏi hành lang tối tăm, mịt mờ khi căn bệnh thế kỷ chưa kịp tìm đến, đừng để phải ân hận nuối tiếc muộn màng”.