… Tôi ở đội điều trị về, đơn vị đã lên đường chiến dịch. Tôi vội đuổi theo, đến nơi đúng vào lúc Đại đoàn 312 đang kéo quân ra (!). Hầu như tất cả cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn tôi đều nói “Không hiểu được!”. Dân công tải đạn vào cũng phải gánh ra đông lắm. Bộ đội còn giữ miệng chứ dân thì nói tùm lum: “Can cớ gì mà các anh kéo pháo vào rồi lại kéo ra?... Cứ thập thà thập thò bị nó đánh thêm khổ dân…”. Tôi cũng đã được trung đoàn phổ biến nhiệm vụ kế hoạch, song chẳng sao giải thích được. Anh Đàm Quang Trung, Đại đoàn phó Đại đoàn 312 đi kiểm tra đơn vị lui quân. Vốn quen anh từ hồi giải phóng quân Việt Bắc, tôi mạnh miệng hỏi: “Mất 9 ngày đêm kéo pháo, có người đã hy sinh mới vào được trận địa. Sắp đánh sao lại kéo ra? Định thôi trận này à?”. Anh Quang Trung không tỏ vẻ khó chịu, với giọng xuề xòa của người Tày: “Trên nó bảo kéo ra thì kéo mà”. Tôi tròn mắt: “Nhưng sao phải ra chứ! Vừa ngồi mâm lại buông bát à?”. Quang Trung ghé tai: “Ê mê thẩn mừ…! (câu chửi thề của bà con dân tộc Tày có nghĩa là: “Húc nhanh thì chết”). Quân ủy quyết định đổi phương châm đó”… À! Tôi hiểu là vẫn đánh. Thế thì được…
Các đại đoàn rút về vị trí tập kết, chỉ để trinh sát chốt lại bám địch. Các đơn vị khẩn trương chuẩn bị mọi công việc theo sự chỉ đạo cụ thể của Bộ Chỉ huy. Tất cả phải nằm lòng tư tưởng của Trung ương Đảng “đánh chắc thắng”. Phương châm chiến dịch “đánh chắc, tiến chắc”. Chủ trương hành động lúc này: “Đào hầm, vây lấn địch từng bước”. Một cuộc chiến thầm lặng áp sát tuyến phòng ngự cản địch. Là cán bộ tiểu đoàn, tôi cũng như hai chiến sĩ suốt ngày đêm luân phiên đào hào đắp công sự. Mặc kẻ địch cứ bắn cầm canh ràn rạt trên đầu. Một cuộc chiến kỳ lạ (!).
Ngày 13-3-1954, bắt đầu tấn công đợt một. 17 giờ 5 phút, pháo ta bắn như đổ lửa vào Him Lam, phân khu trung tâm địch. Kho xăng nổ bùng, lửa bốc ngùn ngụt. 5 máy bay trúng đạn. Trận địa pháo địch ở Mường Thanh tê liệt, hàng rào thép gai bị bộc phá quét sạch… Một giờ sau, ba mũi xung kích các tiểu đoàn 130, 128, 11 vọt qua cửa mở. Quân địch bám công sự kiên cố phản kích, ba trung đội tiến vào bị đổ gần nửa. Thế đội 2 liền vọt lên dập tắt các ụ súng ngầm… Khoảng hai tiếng diệt xong Him Lam.
Đêm 14-3, tiến công cứ điểm Độc Lập, Trung đoàn 165 của Đại đoàn 312 phối hợp với Trung đoàn 88 của Đại đoàn 308 xuất kích từ hai hướng. Bốn đại đội sơn pháo và lựu pháo, hai đại đội cối 120 bắn dồn dập 1 giờ 30 phút. Hầm chỉ huy địch bị trúng ngay loạt đạn đầu, quân địch chết lặng. Chỉ ba giờ sau ta làm chủ hoàn toàn… Bộ Chỉ huy phát lệnh đánh luôn Bản Kéo… Phân khu trung tâm tập đoàn cho 8 xe tăng phản kích ứng cứu. Bị ĐKZ, mìn chống tăng của ta đánh cháy một, hỏng một chúng vội kéo nhau lui. Viên quan năm Pi-rốt uất quá, tự tử.
Máy bay ở Mường Thanh cất cánh lao tới oanh tạc, bị cao xạ hạ liền một chiếc. Các đội công binh đánh bộc phá liên tục, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm (G.O.N.O). Máy bay từ các sân bay kế cận hối hả đến ứng cứu bị ta hạ liên tiếp trong 4 ngày rơi 11 chiếc nữa.
Sau 5 ngày, kết thúc đợt tiến công thứ nhất, quân ta củng cố lực lượng, phát triển trận địa hầm hào. Ngày 30-3 mở đợt công kích thứ hai. Bộ Chỉ huy chủ trương đánh đồng loạt các điểm trên dãy đồi phía đông G.O.N.O, chia cắt địch ra từng khúc, thít chặt vòng vây, khống chế địch tiếp tế bằng máy bay.
Trời miền núi chóng tối, 17 giờ, Đại đoàn 316 đánh chiếm đồi C1. Đại đoàn 312 diệt gọn tiểu đoàn ngụy chiếm dãy đồi D. Đồi A1 là điểm cao trọng yếu. Địch chống cự quyết liệt, giành giật từng công sự liên tục bốn ngày. Phân khu trung tâm tăng viện phản kích đồi C1, ta và địch mỗi bên giữ một nửa đồi. Tôi bị cuốn theo trận đánh hơn một tuần không tắm rửa. Lúc này bám địch, khắp người ngứa ran…
Cuộc chiến diễn biến quyết liệt, ta tổn thất khá nhiều (4.393 người thương vong, sư đoàn tôi hơn 200 người). Bộ Chỉ huy chủ trương chia cắt phân khu nam với phân khu trung tâm của G.O.N.O. Đại đoàn 308 xây trận địa phía Tây, Đại đoàn 312 phía Bắc, Đại đoàn 316 phía Đông, Đại đoàn 304 phía Nam. Trung đoàn 57 lập trận địa “cánh cung” cắt rời phân khu Hồng Cúm với trung tâm G.O.N.O.
Địch đã nhận biết kiểu đánh của ta. Máy bay thả đèn dù suốt đêm, thả bom, rải mìn, bắn pháo dữ dội… Ta bị thương nhiều nhưng chẳng ai sợ, vẫn đào hào tiến lên. Đến giữa tháng 4-1954, Đại đoàn 304 thông báo đã cắt lìa phân khu nam với phân khu trung tâm địch… Tiếng reo mừng khắp chiến hào. Vậy 1.300m mỗi chiều… Bộ đội cao xạ chiếm lĩnh các công sự đánh hất máy bay địch lên cao, chúng thả dù tiếp tế phần lớn lạc sang trận địa ta và rơi giữa vùng tranh chấp… Kẻ địch đói quá, cho quân mò mẫm kéo dù hàng. Quân ta nảy ra cách bắn “bia sống”. Mặt trận thông báo biểu dương thiện xạ Lục Văn Thông một ngày tiêu diệt 30 tên giặc, liền biến thành phong trào thi đua “bắn tỉa”. Lúc này Đại đoàn 308 bí mật đào hầm luồn qua hàng rào dây thép gai dày hơn 30m, áp sát lô cốt điểm trọng yếu. Các đại đoàn liền áp dụng sáng kiến đánh lấn, chiếm được hầu hết các chốt phòng vệ nội vi của giặc. Được thể, các tổ “bắn tỉa” bám sát, bất cứ lúc nào địch hơi ló ra liền tan sọ. Chúng kinh hoàng đến nỗi không dám ra ngoài đại tiểu tiện. Có đứa vừa thò tay vứt bọc phân, lập tức bị đạn phạt gẫy…
Ngày 25-4, một tốp lính ngụy trốn ra hàng, bộ đội ta cho ăn, nó khóc rưng rức, kể lại tình cảnh đói khát không chịu nổi trong cứ điểm. Những “cái lưỡi” được đưa ngay về Bộ Tham mưu.
Đảng ủy mặt trận họp cán bộ chỉ huy phổ biến tình hình: “… Đế quốc Mỹ đã tăng viện trợ cho Pháp gần 100 máy bay cường kích, 50 máy bay vận tải, Pháp lại mượn 27 máy bay C119 do Mỹ lái chi viện cho G.O.N.O. Có ngày không quân Pháp huy động 250 lần chiếc ném bom chặn đường, phá rừng… Vẫn không cắt nổi tuyến cung cấp của ta. Hàng trăm cường kích cũng không đẩy lùi được mũi tiến công của bộ đội ta… Kho của Pháp đã cạn kiệt, phải mua dù và hàng của Mỹ, Nhật tới 62.000 chiếc dù thả đồ tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm, mà quân lính chúng vẫn đói khát, thiếu súng đạn… Thế lực kẻ địch đã sa sút nhiều. Ta quyết tâm “tổng công kích” tiêu diệt toàn bộ địch ở Điện Biên Phủ. Chủ trương ngày 1-5-1954, bắt đầu tiến công đồng loạt các ngọn đồi còn lại bao quanh G.O.N.O…”. Khắp chiến hào bùng lên tràng pháo tay.
Vừa sẩm tối, Đại đoàn 316 nổ súng dồn dập diệt sạch đại đội ngụy binh đang chốt giữ nửa đồi C1. Đại đoàn 312 diệt liền hai vị trí 505, 505B sườn đồi phía Đông. Đại đoàn 308 diệt gọn vị trí 311A ở mặt Tây tập đoàn. Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304 đánh lấn vào khu C Đông Bắc Hồng Cúm... Địch hoảng loạn, đêm 3-5 Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 thừa thế xông lên diệt cứ điểm 311B, cách Sở chỉ huy Đờ-cát 300m.
Ngày 4-5, một tiểu đoàn nhảy dù xuống cứu viện cho G.O.N.O. Ta bắt được ba ngụy binh, chúng đều khai: Tướng Na-va viện binh cho tập đoàn để tổ chức ba cánh phá vây chạy sang Lào.
Bộ Chỉ huy ta liền tập trung tất cả đại bác, hỏa tiễn sáu nòng (Ca-chiu-sa) và súng cối nhất tề bắn cấp tập vào khu trung tâm. Công binh cũng thông đường ngầm vào giữa đồi A1, nạp gần 1 tấn TNT. Đêm 6-5, có hiệu lệnh tổng công kích! Lập tức Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 đánh thốc vào đội quân dù lê dương. Trung đoàn 9 của Đại đoàn 304 diệt ngay đồi C2. Trung đoàn 209 của Đại đoàn 312 tiêu diệt các cứ điểm 505, 506 phía Đông cầu Mường Thanh. Trung đoàn 102 của Đại đoàn 308 diệt điểm 310 phía Tây Sở chỉ huy Đờ-cát.
Sáng 7-5, địch cố gắng phản kích, lập tức bị ta đập tan, bắt tù binh, chúng khai: Tối ngày 6-5, tướng Đờ-cát dùng đài R-193 báo cáo Hà Nội: “Chúng tôi bị tràn ngập khắp nơi, 3 điểm tựa cuối cùng phía Đông Nậm Rốn cũng mất rồi…”. Hà Nội lệnh phải phản kích… Dù đến phút chót cũng không kéo cờ trắng. Tướng Đờ-cát nói: “Xin lấy danh dự người hy sinh vì quân đội Pháp hứa với tướng quân…”. Sáng nay, ông ấy miễn cưỡng lệnh cho đại đội chúng tôi phản kích…
Nắm được diễn biến tinh thần địch, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Mặt trận quyết định chớp thời cơ đánh chế áp ngay.
14 giờ ngày 7-5, Trung đoàn 209 đánh thốc lên cứ điểm 507. Chúng vội kéo cờ trắng. Các mũi tiến công của ta thọc mạnh vào trung tâm địch, lá cờ đỏ tiến như lốc… Những mảnh vải trắng nhô lên khắp nơi.
17 giờ 30 phút ngày 7-5, ta đã bắt gọn toàn bộ ban chỉ huy của G.O.N.O. Ngay đêm đó, Đại đoàn 304 đánh thẳng vào phân khu Nam – Hồng Cúm, bắt sống toàn bộ quân địch. Trong trận cuối cùng này, tôi bị thương, phải nằm liệt gần ba tháng.