Oanh liệt Thanh niên xung phong Bến Tre

18/03/2011 - 08:02
Cựu Thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: T.Long

LTS: Ngày  30-1-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký Quyết định số Quyết định 163/QĐ-CTN, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đội Thanh niên xung phong 2012 Nguyễn Văn Tư (Bến Tre) vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ số báo này, chuyên mục Quốc phòng toàn dân giới thiệu đến bạn đọc loạt bài về Đội Thanh niên xung phong 2012 Nguyễn Văn Tư anh hùng.

Đại hội Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại vùng căn cứ kháng chiến tỉnh Tây Ninh, diễn ra ngày 17 đến 26-3-1965, đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh niên miền Nam trong giai đoạn mới. Đại hội quyết định phát động sâu rộng trong đoàn viên và thanh niên trên toàn Miền phong trào Năm xung phong, trong đó có nhiệm vụ: Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong (TNXP) phục vụ tiền tuyến.

Được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ, Tỉnh Đoàn Bến Tre đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị học Bức thư Đảng, giáo dục truyền thống cách mạng, noi gương khí phách lẫm liệt của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi…; đồng thời phát động đoàn viên, thanh niên tình nguyện gia nhập Đội TNXP chống Mỹ cứu nước. Chỉ một tháng sau, hàng trăm đoàn viên và thanh niên Bến Tre đăng ký sẵn sàng lên đường. Ngày 20-12-1965, Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước mang tên là Đội Nguyễn Văn Tư được thành lập (sau này anh Nguyễn Văn Tư - quê xã Tân Thành Bình, Mỏ Cày Bắc được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân). Đội gồm 148 cán bộ, đội viên (2/3 là nữ), tuổi 18, đôi mươi, thậm chí mới 15-16 tuổi đã cùng xung phong đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Lễ xuất quân, tuyên thệ, ký tên vào cờ truyền thống diễn ra nghiêm trang, đầy xúc động tại Giồng Lớn, xã Nhuận Phú Tân - Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Bắc) để tiễn đưa cả Đội về Trung ương Đoàn.

Tháng 8-1965, Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam quyết định thành lập Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam. Cuối năm 1966, trước yêu cầu của chiến trường, các đơn vị trong Tổng đội được biên chế thành 3 liên đội. Đội Nguyễn Văn Tư mang phiên hiệu 2012, được bố trí trong đội hình của Liên đội 9 (gồm Đội 198 Thành Đồng, Đội 239 Nguyễn Việt Khái - Cà Mau và Đội 2012 Nguyễn Văn Tư - Bến Tre). Đội 2012 trực tiếp phục vụ cho Trung đoàn 1 (trung đoàn Bình Giã - Q761). Chuẩn bị cho tổng tấn công mùa xuân năm 1968, Đội 2012 cắt ra một chi đội (tương đương trung đội) cùng bộ phận quân y trung đoàn 1, xây dựng căn cứ dã chiến để chăm sóc thương binh và chuyển về K71A - Suối Bồ (Bình Long).

Từ năm 1969 đến năm 1973, Đội 2012 được cấp trên giao nhiệm vụ mới, cùng Liên đội 9 đảm trách tuyến hành lang vận chuyển hàng chiến lược, thương binh (Đoàn 82 hậu cần) ở Kà Tum (Tây Ninh) đến Dầu Tiếng (Bình Dương) dài 40km. Đây là tuyến đường mà Mỹ ngụy đánh phá ác liệt, kể cả máy bay B52 ném bom, rải chất độc hóa học, máy thu tiếng động và địch thường bố trí quân phục kích, chốt chặn. Đây cũng là giai đoạn từ việc tải bằng vai, chuyển sang vận chuyển bằng xe đạp thồ. Dù khi ấy, đơn vị có 60% cán bộ, đội viên chưa biết đi xe đạp nhưng với tinh thần vượt khó, anh chị em đã quyết tâm luyện tập. Chỉ sau thời gian ngắn, toàn đơn vị biết đi xe đạp và thồ được 100kg hàng/chuyến, rồi nâng dần lên 200, 300kg/chuyến. Nhiều người trở thành kiện tướng thồ tải.

Sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, Đội 2012 cùng với các đơn vị trong Tổng đội tổ chức đoàn tiếp đón cán bộ, chiến sĩ chiến thắng trở về (cán bộ, chiến sĩ được trao trả) lấy phiên hiệu Đoàn I (Thiện Ngôn, Tân Biên, Tây Ninh). Đoàn I đã tiếp đón, chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 3.500 cán bộ, chiến sĩ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cùng với Đội 2012 Nguyễn Văn Tư, Bến Tre còn có TNXP tập trung không thời hạn tại tỉnh. Đội này chính thức ra đời vào đầu cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 1968, mang tên Đội Nguyễn Văn Tư II. Ngày lễ xuất quân (tại ấp 2, xã Long Mỹ, Giồng Trôm) đội có 60 cán bộ, đội viên nhưng đến đến tháng 9-1968, quân số của Đội tăng lên 200 người. Càng về sau, số lượng càng tăng (trên 600 đoàn viên, thanh niên) vừa phục vụ tại tỉnh và cả điều động về Khu. Đội được chia làm 4 chi đội, mỗi chi đội có từ 60 đến 80 đội viên phối hợp với các đơn vị vũ trang của tỉnh như: Tiểu đoàn 516, Tiểu đoàn 2, 5 và Tiểu đoàn 6, Đại đội 12 ly 8, cối 82, các đơn vị săn tàu, đội phẫu thuật 1 và 2… làm nhiệm vụ phục vụ chiến trường, ngày đêm sát cánh cùng các đơn vị vũ trang tỉnh. Đội thường hoạt động phân tán theo từng tiểu đoàn, từng đơn vị ở một hướng chiến trường.

Ngoài ra, Bến Tre còn có tổ chức TNXP có thời hạn. Đây là hình thức tổ chức rộng rãi, đều khắp, là lực lượng bám sát kịp thời, phục vụ tại chỗ cho từng chiến dịch và từng trận đánh. Ngoài nhiệm vụ tải đạn, chuyển thương binh, thu dọn chiến trường, lực lượng TNXP này còn làm nòng cốt cho sản xuất, bảo vệ sản xuất, chống địch bắt lính, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân tại địa phương. Đây là nguồn bổ sung cho bộ đội tỉnh, huyện, du kích. Chưa đầy hai năm (1965-1966), toàn tỉnh đã huy động được 10.815 đội viên TNXP ở cơ sở. Ở một số xã, đội viên TNXP đã chiếm trên 60% tổng số đoàn viên, thanh niên trong xã.

Năm 1966, có 1.715 đội viên TNXP gia nhập quân đội, 1.520 đội viên vào du kích. Chuẩn bị Tổng tấn công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Bến Tre đã xây dựng được 4 tiểu đoàn bộ binh, các binh chủng, 7 tiểu đoàn dân quân du kích và huy động trên 32 ngàn quần chúng (lực lượng khởi nghĩa) mà nòng cốt là thanh TNXP cơ sở. Hình thức, nội dung hoạt động của TNXP cơ sở rất đa dạng, phong phú và cũng phải chịu đựng bom đạn, gian khổ, hy sinh.

Thanh niên xung phong có 2 nhiệm vụ chủ yếu: phục vụ chiến đấu (với 18 công việc khác nhau: tải đạn, khiêng cáng thương binh, mở đường, bắc cầu, đào hầm hào, đưa bộ đội qua sông, suối…) và chiến đấu để bảo vệ mình, bảo vệ kho tàng, bảo vệ thương binh.

Theo thống kê của Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP), trong suốt quá trình hình thành và phát triển của lực lượng TNXP, tỉnh Bến Tre đã vận động được 25.000 đoàn viên, thanh niên tham gia.

Không trực tiếp chiến đấu nhưng TNXP luôn đối mặt với khoảnh khắc mong manh giữa sống và chết, bởi nhiệm vụ của họ luôn theo quy luật “đi trước, về sau”. Chuẩn bị vũ khí, lương thực, bệnh viện dã chiến trước một trận đánh, TNXP cũng là người giữ lấy trận địa, thu dọn chiến trường, tải thương với tâm huyết “còn thương binh, TNXP chưa về”. Địch vẫn hay dội bom hủy diệt chiến trường nên môi trường hoạt động của người TNXP càng thêm khốc liệt. “Chỉ nói riêng Đội TNXP 2012 Nguyễn Văn Tư, toàn đội 250 người, hy sinh 62 người, bị thương 84 người, còn mất mát nào bằng!” - ông Phạm Hữu Thừa - Chủ tịch Hội Cựu TNXP chia sẻ.

Dù luôn phải “đi trước, về sau”, luôn trực diện với chiến trường khốc liệt, nhưng TNXP vẫn thể hiện khí tiết của người lính anh hùng. Nét nổi bật của lực lượng TNXP Bến Tre là có tinh thần tự lực, tự cường phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Đội 2012 trực tiếp phục vụ cho Trung đoàn 1 (Trung đoàn Bình Giã Q761). Địa bàn hoạt động rất rộng, luôn luôn cơ động, từ chiến trường ven đô Sài Gòn, miền Đông Nam bộ, từ cực Nam Trung bộ, đến Campuchia, Nam Lào. Đa số đội viên còn là tuổi học trò, chưa một lần đi xa nhà, chưa quen mang vác nặng, trèo đèo vượt suối, chưa quen khí hậu khắc nghiệt của vùng rừng núi…, nên từng thanh niên phải rèn luyện, nỗ lực phi thường để vượt qua và hoàn thành nhiệm vụ. Trong suốt quá trình chiến đấu, Đội 2012 đã trực tiếp phục vụ 189 trận đánh lớn, nhỏ; chuyển, chăm sóc, bảo vệ trên 2 ngàn thương binh; thồ, tải 3.175 tấn vũ khí, lương thực, thuốc men cung cấp cho bộ đội; xây dựng 2 bệnh viện dã chiến (K23, K79), đào 420 hầm phẫu thuật dã chiến, 1.550 công sự và trên 5 ngàn mét giao thông hào…

TNXP Bến Tre được khen thưởng:

Tập thể:

1 Huân chương Giải phóng hạng II; 1 Huân chương Chiến công hạng III; 3 Huy chương Giải phóng hạng I; 7 Huy chương Giải phóng hạng II; chi đội, phân đội khá nhất (Chi đội 2, phân đội 5); Đơn vị lá cờ đầu (Đội 2012); Phân đội lá cờ đầu (Phân đội 5 - Đội 2012); 4 bằng khen của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Phụ nữ, Hội đồng Cung cấp Trung ương, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 9.

Cá nhân:

1 Huân chương Chiến công hạng II; 3 Huân chương Giải phóng hạng III; 10 Huy chương Giải phóng hạng I; 17 Huy chương Giải phóng hạng II; 95 bằng khen; 124 giấy khen; 5 Chiến sĩ thi đua cấp Tổng đội; 9 Chiến sĩ thi đua cấp Liên đội; 21 cá nhân xuất sắc; 90 lượt cán bộ, đội viên đạt danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ Quyết thắng; 105 cán bộ, đội viên đạt danh hiệu kiện tướng thồ tải, khiêng thương.

Lực lượng TNXP phục vụ chiến đấu cho các đơn vị vũ trang tỉnh nhận 80 bằng khen giấy khen của Tỉnh đội.

 

Nhẩm lại những con số, nghe thật đơn giản nhưng ngoảnh lại cuộc hành trình, hình ảnh người TNXP Đội 2012 mãi mãi bừng sáng. Đơn cử như nữ TNXP tên Trúc Mai cùng đồng đội 6 lần bò dưới làn đạn của quân địch vào sát lô cốt địch cõng từng thương binh, tử sĩ ra khỏi trận địa. Còn trong trận đánh Đồng Rum (Tây Ninh), Đội 2012 đã trực tiếp tải đạn cơ động theo các đơn vị, tiếp đạn tại trận địa, cõng 40 thương binh, 25 tử sĩ ra khỏi trận địa dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Trận đánh Trung tâm huấn luyện Quang Trung (Hóc Môn), Đội làm nhiệm vụ tiếp đạn, chuyển thương tại mặt trận, vừa đảm nhận làm nòng cốt cho TNXP ở cơ sở, dân công hỏa tuyến của Phân khu II, chuyển hơn 400 thương binh, vượt sông Vàm Cỏ Đông, luồn lách qua đồn bót địch đến điểm an toàn…

Từ năm 1969 đến năm 1972, Đội 2012 chuyển sang làm nhiệm vụ mới, phối thuộc với đoàn Hậu cần 82 chuyển tải là nhiệm vụ chủ yếu của đội, với phong trào “ 4 tăng, 5 giảm, 3 rút ngắn, 10 bảo đảm”. Đội luôn tổ chức rút kinh nghiệm, xây dựng những điển hình về thồ hàng, cáng tải thương, thực hiện khẩu hiệu “mạnh vai tải, vững tay thồ, công binh giỏi, chiến đấu cừ” phù hợp với từng đợt, đưa năng suất ngày một cao. Trong giai đoạn này, dù khó khăn người TNXP vẫn luôn giữ khí tiết anh hùng. Như, cuộc chiến không cân sức giữa Tiểu đội trinh sát, Đội 2012 với một tiểu đoàn địch đã diễn ra suốt một ngày. Dù Tiểu đội trinh sát chẳng còn một ai, nhưng kho đạn vẫn được bảo vệ. Họ đã chiến đấu đến phút cuối, khi trên tay TNXP Lê Văn Đực (Lê Trung Kiên ở Tường Đa, Châu Thành) vẫn còn cầm chặt một thủ pháo và phía trước anh là những dấu vết của thủ pháo vừa nổ tung và xác xe M113. 21 tuổi đời, 5 tuổi quân, người lính trẻ ấy đã ghi tạc dấu ấn anh hùng của TNXP Đội 2012.

Đối với Đội TNXP không thời hạn phục vụ các đơn vị vũ trang của tỉnh có hơn hai phần ba là nữ, sát cánh cùng bộ đội làm nhiệm vụ tải đạn, tải thương, đưa đón bộ đội qua sông, thu dọn chiến trường. Chủ tịch Hội Cựu TNXP Bến Tre Phạm Hữu Thừa bùi ngùi kể: Hoạt động ở chiến trường đồng bằng, kênh rạch chi chít, vào mùa mưa đường trơn, vai mang vác nặng, có trận đánh diễn ra từ 3 đến 4 ngày đêm, thân gái có khi phải trầm mình dưới công sự đầy nước cả ngày đêm, chiến đấu với địch, nhưng TNXP luôn luôn dũng cảm vượt lên phía trước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp đạn tải thương góp sức cùng bộ đội diệt thù.

Còn lực lượng TNXP tại tỉnh trực tiếp phục vụ 200 trận đánh lớn nhỏ, trên khắp địa bàn trong tỉnh, từ cù lao Bảo sang cù lao Minh và cù lao An Hóa, một chiến trường không phân biệt đâu là hậu phương, đâu là tiền tuyến. Trong phục vụ chiến đấu, có những tấm gương điển hình như chị Ba Điều (Lương Hòa, Giồng Trôm) cùng đồng đội phục vụ bộ đội tấn công diệt 2 đồn địch tại ấp Cây Điệp (Châu Hòa, Giồng Trôm). Do thương vong lớn nên TNXP phải tải thương, đưa về quân y đến sáng. Khi vượt qua lộ 26, địch phát hiện bắn cấp tập, nữ TNXP Ba Điều bình tĩnh cõng thương binh bò qua lộ và dũng cảm lấy thân mình che chắn, bảo vệ thương binh. Trận đánh địch ở Lương Hòa (năm 1969), một pháo thủ của ta bị địch bắn đứt đầu, nữ TNXP tên Liên đã không quản ngại, một lòng vì tử sĩ đã tìm được đầu và thân đồng chí pháo thủ, đem về nghĩa trang Tân Hào chôn cất…

Lực lượng TNXP công tác tại Khu 8 (T2) có 2.000 người hoạt động trên nhiều lĩnh vực: đơn vị quân trang, quân khu, thông tin và phần lớn làm công tác vận tải vũ khí từ Tăng Lèo (biên giới Việt Nam - Campuchia) qua Đồng Tháp Mười, vượt kênh An Long (Hồng Ngự) luồn lách theo các kênh rạch chuyển hàng về lộ 4 (quốc lộ 1 ngày nay) bờ bắc sông Tiền (Mỹ Tho). Ngoài nhiệm vụ chuyển vũ khí, TNXP còn tham gia đưa thương binh nặng về biên giới Campuchia. Kẻ địch hiểu rõ qui luật và tuyến đường của ta, nên ngoài việc cho biệt kích bí mật rình rập, chúng còn dùng trực thăng vũ trang bay thấp soi sáng các dòng kênh, mỗi khi phát hiện ta thì vây đánh. Có lần các đồng chí cán bộ, đội viên TNXP nhóm A101 Bến Tre từ Tăng Lèo đi An Long gồm 12 người với 6 xuồng chở đầy "hàng", đụng biệt kích, các đồng chí kháng cự đến cùng, cả 12 người đều hy sinh.

Lực lượng TNXP Bến Tre có:

- 92 liệt sĩ (và đang xem xét 4 trường hợp); 168 thương binh (đang xem xét 58 trường hợp). Riêng Đội 2012 có 62 liệt sĩ, 25 thương binh nặng.

- 39 người bị nhiễm chất độc hóa học.

- 26 con đẻ của TNXP bị di chứng của chất độc hóa học.

 

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, một số cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong (TNXP) Bến Tre được điều động sang quân đội, cử đi học và chuyển công tác khác, số đông trở về quê hương tham gia lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.

Trở về với đời thường nhưng tố chất xung phong, đi đầu vẫn luôn bừng cháy trong từng chiến sĩ trẻ. Những năm 1977, 1978, Tỉnh ủy chủ trương tổ chức nông trường ở Giao Điền (Thạnh Phú), xây dựng lâm trường ở Châu Bình (Giồng Trôm), làm đường ở Bình Đại, khai thác đá ở tỉnh Tây Ninh… Tuổi trẻ Bến Tre lại tiếp tục tình nguyện tham gia lực lượng TNXP. Từ tháng 4-1978 đến tháng 12-1978, có trên 4.000 đội viên đi xây dựng kinh tế mới. Những đôi tay, khối óc ấy luôn vượt qua trở lực, không chịu khuất phục trước mọi khó khăn đã đưa vùng đất phèn chua Châu Bình, Giao Điền hồi sinh. Hàng trăm hec-ta rừng ở Giao Điền và những loại cây trồng mới cho vùng đất được ngọt hóa Châu Bình là cả mồ hôi và ý chí của TNXP Bến Tre ngày ấy.

Thời gian trôi qua, mãi tận 20 năm sau (1997), lần đầu tiên Ban liên lạc cựu TNXP Bến Tre được thành lập (trực thuộc Tỉnh Đoàn) để tập hợp danh sách cựu TNXP trong hai cuộc kháng chiến, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ban liên lạc còn làm nhiệm vụ đề xuất nhằm thực hiện chế độ, chính sách cũng như vận động, phối hợp các cơ quan liên quan để chăm lo đời sống cho cán bộ, đội viên TNXP gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hữu Thừa - Chủ tịch Hội Cựu TNXP Bến Tre, vì thành viên của Ban rất ít, lại chưa được tổ chức một cách bài bản nên hiệu quả không cao. Đến năm 2007, Hội Cựu TNXP tỉnh Bến Tre chính thức được thành lập và đang từng bước trở thành ngôi nhà chung của những đội viên xung phong năm nào.

Ngày bắt đầu, Hội Cựu TNXP tỉnh có 50 hội viên và con số cứ tăng dần. Đến nay, sau 4 năm hoạt động, Hội đã tập hợp được trên 5.000 hội viên và 7 huyện, 53 xã có Hội cựu TNXP. Nghĩa tình đồng đội của những TNXP năm xưa được thể hiện bằng những căn nhà đậm tình vẹn nghĩa, những chuyến thăm nom khi ốm đau hay chút vốn liếng hỗ trợ nhau lúc khó khăn… Tất cả như tia nắng nhẹ nhàng nhưng đủ ấm lòng và làm sống lại sức mạnh xung kích, sức trẻ hừng hực tưởng chừng như đã cạn trong mỗi cựu TNXP đang tuổi về chiều.

Hàng trăm căn nhà mang tên “Nghĩa tình đồng đội” và đúng như tên gọi của nó, mỗi lần trao nhà là thêm một lần những giọt nước mắt lại rơi - của người được tặng và của cả những người trao nhà. Còn nhớ lần đi trao nhà cho vợ chồng anh Tỏ cựu TNXP ở xã Thành Thới B (Mỏ Cày Nam). Vợ chồng chẳng có nhà, sống trên một chiếc xuồng đồng thời cũng là phương tiện mưu sinh của hai vợ chồng. Rồi cơn bão Durian cuối năm 2006 đã làm chiếc xuồng tan tành. Chắp vá lại và vợ chồng người cựu TNXP ấy lại tiếp tục sống trên chiếc xuồng chẳng mấy lành lặn. Ngày trao nhà, vợ chồng anh không cầm được nước mắt. Người chứng kiến cũng xúc cảm dâng trào. Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Phạm Hữu Thừa bùi ngùi: Đó là những cộng hưởng lớn lao của tình đồng đội. Chúng tôi đang biến tổ chức Hội thật sự là ngôi nhà chung của tất cả anh em TNXP năm xưa.

Vượt hơn cả sự quan tâm, chăm sóc về vật chất, việc tập hợp các đội viên TNXP còn có ý nghĩa đặc biệt là truy tìm những đồng đội hy sinh nhưng vẫn còn đang yên nghỉ ở đâu đó trên mảnh đất Việt Nam hình chữ S này; và để cùng làm nhân chứng sống cho những người từng vào sinh ra tử nhưng chẳng còn một loại giấy tờ nào chứng minh điều đó. Thêm 92 TNXP hy sinh được công nhận liệt sĩ, 169 người được chứng nhận thương binh và trên 30 hài cốt của những TNXP được tìm thấy là kết quả của những lần gặp gỡ, chia sẻ thông tin này.

Dẫu vậy, TNXP Bến Tre vẫn còn lắm khó khăn. Theo thống kê của Hội Cựu TNXP tỉnh, hiện còn 83 hộ cựu TNXP thuộc diện hộ nghèo, 88 hộ cận nghèo, 18 hộ không có nhà ở… Và đặc biệt, vẫn còn nhiều những TNXP đang yên nghỉ nơi nào đó, chưa “trở về” cùng gia đình, người thân. “Điều đó rất xót xa, ray rứt. Thời gian đang rất cấp bách. Chúng tôi đa số đã vào tuổi ông, tuổi bà, nếu nhân chứng, những cựu TNXP không còn, thì làm sao?” - Chủ tịch Hội Cựu TNXP Phạm Hữu Thừa tâm tư. Đây cũng là lý do mà Hội Cựu TNXP tỉnh đang đề ra kế hoạch hoạt động tăng tốc cho nhiệm kỳ tới (nhiệm kỳ 2). Xây dựng tượng đài tưởng niệm, phát hành tập sách về TNXP Bến Tre để ghi dấu và tiếp tục truyền “lửa” cho thế hệ tiếp bước là mong muốn của những cựu TNXP. Song, một mong ước vẫn còn đang nung nấu trong mỗi trái tim, đó là được ghi danh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng TNXP tỉnh Bến Tre. Ước mong đó chỉ mới được thực hiện một phần, khi mà Đội TNXP 2012 Nguyễn Văn Tư vừa được ghi nhận anh hùng vào đầu năm nay…

Bảo Lam (Theo sử liệu của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN