Ở một hội tình thương

23/09/2008 - 08:02
Hiệp hội Doanh nhân Đức (SWHH) vừa hỗ trợ em Phạm Nhân Hậu (phường 6, TXBT) mổ tim và tặng em thêm một niềm vui: “mái ấm trái tim”. Trong ảnh: ngày bàn giao nhà cho em Hậu. Ảnh: Quốc Hùng

Vì công việc, tôi nhiều lần tháp tùng cùng ông Năm Lê Huỳnh, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh (Hội Bảo trợ) để tìm cách giúp đối tượng vượt qua hoàn cảnh thắt ngặt. Và cũng nhờ ông, tôi được hân hạnh chứng kiến sự đồng tâm, đồng lòng của con người, không kể màu da, quốc tịch, đưa ra “tay vịn” của tình thương.

Hội là nơi tập hợp của những con người chung một chí hướng thiện nguyện. Cho nên ngoài tình thương và trách nhiệm ra, họ rất cần sự hỗ trợ vật chất của toàn xã hội. Thật vậy, mỗi nhà hảo tâm thường xuyên quay trở lại hợp sức với Hội sau khi biết rằng đồng tiền của họ được sử dụng đúng đối tượng, mục đích. Bà Sáu Hòa (Phạm Thị Nỉ- Trung tâm Xã hội tỉnh) đã dành dụm tặng Hội 50 triệu đồng. Với số tiền ấy, Hội cấp tốc đưa 2 trẻ lên thành phố mổ tim. Hình ảnh bà Sáu ôm hai đứa trẻ bật khóc tại lần gặp mặt “Từ trái tim đến trái tim” ngày 18-1-2008 - làm mọi người không khỏi nghẹn ngào. Còn nhớ, cách nay chưa lâu, đoàn từ thiện Hiệp hội doanh nhân Đức (SWHH), do ông Claus Ruff đại diện, đã rơi nước mắt khi trực tiếp nghe trẻ được họ giúp mổ tim chia sẻ tình cảm. Thời gian qua, tổ chức này đã trao Hội Bảo trợ số tiền đủ để 50 em được lành lặn trở lại. Trao đổi với đại diện UBND tỉnh, ông Ruff đánh giá cao sự hợp tác giữa Hội và tổ chức do ông đứng đầu. Ông yêu Việt Nam, cho nên những gì ông làm cho Bến Tre là lẽ tự nhiên. Nặng lòng với lời thề phải giúp trẻ thoát khỏi căn bệnh tim, lần trở lại Việt Nam, tháng 6-2008, ông Ruff phấn khởi giúp thêm 10 ca mổ tim nữa.

 Được thành lập gần tròn 5 năm, quãng thời gian không dài nhưng Hội đã có những dấu ấn quan trọng. Hàng chục tỷ đồng- kết tinh của lòng yêu người, mến trẻ theo bước chân Hội đến những địa chỉ đỏ. Được biết, giúp trẻ mổ tim là một trong những chương trình trọng tâm của Hội Bảo trợ trong quá trình hoạt động. Giúp mổ tim- không đơn thuần là cứu một con người, mà còn vực dậy một gia đình. Dường như có mẫu số chung dành cho trẻ bệnh tim bẩm sinh: nhà nghèo, gia đình không đủ cha hoặc mẹ… Hội và những người bạn lớn song hành cùng trẻ bước qua bệnh tật và cả vượt nghèo. Em Liễu (Giồng Trôm), em Dung (Mỏ Cày) được ông Claus Ruff tài trợ mổ tim;  Hội tặng bò, dê “làm vốn” hai, ba năm trước. Nay, các em hào hứng khoe đã có bê, dê con và sẵn sàng đãi nếu ông Ruff đến chơi nhà. Không những vậy, qua nhiều chuyến đi thực tế, ông Claus Ruff bàn với ông Lê Huỳnh sẽ tặng nhà tình thương cho trẻ em nghèo. Theo quan niệm của ông, được vậy trẻ sẽ khỏe hơn, yên tâm hơn trước cuộc sống mới.

Những con người như ông Ruff hay bà Sáu Hòa… có sức động viên tinh thần ông Lê Huỳnh mạnh mẽ. “Hưu” thì có, nhưng ông chưa tính “nghỉ”. Trên trăm trẻ bệnh tim đang chờ hình bóng ông và đồng sự, dù tất cả tuổi cao, sức đã giảm. Họ bỏ ngoài tai những lời đùa cợt, cho người của Hội là đi… ăn xin. Ông Huỳnh từng bảo đồng sự, mình đi xin cho người khó thì có gì ngại. Vì vậy, nếu tính 30 ca mổ tim trong những tháng đầu năm 2008, Hội Bảo trợ tỉnh đã vận động tài trợ mổ tim cho khoảng 180 trẻ trong toàn tỉnh. Theo ông Lê Huỳnh, kết quả trên là sự chung tay góp sức của tập thể và chắc chắn con số trên chưa dừng lại. Kỷ niệm 5 năm thành lập, dự kiến cuối năm nay, Hội Bảo trợ sẽ tổ chức họp mặt tất cả tên tuổi đã song hành cùng Hội trên con đường thiện nguyện. Nhiều câu chuyện nhân ái tiếp tục được mở ra…

NG.D

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN