Nước uống an toàn cho học sinh khi đi học?

17/03/2009 - 07:30
Học sinh Trường THCS Hoàng Lam (Thị xã) rất ưa chuộng nước uống hiệu Meyer BPC Của Công ty Cổ phần Dược phẩm Bến Tre. Ảnh: H.Vũ

Trong những năm gần đây, nhất là kể từ khi triển khai cuộc vận động “Trường học thân thiện – Học sinh tích cực” việc tạo ra môi trường học tập thuận lợi cho học sinh là một yêu cầu mà nhiều trường học phải phấn đấu đáp ứng, trong đó có vấn đề nước uống cho học sinh khi đi học. Dự án VID 217 đã tìm hiểu thực trạng vấn đề này để có giải pháp theo hướng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thực trạng nước uống hiện nay cho học sinh khi đi học.

Trong tháng 1 và tháng 2 vừa qua, theo Thạc sĩ Phạm Văn Luân, Trường Cao đẳng Bến Tre – Chủ nhiệm Dự án VID 217; dự án đã mở cuộc điều tra 92 giáo viên, học sinh Tiểu học, Mầm non ở 7 huyện và Thị xã. Kết quả khảo sát thu về từ 45 trường Mầm non, cho thấy hầu hết phụ huynh tự lo nước uống cho học sinh khi đi học. Qua khảo sát 20 trường Mầm non, Tiểu học trong tỉnh có nhiều vấn đề bức xúc đặt ra: Nhà trường phải thường xuyên lưu ý phụ huynh tuân thủ các yêu cầu cơ bản về an toàn vệ sinh nước uống. Vấn đề nổi cộm hiện nay là nhà trường không rõ nguồn nước uống đóng chai, đóng bình có an toàn hay không đang hiện hữu với quá nhiều nhãn hiệu từ nổi tiếng đến chưa nổi tiếng, như: LaVie, Vĩnh Hảo, Quốc Bảo, Meyer BPC, Suni, Bảo Long, AS… Đa phần các trường học Mầm non, Tiểu học trong toàn tỉnh hết sức lúng túng trong việc bảo đảm uống an toàn, đầy đủ cho học sinh khi đi học.

Qua khảo sát 25 trường Mầm non, Tiểu học ở 8 huyện thị, thì nước uống Quốc Bảo được nhiều trường sử dụng, nhưng giá cả chênh lệch tùy từng nơi. Nước uống Meyer BPC sản phẩm của Công ty Cổ phần Dược phẩm Bến Tre được các trường ở Giồng Trôm sử dụng nhiều nhất. Còn các mặt hàng nước uống có nhãn hiệu khác như “Vân”, “Nguồn nước”… nhiều trường còn e ngại vì mới lạ. Những thương hiệu nước uống đang nổi tiếng, dù an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng phụ huynh vẫn còn ái ngại vì hiện nay tình trạng hàng giả rất nhiều. Vậy, nước uống của những thương hiệu nổi tiếng này có bị làm giả hay không? Hiện nay, người tiêu dùng chỉ biết chất lượng nước uống qua những câu quảng cáo trên sản phẩm như sản xuất theo quy trình công nghệ của Mỹ, hầu như các sản phẩm nước uống được bày bán ở Bến Tre đều có chung giới thiệu quy trình này.

Giải pháp tổ chức, quản lý việc cung cấp nước uống cho học sinh hiện nay

Để hướng tới một giải pháp căn cơ có tổ chức, quản lý tốt việc cung cấp nước uống cho học sinh khi đến trường. Cũng theo Thạc sĩ Phạm Văn Luân, phải đưa vào quỹ đạo tổ chức, quản lý quy trình cung cấp nước uống cho học sinh. Trong điều kiện cụ thể của Bến Tre hiện nay, cần có sự tham gia của ngành: Giáo dục, Y tế và Quản lý thị trường. Sở Giáo dục – Đào tạo, Sở Y tế, Sở Công thương cần có văn bản hướng dẫn chính thức việc tổ chức, quản lý cung cấp nước uống cho học sinh. Thí điểm đưa dây chuyền cung cấp nước uống tinh khiết, cho một số trường học trọng điểm. Xây dựng những chương trình, dự án nhằm đa dạng hóa nguồn lực cung cấp nước uống tinh khiết an toàn, đầy đủ cho học sinh nói riêng và mọi người nói chung ở 8 huyện thị.

Trong thời gian tới đây, các ngành chức năng cần tập trung khảo sát, đánh giá, công bố chính thức các thương hiệu hợp chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, có cơ chế kiểm tra, giám sát để cung cấp cho các trường đã tổ chức cung cấp nước uống tinh khiết cho học sinh. Đặc biệt, ở các trường vùng nông thôn, chúng tôi đề nghị các ngành chức năng, chương trình nước sạch, nước an toàn cho học sinh, tổ chức sinh hoạt chuyên môn, tuyên truyền vận động, nguồn lực tổ chức cung cấp nước uống cho học sinh khi đến trường từ khâu gốc là nguồn nước. Phụ huynh phải đun sôi nước cho học sinh hoặc sử dụng nước tinh khiết khi nắm rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, thành phần và tính hợp chuẩn; làm sạch chai đựng nước, ca, ly uống nước, nhắc nhở ý thức bảo quản, sử dụng nước uống cho con em chúng ta.

Cùng với quá trình vận động của nhà trường, các ngành chức năng cần có biện pháp mạnh, kiên quyết loại bỏ những cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình… không đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chi cục trưởng - Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đỗ Văn Nguyện, cho biết hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh có những cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết cho ra sản phẩm chứa vi khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa). Loại vi khuẩn mủ xanh này gây nên những vết loét có mủ xanh trên da, thường gặp trong các bệnh viện. Cho đến bây giờ vẫn chưa ghi nhận trường hợp vi khuẩn mủ xanh gây bệnh cho người bằng đường tiêu hóa, nhưng sự hiện diện của Pseudomonas aeruginosa trong nước là một bằng chứng chứng tỏ sản phẩm không an toàn vệ sinh thực phẩm. Ở Bến Tre, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ kết hợp với các ngành chức năng, tiến hành tổng kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình… trong phạm vi toàn tỉnh. Nếu cơ sở nào vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, thì buộc phải đình chỉ sản xuất, xử lý đúng theo qui định của pháp luật.

HOÀNG VŨ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích