Nuôi tôm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

03/03/2018 - 20:29

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao do Công ty cổ phần CP Việt Nam đầu tư tại Thạnh Phú.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao do Công ty cổ phần CP Việt Nam đầu tư tại Thạnh Phú.

Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã xuất hiện tại Bến Tre trong khoảng 5 năm gần đây. Sau mỗi năm thực hiện, mô hình từng bước được cải thiện, nâng cao hiệu quả. Đến năm 2016, mô hình được đánh giá phát triển toàn diện, với năng suất từ 6 - 7 tấn/1.000m2 mặt nước nuôi, theo tiêu chuẩn CPF Comebine model, do Công ty cổ phần CP Việt Nam (CP) hỗ trợ kỹ thuật thực hiện.

Nâng cao năng suất

Mặc dù đã triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao hai giai đoạn trước đó nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Đến năm 2016, CP đã phát triển hoàn thiện kỹ thuật nuôi tôm hai giai đoạn trên địa bàn tỉnh theo mô hình nuôi tôm CPF Comebine model. Tỷ lệ thành công trên 90%.

Ông Lê Thế Hải - Phó giám đốc Kinh doanh CP Việt Nam Chi nhánh Bến Tre cho biết, lợi thế của mô hình là giảm được các loại bệnh cho tôm trong quá trình nuôi, chủ động được thời gian thả tôm. Nhiệt độ môi trường không chênh lệch giúp người nuôi ít lệ thuộc vào thời tiết mùa vụ như phương pháp nuôi truyền thống. Tỷ lệ sống và năng suất cao hơn. Theo mô hình truyền thống, với diện tích mặt nước nuôi từ 3.000 - 4.000m2, năng suất bình quân đạt từ 5 - 6 tấn tôm/vụ. Đối với mô hình mới, ao nuôi nhỏ từ 1.000 - 1.200m2 (mặt nước nuôi), năng suất bình quân đạt 6 - 7 tấn, riêng năm 2017, năng suất có thể đạt kỷ lục với 10 tấn/ao/vụ.

Theo quy trình kỹ thuật mới, công tác quản lý được thực hiện nghiêm ngặt, chủ yếu ứng dụng các thiết bị, máy móc trong quá trình kiểm tra chăm sóc nên mật độ nuôi cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống. So với mật độ nuôi thông thường từ 70 - 100 con/m2 thì nuôi 2 giai đoạn cho phép tăng mật độ nuôi lên từ 200 - 400 con/m2. Tôm nuôi được cho ăn bằng máy. Các tiêu chuẩn của ao nuôi sẽ được kiểm tra thường xuyên mỗi ngày, như về độ kiềm, độ PH, độ cứng, canxi, magie… cho phù hợp với sự phát triển ổn định của con tôm. Đáy ao được vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày bằng việc hút chất dơ trong ao. Bên cạnh việc tuân thủ kỹ thuật nuôi, ngay từ khâu đầu vào như con giống, thức ăn phải đảm bảo có nguồn gốc và an toàn. Đặc biệt, trong suốt quá trình nuôi, người nuôi hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc hóa học. Đến giai đoạn thu hoạch, trước khi xuất ao, con tôm sẽ được kiểm tra các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng.

Điểm khác biệt nữa của mô hình là với 1ha, người dân không sử dụng hết 1ha mặt nước thả nuôi mà chỉ có thể nuôi 2 ao, diện tích từ 1.000 - 1.200m2/ao. Phần diện tích còn lại sẽ dùng làm ao chứa lắng, ao bùn, ao ương… Chi phí đầu tư ban đầu cho mỗi ao từ 100 - 150 triệu đồng, với thời gian sử dụng từ 3 - 5 năm. Toàn bộ đáy ao được lót bạt, xung quanh dùng tôn hoặc bạt che, bên trên là lưới chống nắng. Quan trọng nhất là diện tích chứa lắng, từ 70 - 80% lượng nước chứa lắng để cung cấp cho mô hình. Ao chứa bùn làm cho môi trường sạch sẽ. Một số trường hợp có thể xử lý chất thải để tái sử dụng nguồn nước.

Khả năng nhân rộng

Đánh giá tính hiệu quả của mô hình, ông Huỳnh Văn Cung - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, năng suất nuôi tôm công nghệ cao hai giai đoạn bình quân đạt 60 tấn/ha, tăng gấp 4 lần so với nuôi thâm canh bình thường. Hiện toàn tỉnh có 150ha được đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Trong đó, huyện Thạnh Phú có 100ha, tương đương 30 - 40ha mặt nước nuôi. Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu đạt 500ha nuôi tôm công nghệ cao trong năm 2018, khả năng có thể đạt tới 1.500ha đến năm 2020. “Với mục tiêu tăng sản lượng tôm biển hàng năm thì việc tăng năng suất trên diện tích nuôi bằng ứng dụng công nghệ cao là giải pháp mang tính hiệu quả và chiến lược” - ông Cung khẳng định.

Dự báo về hướng phát triển con tôm trên thị trường thế giới, ông Hải cho rằng ổn định và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Mặt khác, nuôi tôm theo mô hình sạch, an toàn ngay từ khâu con giống, thức ăn và thuốc vi sinh giúp cho con tôm đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu an toàn sức khỏe người tiêu dùng thế giới. Dự kiến năm 2018, CP phát triển thêm ít nhất 280 ao, trong đó huyện Thạnh Phú 90 ao, Ba Tri 90 và Bình Đại 100 ao, tương ứng sẽ phát triển 90 ao ương, diện tích 400 - 500m2/ao, chi phí 40 - 70 triệu đồng/ao. Việc tiếp cận mô hình không quá khó cho người nuôi. Trường hợp hộ nuôi có diện tích ít hoặc khó khăn về kinh phí thì vẫn có thể theo mô hình này bằng cách phát triển dần thông qua một số chính sách của CP.

“Để đảm bảo nguồn giống an toàn, chất lượng cho hoạt động nuôi tôm phát triển, hướng tới, CP đầu tư 2 trại tôm giống tại huyện Bình Đại. Đồng thời thu mua sản phẩm tôm của người dân để đưa vào nhà máy chế biến tại Khu công nghiệp An Hiệp. Hiện nhà máy đã xây dựng hoàn thành. Dự kiến thời gian hoạt động vào tháng 4-2018” - ông Lê Thế Hải chia sẻ về định hướng phát triển đồng hành với mục tiêu phát triển con tôm của tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Con tôm là 1 trong 8 sản phẩm được tỉnh chọn xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Bến Tre có tiềm năng nâng tỷ trọng thủy sản trong cơ cấu khu vực 1 và phát huy vị trí dẫn đầu (Top 5) trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long về con tôm. Thời gian tới, Bến Tre tập trung phát triển con tôm theo hướng bền vững, trong đó đẩy mạnh nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tạo đột phá trong phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh”.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết
Từ khóa Nuôi tôm

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích