|
Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh tặng xe lăn cho người tàn tật. Ảnh: B.Tr |
Đến Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật vào những ngày giữa tháng 4, tôi được nghe nhiều câu chuyện xúc động về các học viên ở trường. Họ đã vượt qua rào cản của bản thân và tìm đến Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật để học.
Nơi đây, họ có thể hát ca, giao lưu văn nghệ, và cũng chính nơi đây giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống, mạnh dạn hơn khi tiếp xúc với cộng đồng. Hơn thế, họ đã tìm được một trái tim đồng cảm, một nửa của mình và niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi. Những tâm hồn cô đơn, khép kín đã gặp nhau và tình yêu của họ đã làm rung động trái tim những ông “Tơ”, bà “Nguyệt” bất đắc dĩ ở Tỉnh hội Người mù. Có nhiều người chứng kiến đám cưới của những đôi trai gái này phải thốt lên: “Thật không tin nổi, thật bất ngờ!”. Từ năm 1995 đến năm 2005, Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật tỉnh đã có trên 100 cặp thành chồng, thành vợ, hầu hết những học viên có hoàn cảnh giống nhau, một số người không có điều kiện tổ chức đám cưới, một số không có người thân, mồ côi, hoàn cảnh nghèo... Những trường hợp đó, Tỉnh hội luôn ở bên cạnh động viên tinh thần và làm nhịp cầu nối cho họ khi họ cần. Bởi niềm vui và hạnh phúc của họ cũng chính là niềm vui của hội - anh Huỳnh Văn Kha, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh phụ trách đời sống nói.
Khi gần đến ngày kết thúc một khóa học, các thầy cô ở Trung tâm thấy anh học trò Nguyễn Văn Nuôi (gần 50 tuổi), quê Mỏ Cày Nam, cứ đứng ngồi không yên. Ở lớp làm nhang, học trò Huỳnh Thị Tỏ Em cũng tương tự, ít nói, tâm trạng lúc nào cũng bồn chồn, lo âu. Thấy lạ, thầy cô giáo của Trung tâm gặng hỏi mới biết là cả hai không muốn ra trường và sợ đến ngày tốt nghiệp. Hoàn cảnh của anh Nguyễn Văn Nuôi, cha mẹ mất sớm, gia đình nghèo, vào Trung tâm học nghề để có thể nuôi bản thân. Năm 2004, anh Nuôi đã đến Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật tỉnh học. Những ngày sống ở đây, anh đã quen và yêu Tỏ Em. Mối tình ngày một lớn lên, nhưng để đơm hoa kết trái, điều ấy vượt qua mơ ước của hai người. Rồi hai người đã đem chuyện riêng tư bộc bạch với các thầy cô của Trung tâm. Biết chuyện, Ban Chấp hành Hội Người mù tỉnh cũng như Trung tâm đã đồng ý đại diện hai họ nhà trai, nhà gái để đứng ra tổ chức lễ tuyên hôn cho hai người vào ngày tốt nghiệp. Một đám cưới nhỏ, không có rượu tràn ly, khách mời cũng không váy áo lộng lẫy nhưng đủ nghi thức, có nhẫn cưới, đôi bông. Những giọt nước mắt hạnh phúc của cô dâu, chú rể trong ngày vui ấy khiến mọi người đến dự đều xúc động.
Tương tự, anh Huỳnh Văn Thanh (Giồng Trôm) cũng có hoàn cảnh khó khăn, sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, anh bị khuyết tật bẩm sinh. Anh rất nhút nhát và mặc cảm, nên rất ít nói. Trong những ngày giao lưu văn nghệ tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật tỉnh, anh đã gặp chị Phan Thị Hiền (Bình Đại) có cùng hoàn cảnh. Cứ thế, sau những lần văn nghệ hai người ngồi chuyện trò với nhau và tình yêu đến lúc nào không hay biết. Khi kết thúc khóa học, anh Thanh và chị Hiền đến gặp những người ở Tỉnh hội tâm sự và một đám cưới giản dị được tổ chức.
Chị Lê Thị Thanh Thúy (Ba Tri) mồ côi từ nhỏ, sống với người bác. Năm 12 tuổi, Thúy đến Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật học văn hóa và bắt đầu cuộc sống xa nhà. Tại đây, Thúy và Nguyễn Văn Khang, xã Thành Triệu (Châu Thành) quen nhau và trở thành bạn thân. Khi học xong cấp I, Khang nghỉ học và về Thành Triệu, Thúy ở lại phụ giúp quán cà phê ở Thị xã. Thầy cô ở trường thấy vậy đã giúp đỡ, động viên Thúy tiếp tục học. Thúy đã phấn đấu học xong cấp III. Những lúc đi học, Thúy ở lại trường và Khang (người bạn thân) cũng thỉnh thoảng xuống “thăm lớp”. Những lúc ngồi nói chuyện bên băng đá ở trường, hai người hiểu nhau hơn và họ cảm thấy không thể sống xa nhau. Thúy đã bày tỏ hết nỗi lòng của mình với Hội Người mù tỉnh. Chị tâm sự: “Tôi không nghĩ mình sẽ tìm được hạnh phúc lứa đôi và càng không nghĩ mình có được một đứa con kháu khỉnh khi đến tuổi về chiều. Chính nơi đây - Hội Người mù - đã giúp tôi mạnh mẽ, tự tin hơn và tìm được cho mình hạnh phúc”.
Còn rất nhiều cặp vợ chồng đã quen nhau tại Trung tâm Dạy nghề, Hội Người mù tỉnh. Họ đã nên duyên. Có nhiều cặp đã vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo và có con rất ngoan: vợ chồng cô Thái Thị Tư và Lê Đức Phong (Châu Thành), hay anh Hồ Văn Muôn và chị Thái Thị Hương (Ba Tri)... Tuy không nói ra nhưng ai cũng có thể cảm nhận được sự khao khát của người khuyết tật về một cuộc sống bình yên và bình thường như bao người. Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật - Hội Người mù tỉnh đã giúp những người bất hạnh tìm thấy chân trời mới đầy ắp yêu thương và sự cảm thông.