Ở một huyện chăm lo nước sạch cho nông thôn

04/01/2012 - 08:05

Sau khi triển khai thực hiện các giải pháp, đến nay, Giồng Trôm đã cơ bản giải quyết được nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho các khu dân cư trong huyện.

Nhà máy nước Hưng Nhượng (Giồng Trôm). Ảnh: H.Hiệp

 

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nước, huyện đã tập trung triển khai nhiều giải pháp khắc phục. Theo đó, ở lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân sản xuất theo phương pháp hữu cơ “3 giảm, 3 tăng”, ứng dụng công nghệ sinh học phòng trừ sâu bệnh, cùng với việc áp dụng mô hình biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi, giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Rác thải sinh hoạt trong khu dân cư đều được tiêu hủy tại gia đình hoặc tại các bãi rác tập trung. Hiện tại, công trình bãi chôn rác tập trung của huyện (tại xã Tân Thanh) tiếp nhận khoảng 7 tấn rác sinh hoạt từ các xã: Lương Quới, Bình Hòa, Bình Thành, Tân Thanh, Hưng Nhượng, Tân Hào, Tân Lợi Thạnh, Thạnh Phú Đông, Long Mỹ và Thị trấn. Xã Mỹ Thạnh và Sơn Phú (giáp trung tâm TP. Bến Tre) đã hợp đồng với Công ty Công trình đô thị tỉnh tiếp nhận rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư. Một số địa phương xa công trình bãi rác tập trung đã thuê mặt bằng để xây dựng các hố rác tạm thời, giải quyết bước đầu vấn đề ô nhiễm môi trường.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đến nay, toàn huyện có 2.114 cơ sở sản xuất kinh doanh ứng dụng hệ thống xử lý chất thải chống gây ô nhiễm môi trường. Tại các xã Lương Phú, Thạnh Phú Đông, các cơ sở sản xuất than thiêu kết (than hoạt tính) đã áp dụng phương pháp sử dụng vôi tôi, làm tăng nhiệt độ trong nước để giảm bớt khói bụi. Bên cạnh đó, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh, huyện chuẩn bị triển khai chương trình Dự án Ban Quản lý hợp phần kiểm soát ô nhiễm môi trường, do Chính phủ Việt Nam - Hà Lan (PCDA) tài trợ kinh phí, để xây dựng mô hình xử lý khói bụi cho các cơ sở sản xuất than thiêu kết tại xã Phong Nẫm.

Để có nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho các khu dân cư, huyện đã tranh thủ các chương trình vốn trung ương, tỉnh hỗ trợ để xây dựng các nhà máy nước sạch và hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo xây dựng các bể chứa nước sạch, hố xí tự hoại. Trong 11 năm qua (1999-2011), huyện đã đầu tư xây dựng 13 nhà máy nước sạch tại các xã Hưng Nhượng, Hưng Lễ, Châu Hòa, Phước Long, Châu Bình, Phong Nẫm, Phong Mỹ, Lương Hòa, Lương Phú, Thuận Điền, Thạnh Phú Đông, Tân Hào và Bình Thành (kinh phí gần 30 tỷ đồng). Các nhà máy cung cấp nước sạch cho trên 5.400 hộ dân trong khu vực. Bên cạnh đó, Trạm cấp nước huyện cũng đã cung cấp cho hơn 9.000 hộ dân khu vực thị trấn, thị tứ có nước sạch sử dụng, chiếm gần 19% tổng số hộ dân trong huyện. Các hộ ở xa khu vực các nhà máy nước cũng đã tự xử lý lắng lọc hoặc dùng các phương tiện trữ nước sạch để sinh hoạt trong gia đình. Tính đến nay, toàn huyện có khoảng 47% hộ dân (22.000 hộ) sử dụng nước sạch.

Ông Nguyễn Văn Quới - Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm cho biết: Ngoài yếu tố con người, nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nguồn nước còn do biến đổi khí hậu và bị nhiễm mặn trong mùa khô. Hiện tại, huyện có khoảng 2/3 nguồn nước bị ô nhiễm. Từ nay đến năm 2020, huyện sẽ tranh thủ các nguồn lực tài trợ thêm kinh phí để xây dựng mới và nâng cấp mở rộng trên 11 nhà máy nước tại các xã: Bình Thành, Châu Bình, Bình Hòa, Hưng Phong, Lương Phú, Hưng Lễ, Phong Nẫm, Lương Hòa, Hưng Nhượng, Tân Hào và Phước Long (trong đó, nâng cấp mở rộng mạng tại 4 nhà máy nước Hưng Lễ, Lương Hòa, Hưng Nhượng và Phước Long). Dự kiến nâng công suất hoạt động các nhà máy này lên 250m3/giờ, nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch trong huyện lên 90% (trong đó, 35% hộ sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế).

Theo kế hoạch, năm 2012, huyện sẽ huy động nguồn kinh phí từ các cấp hỗ trợ (nếu có) để xây dựng thêm một số nhà máy nước, nhằm giải quyết  nguồn nước sạch cho các khu vực thuộc các xã Châu Bình, Bình Hòa, Hưng Phong, Lương Phú, Hưng Lễ; đồng thời, vận động những hộ dân ở khu vực chưa có nhà máy nước sử dụng nước giếng, nước đã qua xử lý lắng lọc…, phấn đấu 90% hộ dân trong huyện đều sử dụng nước hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, huyện sẽ có kế hoạch lấy nguồn nước từ sông Ba Lai về nhà máy nước Lương Quới để cung cấp nguồn nước sạch cho hộ dân ở các khu vực đô thị. Đây còn là một trong những giải pháp giải quyết nguồn nước bị nhiễm mặn trong những tháng mùa khô, giúp mở thêm các nhánh cấp nước phục vụ các cụm dân cư có nước sạch để sinh hoạt.

Ngọc Châu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích