Sản phẩm nước màu dừa A Tuấn Khang được đưa vào tham gia Chương trình OCOP.
Triển khai rộng khắp
Từ năm 2018 đến nay, Chương trình OCOP đã trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương trong việc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh đã thành lập Hội đồng và Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và ban hành quy chế hoạt động của hội đồng. Cơ quan thường trực OCOP cấp tỉnh là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với cấp huyện, có 9 huyện/thành phố đã thành lập Hội đồng và Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP và ban hành quy chế hoạt động. Cơ quan giúp việc cho Hội đồng cấp huyện là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/ Phòng Kinh tế TP. Bến Tre. Đối với cấp xã, đã bổ sung nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP vào nhiệm vụ Ban Chỉ đạo các CTMTQG và phân công cán bộ phụ trách OCOP để thực hiện.
Đến nay, Hội đồng đánh giá cấp tỉnh đã tổ chức 2 đợt đánh giá sản phẩm OCOP, đánh giá và xếp hạng 59 sản phẩm, trong đó 31 sản phẩm đạt 4 sao, 25 sản phẩm đạt 3 sao và 3 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao theo Bộ tiêu chí Trung ương. Tổng số 28 chủ thể sản xuất đã tham gia chương trình, có 7 hợp tác xã, 14 công ty/doanh nghiệp, 6 cá thể và 1 tổ hợp tác. Số lượng sản phẩm OCOP được công nhận vượt mục tiêu của đề án. Sau khi đánh giá OCOP lần thứ 2 - 2020, dự kiến toàn tỉnh có trên 80 sản phẩm cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực tại tỉnh cho lãnh đạo quản lý các sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã; cán bộ phụ trách OCOP cấp huyện, xã và chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP, với 636 đại biểu tham dự. Tổ chức 45 lớp tập huấn tại 9 huyện, thành phố cho cán bộ thực hiện Chương trình OCOP cấp huyện, xã và chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh trên địa bàn, khoảng 1,6 ngàn lượt đại biểu tham dự.
Đạt nhiều kết quả
Năm 2019, được sự quan tâm sâu sắc của Trung ương, đặc biệt, Văn phòng Điều phối CTMTQG xây dựng nông thôn mới Trung ương, tỉnh đã đăng cai tổ chức Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre. Hội chợ có sự tham gia của 25 tỉnh, thành tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc với 355 gian hàng.
Hội chợ có trên 500 mặt hàng, với 1.500 chủng loại, thu hút 55 ngàn lượt khách tham quan và mua sắm, doanh thu đạt trên 15 tỷ đồng. Các hoạt động tại hội chợ đã góp phần tăng cường mở rộng giao lưu kinh tế giữa các địa phương trong tỉnh với các tỉnh bạn; đẩy mạnh kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các nhà sản xuất và các đầu mối tiêu thụ; mở ra nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ mới, thị trường mới để doanh nghiệp tỉnh ngày càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Ngoài ra, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, các sản phẩm nông sản của tỉnh nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng đã được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Nhiều sản phẩm đã được các doanh nghiệp trong và ngoài nước khai thác ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định lâu dài. Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, thị trường các thành phố lớn.
Trong 2 năm, tỉnh đã hỗ trợ in tem truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ thiết kế nhãn hiệu cho các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Xây dựng các dự án phát triển chế biến các sản phẩm thịt bò tại huyện Ba Tri, dự án sản phẩm chế biến dừa hữu cơ tại huyện Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú.
Đánh giá đợt xếp hạng sản phẩm OCOP vào tháng 12-2020, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức, đại diện Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh cho biết: “Qua đợt đánh giá lần thứ 2 năm 2020, chất lượng sản phẩm OCOP được nâng lên. Nhiều sản phẩm được đánh giá 5 sao đề xuất Trung ương công nhận. Tính bản địa được chủ thể sản xuất quan tâm và phát huy nhiều hơn. Các sản phẩm bản địa đăng ký đợt này khá nhiều và phong phú (45 sản phẩm). Từ đây cho thấy, Chương trình OCOP ở Bến Tre đang đi đúng hướng”.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP, giúp người dân hiểu rõ về lợi ích, sự cần thiết khi tham gia chương trình, tạo động lực để người dân thực hiện theo định hướng chung của tỉnh. Qua đó, thay đổi dần tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết, hợp tác và phát huy lợi thế đặc trưng của địa phương.
(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức)
|
Bài, ảnh: Phương Khê