Nước mặn đang “đe dọa” nhiều nhà máy nước nông thôn

04/03/2011 - 08:25
Kiểm tra hệ thống xử lý nước tại nhà máy nước Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc). Ảnh: H.Vũ

Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre hiện quản lý 52 nhà máy nước nông thôn. Nhà máy có công suất thấp nhất là 5 m3/giờ, cao nhất là 165 m3/giờ, cung cấp nước tương ứng cho từ 200 - 8.000 hộ/nhà máy. Các nhà máy lấy nguồn nước thô từ sông, kênh, rạch vào ao lắng, rồi bơm lên hồ chứa và xử lý hóa chất khử trùng, đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế để cung cấp cho hộ dân sử dụng.

Các nhà máy nước nông thôn của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường Bến Tre đã cung cấp nước cho 27.000 hộ dân. Hàng năm, vào mùa khô, nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh được người dân quan tâm, hạn chế dịch bệnh phát sinh, gây hại sức khỏe.

Theo ông Phạm Trung Tính - Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường Bến Tre, trên địa bàn tỉnh, các vùng nông thôn đều không có mạch nước ngầm (trừ nhà máy nước ngầm Hữu Định nhưng chất lượng nước vẫn không đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế). Trung tâm thường căn cứ vào các dự án ngăn mặn đã khởi công hoặc sẽ khởi công để đầu tư nhà máy nước phục vụ hộ dân nông thôn. Cái khó đã và đang đặt ra là hàng năm nước mặn từ các cửa sông chính xâm nhập càng sâu vào đất liền, trong khi đó các dự án ngăn mặn chưa được thi công khép kín. Năm 2010, nhiều nhà máy nước của trung tâm phải cung cấp nước mặn vượt mức quy định của Bộ Y tế để phục vụ cho hộ dân. Năm 2011, mặn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng gay gắt hơn. Trung tâm đã chỉ đạo các nhà máy duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị và nạo vét ao lắng trữ nước thô. Những ngày qua, lịch mở và đóng cống đập Ba Lai chưa hợp lý, mặn đã xâm nhập vào vùng ngọt hóa. Nhà máy nước Tân Mỹ (Ba Tri) và Thới Lai (Bình Đại) phải lấy nguồn nước thô, với độ mặn 0,5%o xử lý phục vụ cho hộ dân. Tình trạng mở, đóng cống không hợp lý tiếp tục duy trì cộng với mặn xâm nhập sâu vào sông Giao Hòa - An Hóa, nguồn nước ngọt cung cấp cho hộ dân thật sự khan hiếm. Các nhà máy nước trên địa bàn huyện Thạnh Phú: Hòa Lợi, Thới Thạnh và Thạnh Phú sử dụng nguồn nước do kênh Phụ Nữ dẫn từ sông Thom về; hiện nước mặn chưa xâm nhập sâu vào sông Thom nhưng độ mặn 0,9%o (tiêu chuẩn của Bộ Y tế không vượt 0,3%o) đã xâm nhập đến các nhà máy, do cống Cái Ráng đang bị rò rỉ nước mặn từ sông Cổ Chiên vào. Ông Tính cho rằng, mùa mặn năm nay tiếp tục diễn ra gay gắt, sẽ có nhiều nhà máy phải chấp nhận cung cấp nước mặn cho hộ dân sử dụng sinh hoạt. Cống Thủ Cửu chưa được khởi công, các nhà máy nước thuộc huyện Giồng Trôm lấy nguồn nước thô từ sông này phải chịu ảnh hưởng mặn. Hay cống Cái Quao cũng chưa được khởi công, ảnh hưởng đến các nhà máy nước thuộc huyện Mỏ Cày Nam. Một áp lực nữa đối với các nhà máy nước nông thôn là tình hình tiết giảm điện; nhà máy nước Tân Mỹ, đường ống được lắp đặt đến tận xã An Thủy, phục vụ cho rất nhiều hộ dân nông thôn vẫn không được ưu tiên cung cấp điện. Điện cúp một ngày, hộ dân vẫn phải mở van xả nước sử dụng. Nhà máy phải bơm nước ba ngày liên tục, áp lực trong ống dẫn nước mới đảm bảo bình thường. Nếu điện cúp kéo dài thì hộ dân phải chịu thiếu nước nhiều ngày. Giải pháp trước mắt của trung tâm là thường xuyên theo dõi độ mặn tại các nhà máy, cố gắng lấy nước thô vào thời điểm triều hạ để giảm bớt độ mặn; nắm lịch tiết giảm điện và thông báo sớm hộ dân thời gian cúp điện để lấy nước trữ lu, hồ đảm bảo phục vụ sinh hoạt.

Theo dự báo, năm 2011, nước mặn tiếp tục lấn sâu vào đất liền, gây ảnh hưởng trên diện rộng. Nhiều nhà máy cung cấp nước sinh hoạt nông thôn (nằm trong và ngoài dự án ngăn mặn) rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm”; các hộ dân nông thôn đối mặt với khó khăn về nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Theo ông Phạm Trung Tính, bài toán về nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho hộ dân nông thôn trong mùa mặn chỉ được giải quyết khi Dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre, Dự án thủy lợi Cầu Sập và các dự án ngăn mặn thuộc cù lao Minh khép kín, vận hành đồng bộ, các nhà máy nước nông thôn mới phát huy hết hiệu quả.

Mỏ Cày Nam: tích cực ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất

Từ đầu tháng 2 đến nay, gió chướng thổi mạnh làm nước mặn ngày càng lấn sâu vào các xã ven sông Cổ Chiên (Mỏ Cày Nam) như: Hương Mỹ, Cẩm Sơn và Thành Thới B.

Các địa phương trong khu vực đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi nội đồng, nạo vét hệ thống kênh mương để dẫn và trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với các xã khảo sát các nơi chưa có hệ thống đê bao khép kín, vận động bà con đắp bờ bao liên vùng hoặc cục bộ để trữ nước ngọt, bảo vệ cây trồng, vật nuôi.

* UBND huyện đã yêu cầu các địa phương khẩn trương đóng các cống ngăn mặn như: cống Tân Hương, Vàm Đồn, Bình Bát, Cái Lức… và các công trình đập ngăn mặn khác trên địa bàn huyện. Ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo các địa phương nên chủ động vận hành đóng và mở các cống ngăn mặn ở thời điểm hợp lý để phục vụ sản xuất hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra.

L.Linh - H.Phượng

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN