Nuôi kỳ đà vân phải đăng ký và được Chi cục Kiểm lâm xác nhận

03/08/2012 - 07:49
Kỳ đà vân được nuôi dưỡng tại một cơ sở đã làm thủ tục đăng ký trại nuôi.

“Mọi trường hợp săn bắt, vận chuyển, nuôi nhốt, tàng trữ, giết mổ kỳ đà vân không có nguồn gốc hợp pháp đều bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.  (Nghị định 32 của Chính phủ).

Gần đây, tin đồn về sự xuất hiện của con “thằn lằn khổng lồ” tại chùa Hưng Mỹ, xã Phước Mỹ Trung (Mỏ Cày Bắc) đã khiến cho nhiều người kéo tới xem. Sau đó, có lời đồn đại rằng con vật này là “thần thánh”, gây mất an ninh - trật tự địa phương. Chi cục Kiểm lâm Bến Tre đã tìm hiểu vụ việc, và khẳng định: đây là con kỳ đà vân, do em Nguyễn Văn Thông (16 tuổi), ngụ tại tổ 9, ấp Đông Lợi, xã Thành An (Mỏ Cày Nam) bắt được vào ngày 23-5-2012, cân nặng khoảng 8kg. Nhiều người không rõ nguồn gốc, tên gọi của con vật này nên gọi là “thằn lằn khổng lồ” và một phật tử đã mua đem về chùa Hưng Mỹ nuôi.

Theo nguồn các tài liệu khoa học liên quan đến loài vật kỳ đà cùng các tài liệu hỗ trợ thực thi pháp luật của Cục Kiểm lâm Việt Nam và Tổ chức Traffic (Tổ chức Theo dõi tình trạng buôn bán động vật hoang dã quốc tế) xuất bản, và thực tiễn công tác quản lý động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Bến Tre, đối chiếu với con vật lạ đang giữ tại chùa Hưng Mỹ, Chi cục Kiểm lâm có đủ cơ sở kết luận đây là loài kỳ đà vân, hay còn gọi là kỳ đà khô, có tên khoa học là Varanus bengalensis (V.nebulosus). Ông Nguyễn Hữu Bé - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bến Tre cho biết: “Kỳ đà vân thuộc loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, thuộc nhóm II B, qui định tại Nghị định số 32/2006 của Chính phủ, về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Nhà nước nghiêm cấm săn bắt, tàng trữ, nuôi nhốt, vận chuyển, quảng cáo, kinh doanh, giết mổ, sử dụng trái qui định hiện hành của pháp luật”. Nghị định 32 qui định về những điều kiện được phép vận chuyển, mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm (kỳ đà vân) gồm: Trước hết, nguồn gốc vật nuôi phải hợp pháp, có xác nhận của cơ quan Kiểm lâm sở tại (chứng nhận qua việc cấp giấy phép vận chuyển đặc biệt). Sau đó, người nuôi đến Chi cục kiểm lâm để làm các thủ tục đăng ký trại nuôi, đảm bảo an toàn về chuồng trại và vệ sinh môi trường, thú y dịch bệnh theo qui định.

Theo ông Nguyễn Hữu Bé, trên địa bàn tỉnh hiện có 9 trại nuôi kỳ đà vân với mục đích kinh doanh, số lượng 341 con và đã làm thủ tục đăng ký trại nuôi. Lúc kỳ đà vân đạt trọng lượng và có đối tác mua, khi xuất bán, chủ vật nuôi phải tiến hành đúng thủ tục theo qui định của pháp luật. Hiện tại, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có văn bản đề nghị với UBND huyện Mỏ Cày Bắc, yêu cầu chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND xã Phước Mỹ Trung tăng cường công tác tuyên truyền giải thích cho nhân dân được hiểu thêm về loài kỳ đà vân. Đồng thời, vận động phật tử chùa Hưng Mỹ phóng sinh con kỳ đà vân không để tụ tập đông người gây bất ổn về an ninh - trật tự.

Bài, ảnh: H.ĐỨC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • Nguyễn thị Hồng Ngọc Cách đây 17 năm

    Tôi dc người quen tặng 2 con kì đà 2kg/con để nuôi làm cảnh thì có bị phạt ko