|
Bữa ăn trưa của các cháu Trường Mầm non thị trấn Bình Đại. Ảnh: T.LONG |
Nắng gắt, gió, nước mặn và xa xôi. Đó là những gì tôi cảm nhận được khi vừa đặt chân đến quê biển Bình Đại. Với tình cảm vì một ngôi trường thân thương, chúng tôi quên đi nỗi khó khăn, mệt nhọc và cố gắng tìm ra nơi cần đến.
Và kia, Trường Mầm non Thị trấn đã hiện ra trước mặt. Nhìn thoáng qua khuôn viên, tôi thấy ngôi trường khá khang trang, lại xanh, sạch đẹp, mát mẻ. Mặc dù đang bận rộn với nhiều công việc, nhưng Hiệu trưởng Bùi Thị Ánh Tuyết (hơn 20 năm gắn bó với nghề) đã dành thời gian tiếp chúng tôi. Cô cho biết: Toàn trường có 34 giáo viên, ngày ngày các cô phải nuôi dạy và chăm sóc 514 trẻ. Trò chuyện với cô Nguyễn Thị Hồng, đã có 25 năm trong nghề, cô vui vẻ tâm sự: “Nuôi dạy trẻ thì cực lắm, nếu ai không yêu nghề thì khó theo đuổi bền lâu, nào là phải lo cho cháu ăn ngon miệng, dỗ cháu ngủ, dạy cháu học, tập hát, cùng những sinh hoạt hàng ngày của cháu. Nếu thấy cháu buồn không muốn ăn hay không ngủ được thì lo lắm!”. Tôi thầm nghĩ ở nhà chỉ nuôi có một hoặc hai đứa con mà ai cũng than vắn thở dài, còn ở đây thì… Một phụ huynh tâm sự: “Nhà em ở xã Bình Thắng, cách đây vài cây số, gởi con ở trường này đã mấy năm rồi. Tôi rất hài lòng và an tâm đi làm”. Hỏi thăm về ngôi trường, cô giáo Tuyết kể: Trước khi có ngôi trường này, cô và các cháu đã trải qua biết bao lần thay đổi, lúc thì ở tạm nơi đây, vài năm thì ở tạm nơi kia và cho đến năm 2006, ngôi trường mới được xây dựng ổn định và đẹp như thế này. Đã có ngôi trường khang trang, nhà trường còn phải trải qua nhiều năm liền phấn đấu mới đạt chuẩn quốc gia như: tất cả cán bộ giáo viên trong đơn vị đều có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong, ngôn phong luôn chuẩn mực, đúng phong cách sư phạm, luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo; chất lượng chăm sóc giáo dục của trường hàng năm đều được nâng lên rõ rệt; công tác quản lý được thực hiện đúng theo quy chế, quy định chung, dân chủ trong nhà trường. Ban Giám hiệu luôn tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vu,ỉ nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Công tác xã hội hóa giáo dục được duy trì. Từ năm 2006 cho đến năm 2009, nhà trường đã nhận hơn 170 triệu đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ cho các cháu học tập và vui chơi. Nhà trường còn vận động các mạnh thường quân xây dựng vườn cây ơn Bác trị giá gần 28 triệu đồng; qua đó, đã giúp cho các cháu đến tham quan và làm quen với môi trường tự nhiên – xã hội. Dù bận rộn nhưng hiệu trưởng và các cô giáo luôn nở những nụ cười rạng rỡ. Không vui sao được, vì đó là thành quả của biết bao năm tháng phấn đấu để trở thành trường đạt chuẩn quốc gia!