Trước Cách mạng tháng Tám 1945, ở nước ta dân số nông thôn chiếm tới trên 90% dân số cả nước. Người nông dân bị hai tròng áp bức, vừa của thực dân, vừa của phong kiến. Quan hệ ruộng đất mang nặng tính chất phong kiến, thuộc địa, phần lớn ruộng đất đều nằm trong tay địa chủ và chủ đồn điền của thực dân, có tới gần 60% số hộ nông dân không có ruộng đất, phải đi làm thuê, nộp tô nộp tức, sưu cao thuế nặng, quanh năm lam lũ, quanh năm đói rách. Cơ sở vật chất- kỹ thuật nông nghiệp không đáng kể. Hệ thống đê điều được hình thành từ mấy trăm năm trước, hàng năm không được tu bổ đầy đủ, nên chỉ trong 40 năm (tính từ năm 1900) đã có tới 16 lần vỡ đê lớn. Hệ thống thủy nông chỉ tưới được cho phần nhỏ diện tích (15%), còn phần lớn phải dựa vào nước trời, vì vậy thường gặp cảnh “chiêm khê, mùa thối”.
Hầu hết diện tích chỉ cấy được một vụ lúa với năng suất rất thấp. Lương thực hàng năm không đủ dùng ở trong nước, nhưng thực dân vẫn vơ vét xuất khẩu, làm cho người dân sống trong cảnh không năm nào không có người chết đói; đặc biệt năm 1945 vừa gặp thiên tai, vừa bị phát – xít Nhật bắt phá lúa trồng đay, đốt thóc làm nhiên liệu, nên có đến 2 triệu người chết đói,…
Theo tiếng gọi của Đảng, người nông dân cùng với gia cấp công nhân đã vùng lên làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất.
Nông nghiệp, nông thôn nước ta sau Cách mạng tháng Tám, mà đặc biệt là từ công cuộc Đổi Mới trỉo lại đây đã đạt được nhiều thành tựu lớn lao.
Thành tựu thần kỳ là sản xuất lương thực. Năm 2010 tăng cao so với trước cách mạng (diện tích lúa cao gấp trên 1,7 lần, năng suất cao gấp gần 4,6 lần, nên sản lượng cao gấp 8,1 lần, sản lượng bình quân đầu người gấp trên 2,1 lần). Nhờ vậy, lương thực từ chỗ phải nhập khẩu lớn, thì từ năm 1989 Việt Nam đã liên tục xuất khẩu gạo với khối lượng lớn đứng thứ 2 thế giới.
Tính từ năm 1989 đến tháng 7/2011, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt trên 81,6 triệu tấn, với kim ngạch gần 24,6 tỷ USD.
Việt Nam không chỉ bảo đảm an ninh lương thực trong nước mà gần đây quốc tế đánh giá Việt Nam còn góp phần đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực toàn cầu. Nhờ an ninh lương thực được bảo đảm, nên sản xuất nông nghiệp đã phát triển tương đối toàn diện. Sản lượng nhiều loại cây, con cao gấp nhiều lần trước cách mạng, cao nhất là cà phê, ngô, hạt tiêu,...
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có khối lượng lớn, đứng thứ hạng cao trên thế giới, như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản,…
Nông nghiệp góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế- xã hội thập kỷ 80 thế kỷ trước, góp phần ổn định ở trong nước để ứng phó với bất ổn ở bên ngoài (khủng hoảng tài chính- tiền tệ khu vực năm 2007- 2008, khủng hoảng chu kỳ cộng hưởng với sự kiện 11/9/2001 ở Mỹ, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008- 2009).
Xuất phát từ nông nghiệp đi lên, nước ta hiện còn 70% dân số sống ở nông thôn, một nửa số lao động làm trong nông, lâm nghiệp- thủy sản, còn có năng suất lao động thấp, mức sống còn thấp, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, trình độ tay nghề, trình độ khoa học- công nghệ còn thấp. Vì vậy, có một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm, đó là coi CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn là trọng điểm; nâng tỷ trọng vốn đầu tư cho khu vực này; rút bớt lao động nông nghiệp trên cơ sở ly nông bất ly hương; coi trọng thị trường trong nước, trong đó quan tâm đến thị trường nông thôn,…
Công cuộc xây dựng nông thôn mới là công cuộc đổi mới lần thứ hai ở nông nghiệp, sẽ góp phần làm cho nông nghiệp, nông thôn song hành cùng đất nước để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.