Nuôi thủy sản đối mặt với khó khăn và thách thức

14/08/2012 - 15:55

Nuôi thủy sản được xác định là kinh tế mũi nhọn của 3 huyện biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, nhiều chủng loại vật nuôi chủ lực đã bị thiệt hại hoặc thu hoạch bán giá thấp, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân địa phương…

* Tôm nuôi thiệt hại nặng nề

Một ngày đầu tháng 8-2012, tôi đến xã Thạnh Phước (Bình Đại), vùng trọng điểm của tỉnh về nuôi tôm biển công nghiệp. Khác so những lần đến trước, nét mặt của nhiều người nuôi tôm trầm lắng hơn. Ông Nguyễn Văn Rê - Bí thư xã Thạnh Phước cho biết, đây là năm đầu tiên hộ dân nuôi tôm bị thiệt hại nặng nề. Ở thời điểm này của những năm trước, tôm thả nuôi vụ hai chuẩn bị thu hoạch và kết thúc một năm thả nuôi tôm biển. Nhưng từ đầu vụ nuôi năm 2012 đến nay, tôm thả nuôi liên tục bị thiệt hại. Xã có 400ha đầu tư nuôi tôm biển công nghiệp. Qua nhiều năm, hộ dân tích lũy kinh nghiệm nên rất thận trọng khi quyết định thả con giống. Đặc biệt là năm 2012, ngay từ đầu vụ nuôi, tôm đồng loạt chết. Hộ dân ở Thạnh Phước lại càng dè dặt hơn. Hiện diện tích thả nuôi chỉ mới 180ha, trong đó có một vài hộ thả con giống nuôi đến 3 lần đều bị thiệt hại. Các tập thể và cá nhân nuôi tôm biển công nghiệp ở khu Đê Đông, với diện tích 100ha nhưng số thả nuôi thành công không nhiều. Nhiều trường hợp tôm thả nuôi được 1 tháng 10 ngày tuổi, tôm bị chết phải tiêu hủy, thiệt hại trắng, với số tiền 140 triệu đồng (5 công). Cá biệt, có hộ thả nuôi được 3 tháng 20 ngày tuổi, tức cận kề ngày thu hoạch (tôm nuôi thường 4 tháng 5 ngày tuổi thì thu hoạch) vẫn bị chết. Nếu những năm trước, ở độ tuổi này tôm chết thu hoạch bán vẫn có lãi. Nhưng ở vụ này phải chịu lỗ. Có một trường hợp thả nuôi 7 ao (tổng diện tích 2ha), chỉ 2 ao bị chết phải chịu lỗ 110 triệu đồng. Theo các hộ nuôi tôm cho biết, nguyên nhân do giá tôm quá thấp, loại 40 con/kg, giá chỉ 115.000 đồng, trong khi đó chi phí đầu tư nuôi từ 100.000 - 105.000 đồng/kg. Hầu hết, các khoản chi phí đầu vào từ thuốc dùng cho nuôi tôm đến thức ăn đều tăng. Rõ nét nhất là thức ăn cho tôm, đầu vụ giá 32.000 đồng/kg, hiện đã nâng lên 36.000 đồng/kg. Càng bức xúc hơn, tôm thu hoạch loại lớn (30 con 1kg) tiêu thụ rất khó. Người nuôi bán tôm giá rẻ lại còn bị thương lái làm khó dễ. Theo lý giải của một số thương lái, tôm giảm giá do thị trường xuất khẩu kiểm tra nghiêm ngặt dư lượng kháng sinh trong tôm. Có thương lái còn đề nghị hộ nuôi cho lấy mẫu đem thử rồi mới quyết định thu mua.

* Sò nuôi chậm lớn, con giống khan hiếm

Rời Thạnh Phước, tôi đến Thừa Đức - nơi có diện tích nuôi sò khá nhiều. Sò được xem là con xóa đói giảm nghèo của nhiều hộ dân trong xã. Dọc theo các tuyến kênh, rạch, bà con nông dân tận dụng một phần diện tích để đầu tư nuôi sò. Các hộ dân dùng lưới căng từ mặt đất lên cao khoảng 50cm để thả sò giống nuôi. Nuôi sò chỉ tốn chi phí mua con giống, còn lại chủ yếu là công canh giữ đến ngày thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Trừ, ở ấp Thừa Thạnh, xã Thạnh Phước cho biết, trước đây nguồn sò giống tại địa phương rất phong phú. Những hộ dân có phương tiện đi cào sò giống ngoài sông về bán cho hộ nuôi. Bên cạnh đó, một số hộ sang tỉnh Tiền Giang và huyện Thạnh Phú (Bến Tre) thu gom về bán cho hộ nuôi. Sò giống nhiều kích cỡ: sò cám, sò loại từ 4.000 - 5.000 con/kg, 2.000 - 3.000 con/kg, 1.500 - 2.000 con/kg và giá cả tương ứng. Thông thường sò giống thả nuôi từ 12-13 tháng là thu hoạch. Có năm, nếu vốn đầu tư 1 thì đến thu hoạch được lợi nhuận gấp 2-3 lần. Nên nhiều hộ dân ở Thừa Đức cho rằng, sò là con xóa đói, giảm nghèo. Không ít hộ có điều kiện xây dựng nhà ở khang trang và mua sắm vật dụng thiết yếu gia đình cũng từ nuôi sò. Nhưng theo ông Trừ, từ năm 2010, tình hình thời tiết diễn biến thất thường, tác động theo chiều hướng bất lợi. Nguồn sò giống thiên nhiên đã khan hiếm dần và sò nuôi chậm lớn. Năm 2010, ông thả nuôi kéo dài đến gần giữa năm 2012, sò mới đạt kích cỡ thu hoạch. Sò nuôi thời gian dài đồng nghĩa tỷ lệ hao hụt tăng. Sò thả nuôi 2 năm mới thu hoạch nhưng kích cỡ chỉ đạt 150 con/kg nên chỉ bán được giá 27.000 đồng/kg. Ông Trừ đầu tư tiền mua con giống 22 triệu đồng, thu hoạch bán được 54 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Còn bà Nguyễn Thị Tuyết cũng ở ấp Thừa Thạnh, năm 2010 vay vốn ngân hàng 20 triệu đồng mua sò giống. Sò nuôi vừa thu hoạch, tỷ lệ hao hụt lên đến 30% nên bán chỉ được 25 triệu đồng. Nếu tính lãi suất ngân hàng và công lao động thì bị lỗ. Nguyên nhân do nguồn sò giống tại địa phương cũng như ở huyện Thạnh Phú và Tiền Giang đều khan hiếm. Có một số hộ đến tỉnh Kiên Giang mua sò giống về thuần dưỡng để nuôi nhưng vẫn còn e dè, bởi lo ngại môi trường nuôi thay đổi rất dễ dẫn đến thiệt hại.

Ở xã Thạnh Phước có 310ha đất nuôi sò. Năm 2011, nguồn con giống khan hiếm. Hộ dân phải mua con giống ở Kiên Giang và Thái Lan về thả nuôi, với diện tích khoảng 100ha. Sò giống loại 4.000 - 6.000 con/kg, giá từ 30-32 đồng/con. Sò thả nuôi tỷ lệ hao hụt lên đến 70%. Đến thu hoạch, 100 con/kg, giá bán 37.000 đồng/kg. Hộ nuôi không lãi. Hiện giá sò giống tăng lên 65 đồng/con. Nhiều hộ dân lại càng ngần ngại trong quyết định mua sò giống thả nuôi.

Từ đầu năm đến nay, nuôi thủy sản nước mặn của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là tôm biển thả nuôi thiệt hại nặng nề. Môi trường nuôi tôm bị ô nhiễm trầm trọng. Không ít trường hợp, tôm thả nuôi bị chết chưa xử lý triệt để lại xả nước ra môi trường bên ngoài. Và hộ nuôi khác lấy nước vào thả tôm nuôi, mầm bệnh lẩn quẩn. Tôm nhập vào tỉnh bằng rất nhiều con đường và số lượng được kiểm dịch còn khá khiêm tốn. Hộ dân thả tôm nuôi bị thiệt hại tiếp tục thả con giống mới để nuôi rồi tôm chết. Có ý kiến đề xuất, tỉnh cần mạnh dạn cắt vụ thả nuôi từ tháng 5 đến cuối tháng 1 của năm sau để tái tạo lại môi trường nhằm hạn chế thiệt hại tôm nuôi.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN